Vẫn còn thiếu “lửa”
Thời gian gần đây, cụm từ “khởi nghiệp” đã trở nên phổ biến với thanh niên tại các địa phương. Tuy nhiên, đối với vùng miền núi, biên giới, câu chuyện khởi nghiệp vẫn còn là vấn đề mới và gặp không ít khó khăn. Để giấc mơ lập thân, lập nghiệp của người trẻ trở thành hiện thực, rất cần sự quan tâm, tháo gỡ từ nhiều phía, nhằm “thắp lửa” khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao.
Sa nhân tím đang là cây giảm nghèo chủ lực của người dân xã Thào Chư Phìn (Si Ma Cai). Anh Giàng Seo Quang ở thôn Sín Pao Chải là một trong những người đầu tiên mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn và thành công từ cây trồng này. Năm 2012, sau khi được xã cho đi tham quan, học tập mô hình trồng cây sa nhân tại huyện Bát Xát, anh Quang bắt đầu trồng những gốc sa nhân tím thử nghiệm đầu tiên. Nhờ phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, cây phát triển tốt và nhanh cho quả. Năm 2017, 4.000 m2 sa nhân của gia đình anh cho thu nhập trên 180 triệu đồng.
Cây sa nhân được đánh giá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng cao và rất dễ trồng, ít công chăm sóc. Với địa phương còn khó khăn như Thào Chư Phìn, cây trồng này có nhiều tiềm năng để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo do giá trị kinh tế mang lại khá cao và ổn định. Mô hình trồng sa nhân tím của anh Giàng Seo Quang có nhiều triển vọng và hiện cho hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, Đoàn xã tổ chức cho đoàn viên đến tham quan, học tập để nhân rộng mô hình với mong muốn có thêm những mô hình khởi nghiệp hiệu quả tương tự.