- Nghị định mới đã lược bỏ đối tượng bị xử phạt là người dịch tài liệu là cộng tác viên và các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt liên quan đến đối tượng này (Điều 9 Nghị định số 76/2006/NĐ-CP) trên cơ sở các quy định pháp luật về trách nhiệm cuối cùng của công chứng viên tại Luật Công chứng và Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng. Bên cạnh đó, các quy định như cố ý dịch sai lệch nội dung bản dịch so với tài liệu nhận dịch… không thể thực hiện được việc xử phạt trong thực tế, vì quy định về người dịch tại Điều 18 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP rất chung chung và việc xác định việc dịch sai của người dịch là do vô tình hay cố ý là rất khó xác định để tiến hành xử phạt, dễ dẫn đến việc khiếu kiện của người bị xử phạt. Cũng từ các lý do trên, pháp luật hiện hành về công chứng không quy định đối tượng người dịch là cộng tác viên và các hoạt động liên quan đến họ.
- Quy định pháp luật về công chứng không còn đề cập tới hoạt động môi giới nên không thể mô tả hành vi vi phạm này, đặc biệt trong điều kiện hành vi về môi giới trong công chứng không còn phù hợp với các quy định mới về xã hội hóa hoạt động công chứng mà trong đó việc cung cấp các dịch vụ công chứng được thực hiện đa dạng và linh hoạt hơn giúp cho người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận các dịch vụ này.