Tình trạng học quá tải dẫn đến cận thị, thiếu ngủ và thể lực kém đang gia tăng trong học sinh Trung Quốc. Chính vì vậy, ngày 23/10, Trung Quốc đã thông qua luật mới về giáo dục nhằm giảm áp lực học tập đối với học sinh, trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy cải tổ hệ thống giáo dục.
Luật trên được thông qua tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, theo đó quy định các chính quyền địa phương tăng cường giám sát nhằm giảm gánh nặng bài tập về nhà và học thêm ngoài giờ đối với học sinh, đồng thời các bậc phụ huynh, người giám hộ phải sắp xếp thời gian cho con học tập, nghỉ ngơi, vui chơi và tập thể dục một cách hợp lý, tránh tình trạng trẻ nghiện Internet. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo Tân Hoa xã, tại Trung Quốc, nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng lớn vào con của họ và mong muốn con thành công trong học tập, theo đó, họ sẵn sàng chi tới 200 Nhân dân tệ (khoảng 31 USD) hoặc hơn thế cho một buổi học thêm 45 phút để con đạt điểm cao trong các bài kiểm tra. Do học quá tải, tình trạng cận thị, thiếu ngủ và thể lực kém đang gia tăng trong học sinh.
Để giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về sự phát triển của trẻ em, Trung Quốc đã thúc đẩy cải cách giáo dục trên cả nước. Tháng 7 vừa qua, nước này đưa ra các hướng dẫn các trường giảm giao bài tập về nhà, cải thiện chất lượng giải dạy trên lớp và tăng hoạt động ngoại khóa cho học sinh. (VTV.vn 24/10)Về đầu trang
Trung Quốc thí điểm đánh thuế bất động sản
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 23/10 đã thông qua quyết định này, cho phép Quốc vụ Viện thực hiện thí điểm cải cách thuế bất động sản tại 1 số khu vực.
Theo Tân Hoa xã, các quan chức Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế của Trung Quốc ngày 23/10 cho biết hai cơ quan nhà nước này sẽ soạn thảo các biện pháp để áp dụng thí điểm thuế bất động sản, phù hợp với quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc sẽ chọn các khu vực đầu tiên và thời điểm thực hiện thuế quan đối với đất đai cũng như các chủ sở hữu bất động sản nhà ở và thương mại.
Theo hãng nghiên cứu Stansberry Churchouse Research, trong gần 4 thập kỷ qua, kể từ khi Trung Quốc chuyển nhà ở sang sở hữu tư nhân, nước này đã trở thành thị trường bất động sản lớn nhất thế giới, với 1.700 tỷ USD doanh số bán nhà mới vào năm 2017, lớn gấp 7 lần Mỹ.
Ý tưởng đánh thuế chủ sở hữu bất động sản không phải bây giờ mới có mà trong nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc đã muốn áp dụng biện pháp này để kiềm chế giá nhà tăng mạnh, phân phối lại của cải và tăng cường ngân sách nhà nước.
Các chuyên gia cho rằng việc đánh thuế bất động sản sẽ là một trong những thay đổi sâu sắc trong các chính sách bất động sản của Trung Quốc, trong bối cảnh giá nhà ở tại nước này đã tăng hơn 2.000% kể từ khi Trung Quốc thực hiện tư nhân hóa thị trường nhà ở từ những năm 1990. (VTV.vn 24/10)Về đầu trang