trong các ngành cũng như vai trò của các yếu tố đó trong sự biến đổi của ngành.
2. Xác định ngành/thịtrường trường
Trước hết cần phải định nghĩa thế nào là ngành/thị trường. Theo lý thuyết kinh tế học vi mô, một ngành được coi là tập hợp các doanh nghiệp cùng sản xuất và kinh doanh một sản phẩm tương đồng, sử dụng cùng công nghệ và cạnh tranh về các yếu tố sản xuất trên cùng thị trường. Các cơ quan điều tiết cạnh tranh thường sử dụng khái niệm thị trường liên quan, bao gồm thị trường sản phẩm và thị trường địa lý để xác định xem các doanh nghiệp có cạnh tranh với nhau hay không. Đây là cách tiếp cận từ phía người mua, theo đó, có sự thay thế gần nhau từ phía cầu trên thị trường. Chẳng hạn, thị trường bia có thể gồm nhiều thị trường khác nhau như bia cao cấp, bia trung cấp hoặc bia bình dân,… hoặc thị trường mang tính địa phương, vùng hay toàn quốc. Rất khó để có thể có một định nghĩa chính xác tuyệt đối về một thị trường.
Một ngành thường được nhìn nhận như một nhóm các sản phẩm có sự thay thế gần nhau từ góc độ của nhà cung cấp. Ví dụ, tất cả các thiết bị viễn thông có thể được nhóm thành một ngành vì chúng sử dụng cùng nguyên liệu thô, công nghệ, kỹ năng lao động,…Trong hầu hết các trường hợp, ngành là nhóm rộng hơn một thị trường, mặc dù đôi khi chúng có thể được hiểu theo nghĩa tương đương nhau.
Từ góc độ lý thuyết, một ngành có thể được định nghĩa theo một trong các cách sau đây:
a) Loại sản phẩm:Sử dụng độ co giãn chéo về cầu (Cross Elasticity of Demand) để tính sự thay đổi về số lượng cầu của một hàng hóa khi giá của hàng hóa khác thay đổi. Công thức tính là:
%ΔQA
CED = --- %ΔPB
Nếu độ co giãn chéo về cầu mang dấu dương và lớn hàm ý rằng hai hàng hóa đang xét có thể thay thế gần nhau và có thể được nhóm vào
một ngành. Ngược lại, giá trị đó mang dấu âm và có giá trị tuyệt đối lớn hàm ý rằng hai hàng hóa là bổ sung gần nhau, và cũng có thể coi là cùng nằm trong một ngành.
b) Loại quy trình sản xuất: Quy trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ có thể sử dụng để phân loại doanh nghiệp vào một ngành nhất định. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc một ngành được xác định quá rộng.
c) Loại nguyên vật liệu đầu vào:
Loại nguyên vật liệu sử dụng cũng có thể là thước đo để nhóm các doanh nghiệp vào một ngành. Tuy nhiên, phương thức này cũng có những điểm không hợp lý.
Trên thực tế, các cách tiếp cận trên đều đã đơn giản hóa vấn đề quá mức. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trên nhiều ngành, đa dạng hóa với nhiều sản phẩm, kinh doanh trên nhiều thị trường khác nhau. Có một số phương pháp được đề xuất để xử lý vấn đề này. Chẳng hạn, John Kay(2)
(1990) đề xuất khái niệm thị trường chiến lược, được định nghĩa là khu vực địa lý hoặc sản phẩm nhỏ nhất mà một doanh nghiệp có thể cạnh tranh thành công trong đó. Với giả định rằng thị trường tập trung vào các điều kiện từ phía cầu còn ngành tập trung vào các điều kiện từ phía cung thì thị trường chiến lược là tổng hợp của cả hai yếu tố đó. Elzinga và Hogarty(3) (1973, 1978) hướng đến kiểm nghiệm giá trị biên để xác định thị trường địa lý có phù hợp hay không. Kiểm nghiệm được tiến hành bằng cách đánh giá xem khi nào thì người tiêu dùng trong một vùng nhất
định mua sản phẩm từ nhà sản xuất trong vùng (giao dịch nội vùng) hoặc từ nhà sản xuất bên ngoài vùng đó (giao dịch ngoại vùng). Nếu tỷ lệ giao dịch nội vùng trên tổng số giao dịch cao (trên 75%) thì thị trường được coi là xác định phù hợp. Còn nếu tỷ lệ đó thấp thì thị trường là xác định sai và cần phải được xác định lại (4).
