Lãi hơn 800 triệu đồng từ 3.000 gốc chanh đào
Mạnh dạn phá bỏ gần 2 ha nhãn lâu năm để chuyển đổi sang trồng chanh đào, sau 2 năm, anh Vũ Văn Thiết thu được lợi nhuận hơn 800 triệu đồng.
Trước khi gắn bó với cây chanh đào, anh Vũ Văn Thiết ở thôn Đông Hải, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, Quảng Ninh vốn là một tài xế xe khách đường dài. Sau khi bỏ nghề xe, anh và gia đình tiến hành khai hoang vùng đất đồi để trồng thử nghiệm nhiều loại cây như keo, nhãn... Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên các cây trồng này không mang lại hiệu quả cao.
Trước tình hình đó, anh Thiết nghĩ tới việc đến các trang trại ở một số vùng khác, tìm hiểu thêm về các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có thể áp dụng tại quê nhà. Trong lần tới thăm một người bạn ở Hưng Yên, không may bị đau họng, anh được chủ nhà đưa chút hỗn hợp chanh đào ngâm mật ong để ngậm. Sau khi dùng và nhận thấy sự hiệu quả của món này, anh bắt đầu nhen nhóm ý nghĩa về việc phát triển cây chanh đào.
Nhận được ý kiến tư vấn từ bạn, anh Thiết quyết định bắt tay thực hiện mô hình trồng cây chanh đào tại khu đất của gia đình. Ban đầu, anh chặt bỏ 198 gốc nhãn trên khu đất đồi khai
Những cây chanh đào sai trĩu quả trong vườn nhà anh Thiết. Ảnh: Vũ Văn Thiết.
Chanh đào sau thu hoạch được đóng thùng để chuyển đi. Ảnh: Vũ Văn Thiết.
hoang rộng 2 ha. Việc làm này bị nhiều người ngăn cản bởi dù không cho năng suất như mong đợi nhưng đồi nhãn cũng góp phần vào thu hoạch chung của gia đình. Ngay cả vợ anh cũng không đồng thuận với quyết định táo bạo của chồng. Tuy nhiên, anh Thiết vẫn giữ vững quan điểm và tiếp tục thực hiện ý định của mình.
Sau khi dốc toàn bộ số tiền tích cóp trong nhiều năm, cộng với khoản tiền vay từ ngân hàng và người quen, năm 2014, anh Thiết đầu tư trồng 3.000 cây chanh đào. Toàn bộ chanh giống được mua tại Công ty đầu tư phát triển kỹ thuật giống cây trồng Việt Nam (trụ sở tại Hưng Yên). Tại đây, anh cũng được cán bộ công ty hướng dẫn tận tình, chi tiết về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Bên cạnh đó, do chủ động tìm hiểu qua Internet nên anh Thiết cũng tích lũy được kiến thức để chăm sóc vườn cây mới.
Đến tháng 9/2015, chanh đào tại vườn bắt đầu cho quả. Trung bình mỗi cây cho khoảng 10 kg quả, có cây cho tới 20 kg. Vì là vụ đầu tiên nên anh Thiết tiến hành tỉa quả và chỉ để lại khoảng 3kg trên mỗi gốc chanh. Cuối vụ, anh thu được 4,6 tấn quả. Trong đó, anh dành hơn 6 tạ làm để làm 1.000 lọ siro chanh đào, bán với giá 60.000-70.000 đồng một lọ. 4 tấn quả tươi còn lại được Công ty đầu tư phát triển kỹ thuật giống cây trồng Việt Nam bao tiêu với giá 28.000 đồng một kg. Cả vụ, anh thu gần 200 triệu đồng.
Sau lần liều lĩnh chặt nhãn trồng chanh, anh Thiết lại quyết định thử phương pháp phun thuốc rụng hoa, quả non để cây chanh cho thu hoạch trái vụ. Theo tính toán, nếu thành công, mùa vụ 2016, vườn chanh sẽ mang về khoảng 20 tấn quả.
Mùa vụ năm 2016, cộng cả chính vụ vào tháng 9 và trái vụ vào tháng 4 Âm lịch, vườn chanh cho sản lượng 19,8 tấn. Lần này, anh Thiết lại dành ra 7 tấn để làm hơn 10.000 lọ siro; số còn lại tiếp tục được công ty giống cây trồng bao tiêu với giá cam kết. Sau khi trừ mọi chi phí, anh thu lãi hơn 800 triệu đồng.
