Côn đồ xe quá tải lộng hành
Một doanh nghiệp với hàng chục xe đầu kéo và rơ moóc ở Quảng Bình nhiều năm nay thường xuyên chởquá tải trên khắp nước, chống đối lực lượng chức năng, thậm chí làm giả hồ sơ giấy tờ... nhưng không bị xử lý tới nơi tới chốn, gây bức xúc dư luận. Đó là Công ty TNHH cơ khí Hải Sơn (Công ty Hải Sơn, xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) do Nguyễn Hải Sơn (36 tuổi, ở cùng địa chỉ trên) làm giám đốc. Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, công ty này có trên 20 xe đầu kéo và 20 rơ moóc hạng nặng, chuyên hoạt động vận tải hàng cỡ lớn đi nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Liên tục vi phạm
Điều đáng nói là xe của Công ty Hải Sơn liên tục vi phạm chở quá tải, quá khổ, nhiều lần dùng giấy tờ giả để lưu thông trên đường... Vụ gần nhất là ngày 23.7, Thanh tra giao thông (TTGT) Bình Thuận xử phạt 2 xe đầu kéo BS 73C-047.01 và 73C-061.32 của công ty này vi phạm chở quá khổ, quá tải. Theo hồ sơ của TTGT Bình Thuận, từ tháng 7 đến tháng 12.2015, công ty này đã 5 lần vi phạm về hành vi chở quá tải bị xử phạt. Lần xử phạt thấp nhất là 15 triệu đồng, cao nhất 41 triệu đồng và có tới 3 lần tài xế không có giấy phép lái xe. Trong năm 2016, liên tục từ đầu tháng 5 đến ngày 23.7, TTGT Bình Thuận tiếp tục bắt giữ và xử phạt 5 lần đối với xe đầu kéo của công ty này cũng với hành vi chở quá khổ, quá tải (có lần quá tải tới 88%). Mức phạt thấp nhất là 10 triệu đồng, cao nhất tới 46 triệu đồng, phạt cả chủ xe và lái xe và tước giấy phép lái xe tới 60 ngày.
Trước đó, Chi cục Quản lý đường bộ II.4 và TTGT Quảng Bình cũng nhiều lần phát hiện xe của Hải Sơn vi phạm đỗ sai quy định trên QL1 đoạn qua xã Lộc Ninh (TP.Đồng Hới), chở quá khổ, quá tải nên lập biên bản. Còn tại Quảng Ninh, ngày 28.9.2015, xe 73C-029.59 kéo rơ moóc 73R-000.77 do lái xe Phan Thúc Định chở quá tải bị phát hiện. Tại Nghệ An, xe 73C-043.06 chở cồng kềnh bị phát hiện ngày 4.11.2015, tài xế không phối hợp với lực lượng TTGT. Ngày 27.10.2015, tại Tam Điệp, Ninh Bình, cũng chiếc xe này kéo rơ moóc 73R- 000.92 bị phát hiện chở máy móc thiết bị công trình quá tải 89/48 tấn.
Không những chở quá tải quá khổ, những “hung thần” của công ty này còn phóng nhanh vượt ẩu trên đường. Theo số liệu của Sở GTVT Quảng Bình, chỉ trong tháng 10.2015 có 6 xe đầu kéo của Công ty Hải Sơn vi phạm tốc độ... Nghiêm trọng hơn xe và người của công ty này khi vi phạm nhiều lần không hợp tác và tìm cách chống đối lực lượng chức năng.
Ngày 16.1.2015, Tổ TTGT thuộc Chi cục Quản lý đường bộ II.4 kiểm tra công tác an toàn giao thông trên QL1 đoạn qua xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới, phát hiện 2 xe đầu kéo BS 73C-029.59 và 73C-021.48 của Công ty Hải Sơn dừng đỗ sai quy định (trái tuyến), có dấu hiệu chở quá tải trọng, quá khổ. Khi tổ TTGT yêu cầu lái xe và ông Nguyễn Hải Sơn đến làm việc, những người này không những không chấp hành mà còn lôi kéo nhiều người của công ty chèn đá, cản trở xe của thanh tra, xô đẩy, xúc phạm lực lượng TTGT. Sau đó Công an xã Lộc Ninh và trưởng thôn đến tham gia giải quyết vụ việc nhưng tình hình càng phức tạp, số đông người của công ty này dọa đánh. Khi TTGT tỉnh tới tăng cường thì 2 xe vi phạm đã tẩu thoát!
