Đảng cầm quyền và sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Một phần của tài liệu bai_1_2_3 (Trang 25 - 27)

Từ khi ra đời năm 1930 cho đến nay, Đảng ta, trên thực tế, đã trở thành lực lượng độc tôn lãnh đạo cách mạng nước ta. Mọi thắng lợi của cách mạng nước ta hơn 74 năm qua đều gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhân dân ta suy tôn Đảng là người lãnh đạo của mình. Đảng ta! Đảng của chúng ta! Bởi nhân dân thấy rõ chỉ có Đảng mới có khả năng lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân và mục đích, lý tưởng phấn đấu của Đảng cũng là mục đích, nguyện vọng của nhân dân.

Tuy nhiên, phải từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trở đi, Đảng ta mới trở thành Đảng cầm quyền tức Đảng nắm quyền, chấp chính. Và chỉ có sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi chống đế quốc Mỹ xâm lược, đất nước thống nhất, Đảng mới trở thành Đảng cầm quyền trên quy mô cả nước, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đảng ta là một đảng cầm quyền".

"Đảng cầm quyền" đánh dấu sự chuyển biến giai đoạn cách mạng ở nước ta và cũng đặt ra hàng loạt vấn đề mới, yêu cầu mới đối với Đảng xét về quy mô, tầm vóc, chiều sâu, tính phức tạp của vấn đề. "Đảng cầm quyền" đánh dấu sự thay đổi về chất trong vị trí, vai trò của Đảng, nhất là trong phương thức lãnh đạo của Đảng và trọng trách của Đảng trước vận mệnh của dân tộc, của nhân dân, trước toàn xã hội. "Đảng cầm quyền" tức là chính quyền thuộc về nhân dân và chính quyền chịu sự lãnh đạo của Đảng - Nhân dân lao động do Đảng làm đại biểu đã có một công cụ quyền lực mạnh mẽ là Nhà nước để trấn áp kẻ thù và tổ chức xây dựng xã hội mới. Thông qua sự cầm quyền, Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với toàn xã hội và trên quy mô toàn xã hội, chịu trách nhiệm trước toàn xã hội. Điều đó có nghĩa là mọi thành công hay thất bại, ưu điểm hay khuyết điểm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều gắn với trách nhiệm của Đảng.

"Đảng cầm quyền" cũng có nghĩa nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng phải thay đổi căn bản so với khi chưa giành được chính quyền. Đảng phải thực sự coi trọng và

tôn trọng chính quyền nhà nước. Đảng không được bao biện, làm thay chính quyền. Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Mọi đảng viên và tổ chức đảng phải tuân thủ pháp luật - pháp luật là thể hiện ý chí của Đảng, song, sau khi ra đời, pháp luật ràng buộc trở lại hoạt động của đảng viên và tổ chức đảng, không cho phép chấp hành một cách tùy tiện.

Khi trở thành Đảng cầm quyền, vấn đề dân chủ và công khai nổi lên và có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của Đảng, đòi hỏi Đảng phải không ngừng mở rộng và phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng và trong toàn xã hội, tăng cường tính công khai, minh bạch trong sự lãnh đạo của mình.

Để lãnh đạo được xã hội và Nhà nước, Đảng phải có đủ năng lực, trí tuệ và phẩm chất, bản lĩnh để hoạch định đường lối đúng cho toàn xã hội, có khả năng thể chế hóa đường lối và tổ chức thực hiện đường lối đó. Khi cầm quyền, Đảng phải thường xuyên và tích cực chống nguy cơ quan liêu, xa rời quần chúng, thoái hóa biến chất, rơi vào đặc quyền đặc lợi, cắt đứt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân - nguồn sức mạnh của Đảng.

Khái niệm "Đảng cầm quyền" không loại trừ khái niệm "Đảng lãnh đạo chính quyền" mà trái lại, còn bao hàm nó. Không lãnh đạo chính quyền thì Đảng không cầm quyền được. Nhờ có cầm quyền, nên ý nguyện, đường lối, chủ trương của Đảng mới được thể chế hóa thành pháp luật và qua đó, chúng mang tính pháp lý đối với mọi công dân trong xã hội. Mặt khác, như Điều 4 Hiến pháp (sửa đổi năm 1992) của nước ta khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Như vậy, bản thân sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội cũng mang tính pháp lý, trở thành nguyên tắc Hiến định. Và do đó, nếu ai phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng cũng có nghĩa là đã vi phạm Hiến pháp và pháp luật.

Là một tổ chức chính trị nằm trong hệ thống chính trị, hơn nữa lại là "hạt nhân" lãnh đạo của hệ thống chính trị, nên Đảng cũng có quyền lực chính trị, nhưng Đảng không có quyền lực Nhà nước. Đảng không phải là cơ quan quyền lực nhà nước. Do đó, nhất thiết không được lẫn lộn giữa Đảng và Nhà nước, giữa quyền lực của Đảng và quyền lực Nhà nước. Sự khác nhau giữa quyền lực của Đảng và quyền lực Nhà nước trước hết và chủ yếu bắt nguồn từ sự khác nhau về bản chất và chức năng của Đảng và Nhà nước. Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội, Nhà nước là bộ máy thống trị, quản lý xã hội. Do đó, quyền lực của Đảng chủ yếu dựa trên quyền uy do uy tín mang lại, còn quyền lực của Nhà nước chủ yếu dựa trên pháp luật, bộ máy cưỡng chế chuyên biệt, bộ máy hành chính công quyền.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, làm sao cho Đảng không rơi vào tình trạng lạm quyền, lấn át Nhà nước, bao biện làm thay các công việc Nhà nước, trái lại phát huy được vai trò quản lý, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước. Mặt khác, làm sao không hạ thấp, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đây là những vấn đề còn khó khăn và phức tạp mà kinh nghiệm của chủ nghĩa xã hội trên thế giới vừa qua chưa đủ để giải quyết, cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về lý luận và thực tiễn về đổi mới hệ thống chính trị, về xây dựng Đảng và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa;

Một phần của tài liệu bai_1_2_3 (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(32 trang)
w