Sau 2 năm trồng thử nghiệm, anh Thiết đã nhận lại nguồn thu lớn từ cây chanh đào. Đây là trái ngọt dành cho những nỗ lực của người nông dân dám "liều" để thay đổi phương thức làm kinh tế trên vùng đất đồi Hải Hà.
Theohttp://vnexpress.net
Mô hình trang trại trồng mai vàng Ngoạ Vân, cây ăn quả và chăn nuôi lợn thịt của anh Phạm Văn Hoàn - xã Bình Khê
Sau hơn 8 năm lập nghiệp, từ hai bàn tay trắng bằng sự cần cù và táo bạo, chàng thanh niên trẻ 8X – Phạm Văn Hoàn (32 tuổi), thôn Ninh Bình, xã Bình Khê, TX Đông Triều đã tạo cho mình một trang trại tổng hợp lớn, mỗi năm cho thu nhập hơn 700 triệu đồng.
Vốn là con nhà nông, sau nhiều năm bươn chải làm thuê kiếm sống với đủ thứ nghề, đầu năm 2008, Phạm Văn Hoàn quyết định về quê hương
Trang trại tổng hợp của anh Phạm Văn Hoàn, thôn Ninh Bình, xã Bình Khê, TX Đông Triều
Đông Triều lập nghiệp. Sau nhiều năm ấp ủ đam mê, tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, anh bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp bằng việc trồng thử nghiệm 300 gốc na bở trên diện tích vườn tạp của gia đình. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm nên anh gặp rất nhiều khó khăn với mô hình này. Tuy nhiên, với sự cần cù, ham học hỏi, sau gần 3 năm chăm sóc, vườn na bắt đầu cho thu hoạch. Vụ na đầu tiên anh bán được gần 100 triệu đồng.
Anh Hoàn chia sẻ: “Những năm đầu khởi nghiệp tôi tham việc lắm. Cứ nghĩ mọi thứ có thể làm được là tôi tự tay mày mò, tìm hiểu bắt tay triển khai ngay. Vốn liếng ít nên cách làm của tôi là phải làm chắc, thí điểm thành công rồi mới cho nhân rộng các mô hình. Thật sự, thành công từ vụ na đầu tiên là “trái ngọt” khích lệ tinh thần tôi tiếp tục phấn đấu, thêm niềm tin vào hướng đi của mình. Nhờ thành công này, tôi có những quyết định táo bạo mở hướng làm ăn lớn cho các mô hình về sau”.
Nhận thấy trồng cây na tốn ít công chăm bón, năm 2010, anh Hoàn đã tự mày mò tiếp tục chuyển hướng phát triển thêm mô hình trồng cây cảnh (cây mai vàng) nhằm thoả mãn niềm đam mê, sở thích của mình và một phần tăng thêm thu nhập. Không dừng lại ở đó, lấy ngắn nuôi dài, tích cóp vốn thu nhập từ cây na, cây cảnh, anh tiếp tục vay mượn thêm người thân đầu tư nhân rộng mô hình na bở, cây mai vàng và chăn nuôi thêm đàn lợn. Đến nay, anh đã mở rộng diện tích vườn na của mình lên 0,5ha. Đặc biệt, từ vài trăm gốc mai ban đầu, hiện anh đã nhân rộng hơn 1 vạn cây lớn, nhỏ trị giá gần 3 tỷ đồng.
Trong 8 năm khởi nghiệp, anh Hoàn không tránh khỏi những lần “vấp ngã”. Trong đó, đáng nhớ nhất vào năm 2013, do giá lợn hơi tụt dốc nên anh bị thua lỗ hơn 100 triệu đồng. “Duy nhất một lần “vấp ngã” nhưng nó đã để lại cho tôi rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Bài học về sự tính toán kỹ lưỡng, nhạy bén nắm bắt thị trường… Đây chính là chìa khoá giúp tôi thành công” – anh Hoàn nói.
Theo anh Hoàn, trong số 3 mô hình trên thì trồng cây mai vàng mang lại thu nhập cao và ổn định nhất. Hiện tại, trang trại tổng hợp của anh mỗi năm cho thu nhập hơn 700 triệu đồng, riêng tiền bán mai thu được hơn 500 triệu đồng, còn lại thu nhập từ cây na và chăn nuôi lợn. Đặc biệt, trang trại của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động địa phương. Với những thành tích nổi bật đó, năm 2016, anh Phạm Văn Hoàn vinh dự được Tỉnh Đoàn chọn là một trong những gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh.