Công tác quản lý dịch vụ game online

Một phần của tài liệu Dịch vụ trò chơi trực tuyến ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 32 - 37)

5.1. Vấn đề quản lý và các chính sách ban hành

Việc quản lý dịch vụ GO đã và đang được các cơ quan chức năng và xã hội quan tâm trong thời gian qua nhằm kiểm soát tình hình phát triển cũng như hạn chế các mặt tiêu cực mà GO gây ra đối với cộng đồng và người chơi. Khi được hỏi về sự đồng ý với các biện pháp quản lý GO, kết quả tổng hợp số liệu khảo sát thể hiện dưới hình sau:

Nhìn vào hình trên có thể thấy rằng, tỷ lệ người trả lời đồng ý với các quy định về thời gian chơi cao nhất (75%), tiếp đến là quản lý giám sát với người dưới 14 tuổi (65%), quy định nội dung và kỹ thuật GO (58,1%), quy định về hoạt động của các đại lý (57,4%) và với quy định về khoảng cách điểm GO với trường học chỉ có 48,9%. Chỉ có 1.7% trả lời không biết đến và không có ý kiến về các biện pháp quản lý GO nói trên. Qua đây cho thấy, hầu hết người dân trong cộng đồng đã nắm bắt được các thong tin liên quan đến quản lý GO mà các cơ quan chức năng ban hành trong thời gian qua.

Theo ý kiến chủ quan của riêng cá nhân thì tôi cho rằng không nên phát hành game tràn lan mà nên có quản lý và chọn lọc game trước lúc đưa ra thị trường. Nguyên nhân của những bất cập đó là hiện nay game phát hành quá nhiều, và dễ dàng. Muốn quản lý được phần nào game G.O để game thật sự là một hình thức giải trí lành mạnh thì nên hạn chế giờ chơi quá khuya ảnh hưởng đến sức khoẻ và suy nhược tinh thần… (PVS, Đại lý cung cấp thẻ GO, Hà Nội)

Phải tạo GAME đừng bạo lực, quy định 23 giờ đóng mạng, thời gian mở ít sẽ không gây nghiện GAME (PVS, Đại lý Game, Cần Thơ )

Rất cần quản lý các trẻ em chưa đủ tuổi vào chơi các loại GO có nội dung xấu (PVS, giáo viên, Hải Dương)

Nên quản lý người chơi game theo độ tuổi một cách sát sao, để hạn chế trẻ em tham gia các game có ảnh hưởng xấu (PVS, lãnh đạo cộng đồng, Đà Nẵng)

Mặc dù phần lớn số người có đồng ý với các quy định nói trên, song có đến 45,7% người trả lời không đồng ý với các quy định này cho rằng các biện pháp không hiệu quả, tính khả thi không cao, 24,7% làm kìm hãm sự phat triển công nghệ thông tin, kìm hãm tự do cá nhân, 23,0% làm hạn chế quyền giải trí của những người thành niên trên 18 tuổi và 13,3% có thể gây ra hiện tượng bỏ chơi GO trong nước chuyển sang chơi GO của nước ngoài.

Theo đánh giá của các thông tin định tính, có thể thấy rằng, các ý kiến có sự khác nhau ở các nhóm đối tượng khác nhau. Các đại lý kinh doanh cơ bản đều phản đối những qui định hiện nay, cho rằng qui định kinh doanh theo giờ và khoảng cách hiện nay là không hợp lý

Qui định hiện nay là các quan kinh doanh game phải cách trường học là 200m, nhưng trên địa bàn nhiều trường học quá, cứ cách trường này thì lại gần trường kia.... Ban ngày người chơi là trẻ em là chủ yếu thì qui định lại cấm cho trẻ em chơi từ sáng đến 5 h chiều. Ban đêm chủ yếu là thanh niên đi làm về chơi thì lại bắt đóng cửa lúc 22h, nếu thực hiện đúng như vậy thì chủ kinh doanh lấy đâu ra khách hàng và sẽ không có thu nhập”(PVS, nữ, kinh doanh dịch vụ, Hải Dương)

Ngoài ảnh hưởng đến doanh thu, hiệu quả của hoạt động kinh doanh dịch vụ, nhiều đại lý GO cũng cho rằng, quy định đóng cửa lúc 22h còn ảnh hưởng đến những vấn đề khác.

