Ngày 1 tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới nổ ra tại Châu Âu, một tuần sau, ngày 8 – 9 – 1939, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Văn Cừ triệu tập Hội nghị Xứ ủy Bắc Kì tại làng Vạn Phúc, Hà Đông.
Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước đã thay đổi, Hội nghị đề cập tới việc tận dụng thời cơ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Tiếp đó, từ ngày mồng 6 đến ngày 8-11-1939, tại Bà Điểm, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (cách Sài Gòn khoảng 20km), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng) được triệu tập. Tham gia hội nghị có Tổng
Bí thư Đảng Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn.
Dựa vào các phân tích những vấn đề cơ bản của cuộc chiến tranh đế quốc, chính sách của Liên Xô đối với chiến tranh, vị trí Đông Dương trong cuộc chiến tranh, chính sách của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, vị trí, thái độ của các giai cấp xã hội, các đảng phái chính trị, vấn đề dân tộc và phong trào dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng Đông Dương…, Hội nghị đề ra đường lối đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng của Đông Dương.
Về vấn đề dân tộc, Hội nghị nêu rõ: “Vấn đề dân tộc ở Đông Dương phải xét theo hai mặt: Một mặt là các dân tộc Đông Dương đoàn kết thống nhất đánh đổ đế quốc Pháp đòi Đông Dương hoàn toàn độc lập và các dân tộc được quyền tự quyết, một mặt nữa là các phong trào dân tộc giải phóng ở Đông Dương phải liên lạc khăng khít với cách mệnh thế giới (là một bộ phận của cách mệnh vô sản thế giới) để đánh đổ kẻ thù chung là tư bản đế quốc và xây dựng một thế giới không có dân tộc bị áp bức, không có ranh giới quốc gia và chia rẽ dân tộc, nghĩa là thế giới cộng sản [6;532].