3.3.1.1 Qui mô mẫu
Theo các nhà nghiên cứu, đối với phân tích nhân tố khám phá (EFA) cỡ mẫu tối thiểu N > 5*n (n: Tổng số biến quan sát). Theo Thọ và cộng sự (2011), để tiến hành phân tích hồi quy một cách tốt nhất có thể, cỡ mẫu tối thiểu cần đạt được tính theo công thức N > 50 + 8m (trong đó m là các biến). Trong nghiên cứu này, tác giả chọn kích thước mẫu đủ lớn để thoả mãn cả hai điều kiện theo tiêu chuẩn của phương pháp nghiên cứu nhân tố EFA và phương pháp hồi quy bội. N > Max (cỡ mẫu theo yêu cầu của hồi quy bội), ứng với thang đo lý thuyết gồm 34 biến quan sát với 6 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc. Tác giả phải điều tra tối thiểu là 170 phiếu (34x5). Ngoài ra, trong bài nghiên cứu này có chạy hồi quy nên tác giả áp dụng công thức tính số doanh nghiệp cần điều tra: n = 8*m + 50 (m là biến độc lập). Như vậy, số doanh nghiệp cần khảo sát là 98 doanh nghiệp. Với cách tính số doanh nghiệp cần khảo sát, tác giả chọn số mẫu doanh nghiệp cao nhất, đó là 170 doanh nghiệp. Vậy, qui mô mẫu tối thiểu phải đáp ứng yêu cầu trên là 170 doanh nghiệp.
3.3.1.2 Phương pháp chọn mẫu
Trong bài nghiên cứu này, đề tài nghiên cứu dạng khám phá cùng với những nội dung phân tích như trên, luận văn sử dụng phương pháp chọn mẫu phi xác suất với hình thức chọn mẫu thuận tiện. Tác giả soạn bảng câu hỏi nghiên cứu sẽ được gửi trực tiếp cho doanh nghiệp nên rất thuận lợi cho việc khảo sát. Bên cạnh đó, tác giả dùng phương pháp chọn mẫu thuận tiện thông qua doanh nghiệp đến nộp thuế tại Chi cục thuế Dĩ An, Bình Dương. Có nghĩa là lấy mẫu dựa trên sự thuận lợi hay dựa trên tính dễ tiếp cận của đối tượng, ở những nơi mà tác giả điều tra có nhiều
khả năng gặp được doanh nghiệp đang được quản lý tại Chi cục thuế Dĩ An, Bình Dương.