Mạnh Hùng Thái Nguyên

Một phần của tài liệu BienBan8-6c (Trang 35 - 36)

Kính thưa Quốc hội,

Vấn đề thứ nhất, tôi xin phép được nhìn từ góc độ là thành viên của Ủy ban Các vấn đề xã hội đó là vấn đề lực lượng lao động và hiệu quả xã hội của đề án. Hai nội dung này liên quan đến 2 câu hỏi:

Câu hỏi thứ nhất là đề án này ai làm.

Câu hỏi thứ hai là đề án này làm cho ai và làm vì ai.

Tôi đọc 4 mục tiêu trong đề án có một ý nói về đảm bảo an sinh xã hội. Những mục tiêu vì con người mà hướng tới phục vụ người dân thì không rõ. Tôi đề nghị bổ sung những nội dung làm rõ mục tiêu này trong đề án để người dân của chúng ta hiểu rằng Quốc hội, Chính phủ đang bàn một đề án mà mục tiêu của nó chính là để cho người dân được hưởng lợi, chứ không nhiều người sẽ hiểu rằng thành quả của đề án này có khi lại là một nhóm người trong xã hội được hưởng. Nếu làm rõ vấn đề này thì cũng làm rõ động lực để huy động các lực lượng tham gia vào thực hiện đề án.

Trước hết, về vấn đề mục tiêu, tôi đề nghị phải bổ sung các mục tiêu để xác định người dân của chúng ta sẽ được hưởng lợi từ việc thực hiện đề án hay cũng phải ghi vào trong mục tiêu một câu là "Phải nâng cao, cải thiện được thu nhập của người lao động và đời sống của người dân" như vậy sẽ tốt hơn.

Câu hỏi thứ hai là ai làm tức là vấn đề lao động, ở đây chắc chắn có nhiều lời giải. Tôi xin đề xuất 3 ý:

Thứ nhất là vấn đề đào tạo, chúng ta nói muốn có cơ cấu công nghiệp công nghệ cao, xây dựng nền nông nghiệp có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, cạnh tranh ở mức toàn cầu. Chúng ta muốn có hệ thống dịch vụ mà tất cả mọi khách hàng từ người giàu đến người nghèo đều hài lòng về dịch vụ đó mà chúng ta không có đào tạo nhân lực để đáp ứng nông nghiệp công nghệ cao hay nền nông nghiệp hiện đại hay dịch vụ chất lượng tốt như vậy thì chắc chắn đề án này bất khả thi. Tôi đề nghị trong vấn đề lao động đề cập đến yếu tố đầu tiên là đào tạo.

Thứ hai, cơ chế thu hút, theo tôi phải phân ra hai tầng, tầng thứ nhất, phổ thông đại trà. Ở đây muốn nói đến chính sách về tiền lương thu nhập cho người lao động, có đại biểu đã đề cập rồi, tôi không nói thêm. Tầng thứ hai, tức là trong đề án phải làm rõ cơ chế để thu hút chuyên gia lao động có chất lượng cao để tham gia thực hiện đề án tái cơ cấu này.

Thứ ba, vấn đề phân bổ lại lực lượng lao động, nếu thực hiện đề án chắc chắn sẽ có một bộ phận rất lớn lực lượng lao động từ nông thôn, nông nghiệp sẽ chuyển dịch sang các ngành công nghiệp xây dựng dịch vụ và cũng có một dòng lao động từ nông thôn cung cấp cho các khu công nghiệp, đô thị mới. Nếu chúng ta không

có nội dung chủ động để bố trí phân bổ lại lực lượng thì chúng ta sẽ có hậu quả chúng ta không mong muốn, thậm chí những tiêu cực. Cho nên tôi xin đề nghị trong đề án cũng phải có những nội dung chủ động nói về phân bổ lại lực lượng nguồn lao động.

Vấn đề thứ hai, về cơ cấu và cơ chế, tôi nghĩ đây là hai từ phải đi liền với nhau, ta nói tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu này, cơ cấu nọ nhưng mà phải có một cơ chế hiệu quả, hợp lý để thực hiện. Cũng có nhiều vấn đề trong cơ chế nhưng tôi chỉ xin đề cập hai ý:

Thứ nhất, cơ cấu đầu tư, theo tôi nên giảm mạnh đầu tư theo kiểu cấp vốn mà tăng đầu tư theo kênh tín dụng. Như vậy, người đối tượng được nhận đầu tư sẽ có trách nhiệm hơn với đồng tiền mà mình được nhận. Chứ vừa rồi chúng ta thấy rằng nhiều các doanh nghiệp Nhà nước cũng không thật trách nhiệm với đồng tiền được Chính phủ, Quốc hội, nhân dân giao cho.

Thứ hai, tôi tán thành với nhiều đại biểu nói rằng phải làm mạnh việc tách chức năng, nhiệm vụ, quản lý Nhà nước với chức năng, nhiệm vụ của chủ sở hữu đại diện cho chủ sở hữu của Nhà nước, ở các doanh nghiệp Nhà nước. Bởi vì hai chức năng này rõ ràng hoàn toàn khác nhau, chức năng quản lý Nhà nước thuộc công quyền mà chức năng về chủ sở hữu thuộc về kinh doanh. Cho nên tôi tán thành với ý kiến của một số đại biểu nói rằng phải có một cơ quan chuyên trách để thực hiện quản lý và giám sát quyền chủ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước. Tôi nghĩ phương án Ủy ban chuyên trách ngang cấp bộ cũng chỉ là một phương án, tôi đề xuất là nên nghĩ đến phương án nữa là hình thành một hội đồng quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, hội đồng này có thể do Thủ tướng trực tiếp làm Chủ tịch hoặc có thể giao cho Phó Thủ tướng, thành viên mở rộng ra, không riêng gì Chính phủ, có thể mời đại diện của các thành viên trong hệ thống chính trị tham gia. Như vậy, quản lý vốn nhà nước của ta sẽ đảm bảo đại diện quyền chủ sở hữu của người dân trong các doanh nghiệp lớn như vậy. Tôi xin hết.

Một phần của tài liệu BienBan8-6c (Trang 35 - 36)