Trong tiệm Internet không chỉ có game, mà có cả các hoạt động, dịch vụ khác. Nếu quá 22h mà cắt đường truyền nét thì ảnh hưởng đến người sử dụng nét vào việc khác. Có người cần tài liệu làm nhưng không có được”(PVS, chủ tiệm Internet, Đồng Nai)

Tôi cho rằng đây chỉ là giải pháp tính thế mang tính bề nổi, còn gốc rễ của vấn đề chúng ta cũng chưa giải quyết được. Hơn nữa giải pháp này áp dụng đối với thành phố du lịch sẽ không phù hợp lắm vì khách du lịch họ có thể vào các quán nét để tra cứu hoặc chát với bạn bè, nếu cắt đường truyền sẽ không hợp lý. (PVS, chủ tiệm Internet, Đà Nẵng)

Như vậy, các giải pháp quản lý nói trên là rất cần thiết, song cần tính đến tính khả thi và những tác động âm tính về mặt chính sách có thể làm kìm hãm một số lĩnh vực nhất định.

Bên cạnh đó, chính những người đang chịu sự quản lý về mặt nhà nước về kinh doanh dịch vụ cũng cho rằng, khâu quản lý còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng lách luật hoặc tiêu cực xảy ra.

Nói chung quản lý không chặt chẽ, mặc dù quy định 23 giờ các tiệm Interrnet đóng cửa, nhưng các cơ quan nhà nước vẫn làm ngơ, có nơi đưa tiền cho công an khu vực (PVS, Đại lý Game, Cần Thơ )

Đối với những người làm công tác quản lý cộng đồng và trực tiếp là lĩnh vực văn hóa thông tin truyền thông cho rằng, việc quản lý GO là một vấn đề rất bức thiết hiện nay nhưng cách thức quản lý phải giải quyết vấn đề ngay từ ban đầu bởi các điều kiện của các địa phương trong công tác quản lý rất khó khăn.

Chúng tôi hoàn toàn nhật trí với việc quản lý GO, nhưng quản lý chỉ ở địa phương thì rất khó, cần có sự quản lý chặt chẽ ngay từ khi phát hành GO. (PVS, cán bộ VHTT, Đồng Nai) Ban ngày chúng tôi là công chức phải làm việc 8 tiếng, cả phường chỉ có 02 cán bộ chuyên về lĩnh vực này trong khi địa bàn rộng, buổi tối còn phải về nhà chứ chẳng nhẽ vẫn phải đi làm. Hơn nữa kinh phí và nghiệp vụ về các lĩnh vực rất mới này hầu như không có, do vậy cần phải có sự phối hợp liên ngành giữa chính quyền, cơ quan chuyên trách, công an và cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này (PVS, lãnh đạo Phường Kim Liên, Hà Nội)

Một số bất cập của công tác quản lý GO hiện nay cũng được chỉ ra như cơ quan chịu trách nhiệm chính, cơ chế phối hợp trong quản lý tại địa bàn, vấn đề hậu kiểm khi ban hành các văn bản pháp luật.

Xây dựng hành lang pháp lý chưa xác thực, chưa bám vào hậu kiểm, mới chỉ dựa trên ý kiến của các nhà cung cấp dịch vụ, chưa nghe ý kiến từ người dân, vì thế có chế tài nhưng không sử dụng được…” (PVS, cán bộ VHTT, Hải Dương)

Chẳng biết cơ quan nào là cơ quan chủ quản quản lý G.O. Văn hoá thì bảo công an, công an thì bảo truyền thông, cuối cùng công an luôn là người giải quyết hậu quả, tất cả đều kêu công an” (PVS, công an Phường Trần Phú, Hải Dương)

Như vậy, vấn đề quản lý GO về cơ bản được cộng đồng cũng như các nhà quản lý tán thành và cho rằng là rất cần thiết, tuy nhiên, trong thực tế công tác quản lý GO hiện nay còn tồn tại rất nhiều bất cập. Trong phần tiếp theo sẽ đề cập sâu hơn về các giải pháp nhằm quản lý GO một cách hiệu quả hiện nay.