Trước đó, ngày 26.12.2014, Thanh tra của Chi cục Quản lý đường bộ II.4 phát hiện xe đầu kéo BS 73C-021.48 kéo rơ moóc 73R-000.45 của Công ty Hải Sơn vi phạm nên cùng với công an địa phương đến làm việc, nhưng người của công ty này không hợp tác.
Tại Đồng Nai, chiều 28.6.2016, lái xe của Công ty Hải Sơn là Phan Thanh Chuyền (37 tuổi, ở H.Tuyên Hóa, Quảng Bình) điều khiển xe đầu kéo BS 73C- 035.31 chạy trên QL51 hướng từ Bà Rịa-Vũng Tàu về TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Khi đến ngã tư Vũng Tàu, thấy CSGT ra hiệu dừng xe xử lý vi phạm giao thông nhưng Chuyền không chấp hành mà lái xe bỏ chạy, sau đó dừng xe và cố thủ bên trong ca bin, thậm chí nhiều lần tiến, lùi xe đe dọa CSGT. Phải đến khi có sự can thiệp của Cảnh sát 113, tài xế và phụ xe mới chấp hành sự kiểm tra.
Ông Mai Văn Bình, Phó chánh thanh tra kiêm Trạm trưởng Trạm cân tải trọng di động Bình Thuận, bức xúc: “Có lần, khi lực lượng TTGT đang kiểm tra giấy tờ xe quá tải của Công ty Hải Sơn, phát hiện giấy phép lưu hành giả thì tài xế lao vào giật giấy giả xé nhằm phi tang. Rất may là cán bộ TTGT giữ lại được!”.
Đề nghị điều tra việc giả mạo hồ sơ
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, TTGT Bình Thuận cũng đã 5 lần phát hiện các tài xế của Công ty Hải Sơn vận chuyển hàng quá tải bằng giấy phép lưu hành giả. Cụ thể, công ty này 3 lần sử dụng giấy phép giả in chữ ký của ông Nguyễn Công Thanh (Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV - Tổng cục Đường bộ VN); 1 lần sử dụng giấy phép lưu hành giả có chữ ký của ông Nguyễn Văn Thành - Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV và 1 lần giả giấy phép lưu hành mang danh Sở GTVT TP.Hải Phòng (giả chữ ký Phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Mai Xuân Phương). Với các giấy phép lưu hành giả này, xe
đầu kéo của công ty này đã lưu hành khắp cả nước nhưng vẫn không bị phát hiện (?), chỉ đến khi trạm cân tải trọng di động và TTGT Bình Thuận kiểm tra mới phát hiện.
Ông Nguyễn Quốc Nam, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận, cho biết ngay sau khi phát hiện các giấy phép giả mà Công ty Hải Sơn sử dụng, Sở GTVT đã chỉ đạo TTGT liên hệ trực tiếp với sở GTVT các địa phương: Quảng Bình, Hải Phòng và lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ IV để thông báo. “Sở GTVT Bình Thuận đã tổng hợp các lần vi phạm và lỗi vi phạm về sử dụng giấy phép lưu hành giả của Công ty Hải Sơn để gửi cơ quan công an các tỉnh Quảng Bình, Hải Phòng đề nghị điều tra, xử lý hành vi giả mạo giấy tờ”, ông Nam nói.
Dư luận đặt câu hỏi vì sao các cơ quan chức năng lại để “tập đoàn hung thần” này liên tục ngang nhiên lộng hành, làm náo loạn, nhức nhối, gây mất an toàn giao thông, hư hại cầu đường ở khắp nơi trong thời gian dài đến như thế? Liệu có sự bảo kê, bao che hay không?... Thậm chí, ngay những người trong ngành chức năng cũng đặt vấn đề: “Không hiểu sao nhiều xe to đùng sai phạm chở quá tải, quá khổ của Công ty Hải Sơn lại lọt qua cơ quan chức năng, chạy từ bắc vào đến tận Bình Thuận mới bị phát hiện?” (một cán bộ CSGT Công an Bình Thuận).
