Kính thưa Quốc hội,
Tôi nhất trí hoàn toàn với Báo cáo đánh giá giám sát cũng như ý kiến của quý vị đại biểu. Tôi xin tham gia hai vấn đề:
Vấn đề thứ nhất, cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai có liên quan đến khiếu kiện hành chính. Như chúng ta biết mọi quyết định hành chính bị
khiếu nại đều do cơ quan nhà nước gây ra hoặc vô ý thiếu cẩn thận, hoặc cố ý làm trái vì nhiều động cơ khác nhau. Khi xảy ra khiếu nại không giải quyết kịp thời, không giải quyết đúng pháp luật dẫn đến khiếu nại nhiều nơi, vượt cấp, khiếu nại kéo dài và khiếu nại gay gắt. Mặc dù như vậy, người ra quyết định trái pháp luật, người không giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không được xử lý nghiêm. Do đó tôi đề nghị phải có biện pháp giải quyết triệt để từ gốc của vấn đề là cán bộ công chức, phải quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, phải cử cán bộ có đủ trình độ năng lực và đạo đức phẩm chất để giải quyết đến vấn đề liên quan đến đất đai là quyền tài sản của công dân, làm cho công dân yên tâm và không để xảy ra khiếu nại.
Vấn đề thứ hai, về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư và giải quyết việc làm của người bị thu hồi đất. Trên thực tế nhiều vụ việc chính quyền địa phương thực hiện rất đúng pháp luật, đúng quy định của nhà nước nhưng người dân vẫn khiếu nại và khiếu nại rất gay gắt. Vấn đề này cũng có thể được xét vào loại khiếu nại không đúng. Nhưng trên thực tế vẫn bị khiếu nại. Trong báo cáo cũng nêu rõ vấn đề này. Trong đó tôi thấy có 2 vấn đề mà chúng ta phải quan tâm. Đó là vấn đề: Một là vấn đề giá đất. Hiện nay chúng ta đang hình thành hai loại giá. Một loại giá do Nhà nước áp giá đền bù đối với các công trình công cộng vì lợi ích quốc gia; Một loại giá là do thỏa thuận và bán đấu giá theo cơ chế thị trường.
Về vấn đề này, chúng tôi thấy:
Chúng ta cần phải suy nghĩ tại sao khi Nhà nước cần sử dụng đất vào công trình phúc lợi công cộng của quốc gia, của cộng đồng thì lại áp giá đền bù với giá đất thấp. Lẽ ra trong trường hợp này thì Nhà nước phải đền bù với giá cao nhất trong khu vực đó vì lợi ích của công cộng thì mỗi người có thể chịu thiệt một ít nhưng không để một người hoặc một số người chịu thiệt như vậy.
Nếu như chúng ta thay đổi được quan điểm này khi nói đến Nhà nước thu hồi, áp giá thì phải lấy một giá cao nhất ở trong khu vực đó để đền bù. Tôi nghĩ rằng không có chuyện hai giá xảy ra và sẽ không làm mất lòng tin và nhân dân sẽ cho rằng Nhà nước áp đặt đối với người ta.
Thứ hai, đối với vấn đề phân loại đất trong việc định giá. Trong một vùng quy hoạch, chúng ta có thể quy hoạch khu dân cư nông thôn, có thể quy hoạch khu đất ở ở thị trấn, thị xã, phường, thành phố, tỉnh, v.v., Nhưng trong thực tế trong một khu vườn thì có đất nhà ở, có đất nông nghiệp, đất hồ ao thì chúng ta lại gọi là đất ở, đất liền kề. Khi bồi thường thì chúng ta bồi thường đất ở một giá, đất liền kề một giá. Mặc dầu như vậy, trên quy hoạch của chúng ta vấn đề là đất ở.
Tôi nghĩ rằng chỉ đơn giản đi việc cũng thống nhất một loại giá đền bù đó là giá đền bù bằng giá bán đấu giá trừ đi giá tương ứng tiền chuyển mục đích sử dụng đối với đất liền kề và bên cạnh đất liền kề đó chúng ta còn có đất ranh giới, ranh giới giữa phường, quận và khu dân cư. Chúng ta đặt ra những vấn đề hết sức phức tạp. Đối với loại đất mà quy hoạch hiện tại, đất hiện tại là đất nông nghiệp khi quy hoạch vào khu công nghiệp thì chúng ta lại đến bù theo giá nông nghiệp thì người dân người ta không đồng tình. Theo tôi chỉ quy định giá đền bù là gì? là
giá bán đấu giá của đất quy hoạch khu đô thị trừ đi giá tương ứng với tiền giữa mục đích sử dụng đất bằng giá đền bù và tất cả như vậy chúng ta đưa nó về một loại giá thì chắc chắn sẽ không có cơ hội để mà lợi dụng vấn đề áp đặt giá cả. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác mà các đại biểu có nêu đó là vấn đề pháp luật, tôi nghĩ rằng về mặt pháp luật thì cũng không thể nào bao quát hết, chỉ có con người trên thực tế thì mới giải quyết được hết. Do đó những vấn đề tôi đặt ra mong Quốc hội quan tâm, tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.