5.2. Giải pháp quản lý GO hiệu quả

Khi tìm hiểu về các giải pháp giúp tăng cường các lợi ích của GO với người chơi và cộng đồng hiện nay, một loạt các giải pháp mà người trả lời lựa chọn, kết quả cụ thể dưới bảng số liệu sau.

Bảng 9: Giải pháp tăng cường hiệu quả GO

Các nội dung quản lý GO hiệu quả

(xếp từ cao xuống thấp theo lựa chọn của người trả lời)

Tỷ lệ (%)

1. Sáng tác nhiều kịch bản GO hay mang tính giáo dục 71,5

2. Phân loại GO cho phù hợp với lứa tuổi 67,2

3. Khuyến khích sản xuất GO có nội dung lành mạnh và giáo dục truyền

thống văn hóa, lịch sử dân tộc 65,0

4. Kiểm soát độ tuổi người truy cập Internet tại các đại lý (dưới 14 tuổi) 51,6

5. Có những khuyến cáo về ảnh hưởng của GO 50,4

6. Nhà trường cần giáo dục, quản lý học sinh, sinh viên chặt chẽ hơn 46,1 7. Tổ chức các cuộc thi GO để tăng cườn khả năng tư duy, sáng tạo 45,1 8. Thông tin về hậu quả, tác hại của GO tại cac đại lý GO 41,8 9. Các nhà phát hành GO thông tin về những hậu quả mang lại từ GO trên

trang điện tử của mỗi GO

40,4 10. Kiểm soát đường truyền của máy của quốc tế vào Việt Nam 32.7

11. Mở thêm các ngành đào tạo về lập trình GO 27,0

12. Khác 1,4

Dễ dàng có thể nhận thấy các giải pháp được nhiều người đề cập đến hướng tới các nội dung GO mang tính giáo dục, phù hợp với các lứa tuổi. Bên cạnh đó việc công bố các thông tin khuyến cáo về tác động GO cũng như giám sát người chơi chưa đến tuổi thành niên tại các đại lý GO cũng như trong trường học cũng được nhiều người quan tâm.

Bên cạnh các thông tin định lượng phân tích bên trên, khảo sát còn thu thập các thông tin tính thông qua phỏng vấn sâu từng nhóm đối tượng từ các nhà quản lý cộng đồng, đại diện các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực này cho đến những người dân trong cộng đồng, đội ngũ giáo viên, những người đang kinh doanh dịch vụ GO và bản thân người đang chơi GO.

Dưới đây là một số kiến nghị nhằm quản lý GO hiệu quả:

Thứ nhất, kiểm soát nội dung GO trước khi đưa vào sử dụng phù hợp với lứa tuổi, nội dung phải lành mạnh, có tính giáo dục, vẫn đảm bảo quyền lợi của người chơi.

Phải kiểm soát tốt từ khâu nội dung phải lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ, học sinh nhiệm vụ chính là học tập thì những trò chơi phải có tính giáo dục cao, phát triển trí tuệ. Nhận thức được tác động của GO để quản lý sao cho không ảnh hưởng đến người chơi” (PVS, công an quận Đống Đa, Hà Nội)

Phải loại trừ game bạo lực và game khiêu dâm” (PVS, Cán bộ phường Thanh Bình, Hải Dương)

Quan trọng là thay đổi quản lý dịch vụ làm sao để hướng các em vào các hoạt động có ích. Các em chỉ thích vào chơi game bạo lưc, đua xe tốc độ cao chứ không thấy tập trung vào cái đẹp” ; “Thay đổi cách chơi game. Games là giải trí, vấn đề là làm sao hướng các em vào giải trí tốt đẹp. Kiểm soát game theo nội dung để đảm bảo tính lành mạnh”; “quản lý phải thống nhất từ trên xuống và phát triển nội dung games để hướng tới Chân – Thiện – Mỹ”(PVS, cán bộ VHTT, Đồng Nai)

Thứ hai, gia đình và nhà trường quan tâm và nâng cao hiểu biết về GO để có phương pháp quan tâm đúng đắn hơn đến đối tượng là học sinh, trẻ em bởi đây là nhóm chưa có đủ kiến thức, hiểu biết và bản lĩnh trước các loại hình giải trí có nội dung không lành mạnh có ảnh hưởng xấu đến nhân cách, sự phát triển và hành vi.

