(Pháp Luật Việt Nam 17/5, tr5, Hà Anh; Pháp Luật Việt Nam Online 17/5, Hà Anh)
Hơn hai tháng sau khi Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2010 - 2015” đến năm 2020, Kế hoạch số 652/KH-BTP về việc thực hiện Đề án trong năm 2018, nhiều địa phương trong cả nước đã ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho tầng lớp thanh, thiếu niên.
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch thực hiện Đề án đến năm 2020, Bộ Tư pháp yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị tham mưu UBND cùng cấp xây dựng Kế hoạch và bảo đảm kinh phí thực hiện Đề án năm 2018 của địa phương phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu của công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên trên địa bàn; gắn với thực hiện nhiệm vụ thống kê chỉ tiêu “Tỷ lệ thanh niên được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật” theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam. Thực hiện kế hoạch của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ, mục tiêu của kế hoạch nhằm nắm bắt, đánh giá đúng nhu cầu, tiếp tục đổi mới nội dung, xây dựng các mô hình điểm, nhân rộng, đa dạng hóa các mô hình, hình thức PBGDPL hiệu quả cho từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên.
Trong nhiều nội dung của đề án, UBND tỉnh khuyến khích, huy động các tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ sở đào tạo luật, bồi dưỡng chức danh tư pháp tham gia phổ biến, tư vấn, trợ giúp về pháp luật cho thanh, thiếu niên (ưu tiên thanh, thiếu niên đặc thù) thông qua tổ chức các chương trình/hoạt động tình nguyện, miễn phí hướng về cơ sở; tổ chức chương trình tình nguyện PBGDPL, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho thanh, thiếu niên trong nhà trường; một số đối tượng thanh, thiếu niên đặc thù tại cơ sở (thanh, thiếu niên lang thang cơ nhỡ, vi phạm pháp luật; thanh, thiếu niên là nạn nhân bị xâm hại bởi hành vi vi phạm pháp luật).
Còn tại Phú Yên, trong kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp và các ngành liên quan, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, chương trình đối thoại trao đổi, góp ý dự thảo chính sách, pháp luật để huy động, phát huy trí tuệ của thanh, thiếu niên tham gia ngay từ khâu hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến thanh, thiếu niên, đồng thời PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo điểm, nhân rộng các mô hình PBGDPL có hiệu quả cho thanh, thiếu niên. Kế hoạch nêu rõ mục tiêu đến năm 2020, có từ 60% đến 90% thanh niên, thiếu niên đặc thù (nông thôn, miền núi, khuyết tật, bạo lực gia đình, công nhân…) được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ và đời sống, công việc của từng đối tượng, từng địa bàn… Giảm từ 10% - 20% số vi phạm pháp luật có liên quan đến thanh, thiếu niên.
Còn tại Kiên Giang, trong kế hoạch UBND tỉnh ban hành mới đây, việc tuyên truyền cho đối tượng thanh, thiếu niên được giao cho nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan báo chí. Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang còn đề cao việc phổ biến pháp luật cho thanh niên đang lao động ở nước ngoài các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước sở tại các quy định liên quan trực tiếp đến đời sống của họ. Nội dung này được giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ.
Tương tự tại Lai Châu, theo kế hoạch UBND tỉnh ban hành, việc PBGDPL cho thanh niên là nhà giáo, nhà quản lý giáo dục phải gắn với đề án nâng cao chất lượng PBGDPL trong nhà trường. UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Ban Dân tộc việc thực hiện PBGDPL cho thanh, thiếu niên đặc thù. Tại Kon Tum, ngoài việc tuyên truyền bằng các hình thức truyền thống, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho thanh, thiếu niên (chú trọng trong nhà trường hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp), tổng kết, rút kinh nghiệm và hướng dẫn nhân rộng; phát động đông đảo thanh, thiếu niên tích cực tham gia Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật trên Trang thông tin điện tử PBGDPL thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp; thi về sáng kiến, giải pháp, mô hình PBGDPL có hiệu quả.
Việc các địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện đề án tăng cường PBGDPL cho thanh, thiếu niên thể hiện sự quan tâm của chính quyền với công tác này, tuy nhiên việc thực hiện có hiệu quả trên thực tế đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành liên quan. Về đầu trang
http://baophapluat.vn/tu-phap/tang-cuong-pho-bien-phap-luat-cho-thanh-thieu- nien-393335.html