Lập đoàn thanh tra liên ngành
Chiều 27.7, trả lời Thanh Niên, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình, nói: “Về thông tin bao che sai phạm, nếu ai có thì xin cung cấp tôi sẽ xử lý ngay. Trong các cuộc họp, chúng tôi thường đưa vấn đề công ty này ra và yêu cầu kiểm soát chặt chẽ vì vi phạm có hệ thống; kiên quyết xử lý vì vi phạm pháp luật trắng trợn. Chiều nay tôi đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương kiểm tra và báo cáo trước ngày 10.8. Xác minh đúng số lượng xe vi phạm theo quy định sẽ xử lý doanh nghiệp ngay. Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra nhưng vì không đủ chứng cứ nên khó xử lý doanh nghiệp. Từ thông tin phóng viên cung cấp, giờ tôi sẽ đề nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra”.
Còn ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT Quảng Bình, cho biết từ trước tới nay Sở đã thu hồi phù hiệu của 2 xe Công ty Hải Sơn do chở quá tải trọng. “Việc thu hồi là do nhận thông tin từ cơ quan chức năng những nơi phát hiện vi phạm và qua báo chí, từ đó Sở xác minh. Việc vi phạm của công ty này chủ yếu xảy ra ở những tỉnh, thành khác nên Sở không nắm được thông tin, chỉ biết được qua báo chí và khi cơ quan phát hiện gửi thông tin về. Nếu các nơi phát hiện vi phạm không chủ động cung cấp thông tin cho Sở thì Sở không nắm được (?!)”.Về đầu trang
Tội phạm về ma túy - Kỳ 2: Cần một "lá chắn" hữu hiệu
Hệ quả tất yếu của sự gia tăng tệ nạn ma túy và tội phạm về ma túy là sự phát sinh của các loại tội phạm hình sự, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội. Trong khi đó, việc quản lý, tuyên truyền, vận động để giải quyết vấn nạn trên còn hình thức và lỏng lẻo; công tác cai nghiện và quản lý người nghiện, người sau cai nghiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn...
Công tác quản lý còn hạn chế
Là một trong những địa phương xuất hiện tệ nạn ma túy khá sớm (từ năm 2004), tuy nhiên đến nay, xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) đã cơ bản kiềm chế và không phát sinh người nghiện mới.
Theo thống kê, năm 2014, xã này có 14 người nghiện và tính đến tháng 6-2016, giảm xuống còn 12 người (vì có 2 người nghiện đã chết). Để duy trì ổn định được con số 12 người nghiện nói trên, chính quyền địa phương nơi đây đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động.
Cụ thể, có 8/8 thôn ở đây duy trì tốt các Câu lạc bộ tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, Câu lạc bộ làng không có ma túy. Bên cạnh đó, nhiều hình thức tuyên truyền, vận động đa dạng và sinh động như: qua các hội nghị, sân khấu hóa các tiểu phẩm, kịch... cũng đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế được tệ nạn này phát sinh trong cộng đồng.
Tuy nhiên, trong khi làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thì việc quản lý người nghiện và người liên quan đến ma túy ở đây lại bộc lộ những sơ hở.
Theo anh Nguyễn Minh Đức, Trưởng Công an xã Đại Trạch thì, ngoài 12 người nghiện được duy trì từ năm 2014 đến nay, hiện địa phương không thể thống kê được số người liên quan đến ma túy. Ngay cả những người nghiện đã có hồ sơ, chính quyền địa phương không thể nắm bắt, theo dõi, quản lý và kiểm soát được.
Nguyên nhân là do, vốn dĩ những người nghiện này không ở một nơi cố định. Mặt khác, họ vốn chỉ quan hệ bó hẹp giữa những người nghiện với nhau nên chính quyền địa phương cũng khó mà tiếp xúc trực tiếp với họ. Biện pháp cuối cùng là, chính quyền địa phương giao cho gia đình quản lý và vận động đưa đi cai nghiện, nhưng chính gia đình họ cũng "bó tay" bất lực. "Giờ chỉ còn cách là
Một đối tượng phạm tội buôn bán ma túy bị bắt giữ.
vận động hoặc gom bắt buộc tất cả vào các trung tâm cai nghiện để cai nghiện và giáo dục mà thôi", anh Đức cho hay.
Anh Trần Đại Cương, Trưởng Công an TT.Nông Trường Lệ Ninh cũng trăn trở: "Thống kê cũng chỉ để theo dõi, chứ quản lý người nghiện là rất khó. Bởi, lực lượng công an xã rất mỏng, lại phải xử lý nhiều việc, nên không thể thường xuyên nắm bắt và bám sát địa bàn được. Nhiệm vụ nắm bắt, theo dõi người nghiện thường do đội ngũ công an viên ở thôn, xóm đảm trách, nhưng do không có kinh phí nên họ cũng không thể duy trì thường xuyên được".