Thầy cô giáo quan tâm tới các học sinh hơn để biết học sinh nào có biểu hiện nghiện game và tìm cách giúp em đó không chơi nhiều nữa cần có nơi cai nghiện game cho học sinh và thanh thiếu niên” (PVS, giáo viên Đống Đa, Hà Nội)

Gia đình có thể hạn chế những game tiêu cực (bạo lực, tình dục..) bằng cách quan tâm chăm sóc tới con mình. Tạo đièu kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và quan trọng là phải cho con cái của mình phân biệt được nhưng tác hại của Game Online để chúng tự có ý thức không lựa chọn những trò chơi đó” (PVS, Phụ huynh, Hà Nội)

Giáo dục truyền thông về gí trị văn hóa, giá trị cuộc sống, kỹ năng sống trong nhà trường để các em có bản lĩnh ứng phó trước các tình huống (PVS, CA Đống Đa, Hà Nội)

Gia đình hướng cho con một cách cụ thể, nhẹ nhàng khuyên bảo con, không cấm đoán, để cháu dễ tiếp thu... nếu có thời gian thì sẽ cùng chơi với con để hiểu biết thêm về game và quản lý con dễ dàng hơn” (PVS nam, 49 t, phụ huynh, Hải Dương).

Thứ ba, cung cấp, trang bị kiến thức thông tin đầy đủ về GO cho các cơ quan quản lý trực tiếp hay gián tiếp về GO để thuận tiện trong công tác kiểm tra, giám sát và quản lý. Bên cạnh đó, tăng cường nhân lực, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý về GO.

Tăng cường nhân sự cho quản lý liên ngành; cung cấp kiến thức cho cán bộ Công an về “thế nào là game bạo lực”. Hiện nay chúng tôi chưa nhận được bất kỳ một văn bản nào nói rõ như thế nào là game bạo lực, cung cấp kiến thức cho cán bộ CA về internet và nhưng GO (PVS, công an Đống Đa, Hà Nội)

Thứ tư, có quy định về lứa tuổi chơi, thời gian chơi và đường truyền tải GO và thời gian thích hợp để truyền tải, đồng thời đảm bảo lợi ích của người chơi GO.

Qui định độ tuổi chơi: Qui định về đường truyền tải game và thời gian thích hợp để chuyển tải”(PVS, Lãnh đạo công an phường Trần Phú, Hải Dương)

Nhà quản lý nên quản lý theo thời gian để hạn chế chơi liên tục và cần phải có mã hóa đồ để không bị mất” (PVS, người chơi GO, Đồng Nai)

Thứ năm, có chế tài đủ mạnh để răn đe và chế độ khen thưởng kịp thời đối với những đơn vị chấp hành tốt các quy định của nhà nước về quản lý GO.

Có chế độ thưởng phạt rõ ràng cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ internet và G.O” (PVS cán bộ lãnh đạo phường Phạm Ngũ Lão, Hải Dương).

Thứ sáu, nghiên cứu nhu cầu người chơi và cung cấp các loại hình và nội dung GO phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Thứ bảy, tăng cường, tạo các sân chơi giải trí lành mạnh cho giới trẻ nhằm thu hút sự quan tâm với các loại hình giải trí có thể thay thế GO. Điều này không có nghĩa là thay thế hoàn toàn mà chỉ là tạo them các cơ hội lựa chọn cho cộng đồng, tránh tình trạng quá ham mê một loại hình nào đó.

Thứ tám, tham khảo kinh nghiệm các nước quản lý dịch vụ GO hiệu quả như Trung Quốc, Hàn Quốc về hạn chế giờ chơi, hệ thống và cơ chế kiểm soát đối tượng, quản lý nội dung trò chơi cũng như việc tư vấn, giải quyết các vấn đề do tác động của GO như tình trạng “nghiện”, lạm dụng quá mức, nhận thức chưa đúng.v.v.

Thứ chín, tuyên tuyền, giáo dục các thông tin liên quan đến những tác động của GO đối với người chơi cũng như cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức đầy đủ hơn và thái độ ứng xử khách quan, phù hợp hơn về GO.

Một phần của tài liệu Dịch vụ trò chơi trực tuyến ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(50 trang)
w