Cùng với ý thức tự giác của người nghiện còn thấp, gia đình và chính quyền các địa phương gần như là bất lực, thậm chí là buông lỏng việc quản lý người nghiện như hiện nay, thì về lâu dài, khó có thể ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy và tội phạm về ma túy đang diễn biến phức tạp như tình hình hiện nay.
Thiếu sự vào cuộc đồng bộ
Trung tá Đoàn Quý Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm (CSĐTTP) về ma túy (Công an huyện Bố Trạch) thừa nhận, sự gia tăng nhanh chóng số lượng người nghiện và người liên quan đến ma túy trong thời gian qua, một phần là do chính quyền các địa phương chưa vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ.
Công tác phối hợp, tuyên truyền của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương về hình thức là có. Song để có sự "chung tay" trong thực tế thì hầu như là không có, nên hiệu quả không cao. Còn cơ bản, nhiệm vụ theo dõi, giám sát, tuyên truyền, vận động cơ bản vẫn là việc lực lượng công an. Việc lập hồ sơ quản lý ở các địa phương cũng chỉ nhằm mục đích giáo dục, cảm hóa.
Quá lắm, khi phát hiện hành vi vi phạm thì gọi lên răn đe, kiểm điểm rồi cho về. Hiện, việc mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn huyện chỉ ở quy mô nhỏ, lẻ, mà chế tài để xử lý người sử dụng hoặc tàng trữ ma túy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự còn chưa nghiêm, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính chất răn đe, giáo dục loại tội phạm này.
Buông lỏng trong công tác quản lý, hay thiếu sự vào cuộc đồng bộ, tổng lực của chính quyền các địa phương đã vô tình tạo ra những "kẽ hở" cho tệ nạn ma túy và tội phạm về ma túy tăng nhanh trong thời gian vừa qua.
Thực tế, để có ma túy sử dụng, nhiều con nghiện đã bất chấp pháp luật, không từ một hành vi, thủ đoạn phạm tội nào, kể cả trộm cắp, cướp giật, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người khác, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội. Trong khi tình hình tội phạm về ma túy, người nghiện và có liên quan đến ma túy tăng nhanh, cuộc chiến đấu với loại tội phạm này càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Đó cũng chính là nguyên nhân và là nguồn gốc phát sinh của các loại tội phạm hình sự khác.
Có gần 20 năm kinh nghiệm công tác trong hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy, Thượng tá Ngô Xuân Hợp, Phó Trưởng phòng CSĐTTP về ma túy (Công an tỉnh) cho hay, nguyên tắc là có "cầu" ắt sẽ có "cung". Để giảm các hành vi buôn bán ma túy, thì cần phải giảm đối tượng nghiện.
Thế nhưng thực tế, công tác cai nghiện ma túy chưa thực sự mang lại hiệu quả; việc quản lý người nghiện còn lỏng lẻo. Nhiều đơn vị, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy. Gần đây, các đối tượng tội phạm về ma túy lại được trang bị vũ khí nên khi bị bắt quả tang chúng chống đối rất hung hãn, quyết liệt. Cùng với đó là chế tài luật pháp còn chưa đồng nhất như: công tác giám định mất rất nhiều thời gian, tiêu chuẩn hàm lượng hê-rô-in tinh khiết trong ma túy, đã gây ra không ít khó khăn, cản trở trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này.
Cuộc chiến chống lại tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy luôn là một cuộc chiến dài lâu và không của riêng ai. Để hạn chế tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn xã hội. Bên cạnh việc hướng công tác, tuyên truyền đi vào thực chất, cần phải siết chặt công tác theo dõi, giám sát và quản lý những người nghiện, người liên quan đến ma túy.
Lấp đầy được những "kẽ hở" nói trên, mỗi người, mỗi cộng đồng trong chúng ta sẽ có thêm một "vé bảo hiểm", tạo nên "lá chắn" vững chắc trước sự xâm nhập của tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy đang hoành hành ngày càng phức tạp như hiện nay. Về đầu trang
http://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/201607/toi-pham-ve-ma-tuy-ky-2-can- mot-la-chan-huu-hieu-2137141/