Mặc dù còn tồn tại những vấn đề trong xác định ngành, các nước vẫn cần phải áp dụng một hệ thống phân loại ngành nào đó. Tại Việt Nam, Bảng phân ngành kinh tế mới nhất được ban hành năm 2007 (VSIC07) được phát triển trên nền tảng và tương thích với bảng phân ngành chuẩn quốc tế phiên bản 4.0 (ISIC) ở cấp độ 3 chữ số. Bảng phân ngành này đã được áp dụng trong cuộc Tổng điều tra kinh tế lần thứ 3.
3. Các phương pháp đomức độ tập trung kinh tế mức độ tập trung kinh tế
3.1. Tỷ lệ tập trung kinh tế
Tỷ lệ tập trung kinh tế (Concentra- tion Ratio) đo thị phần của N doanh nghiệp hàng đầu trong một ngành, trong đó N thường được lấy giá trị 3,4 hoặc 8. Tỷ lệ này được biểu diễn bằng công thức:
N
CRN= Σxi
i=1
trong đó xilà thị phần của doanh nghiệp thứ i. Thị phần có thể được tính bằng doanh thu hoặc tài sản, hoặc số lượng lao động (5).
Hình dưới đây là một số ngành có tỷ lệ tập trung CR3 lớn tại Việt Nam theo dữ liệu thống kê kinh tế năm 2006 (6).
Hình 1: Một số ngành có tỷ lệ tập trung kinh tế cao theo CR3 tại Việt Nam
3.2. Chỉ số
Herfindahl - Hirschman (HHI)
Chỉ số Hirschman - Herfindahl (HHI) được định nghĩa là tổng bình phương thị phần của tất cả các doanh nghiệp trong ngành và có giá trị từ 0 đến 10.000. HHI của ngành có giá trị gần 0 thì thị trường được coi là có rất nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và với giá trị bằng 10.000 có nghĩa là ngành chỉ có một nhà sản xuất duy nhất. Khi chỉ số này giảm thì nhìn chung có nghĩa là khả năng quyết định giá của doanh nghiệp giảm và tăng cạnh tranh; và ngược lại khi chỉ số này tăng.
Công thức:
N
HHI = Σxi2
i=1
trong đó xilà thị phần của doanh nghiệp thứ i.
Nhiều nước, chẳng hạn như Hoa Kỳ sử dụng chỉ số HHI để xác định xem liệu một vụ tập trung kinh tế có được cho phép hay không. Tùy từng trường hợp, nhưng nói chung, nếu sau một vụ sáp nhập, chỉ số HHI tăng quá 100 thì rất có thể vụ tập trung kinh tế đó sẽ trở thành đối tượng để rà soát kỹ. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đánh giá cấu trúc thị trường bằng chỉ số HHI như sau:
HHI < 1.000: Thị trường không mang tính tập trung
1.000 ≤ HHI ≤ 1.800: Thị trường tập trung ở mức độ vừa phải
HHI > 1.800: Thị trường tập trung ở mức độ cao
Điểm mạnh chính của chỉ số HHI so với cách đo khác (như tỷ lệ tập trung kinh tế) là đã tính tỷ trọng lớn hơn đối với các doanh nghiệp lớn. Giả sử có 2 trường hợp trong đó 6 doanh nghiệp
lớn nhất chiếm thị phần 90% về sản lượng:
- Trường hợp 1: Cả 6 doanh nghiệp đều có thị phần 15%.
- Trường hợp 2: Một doanh nghiệp chiếm 80%, và 5 doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 2% thị phần.
Giả định rằng 10% sản lượng còn lại được chia đều cho 10 doanh nghiệp quy mô bằng nhau. Tỷ lệ tập trung của 6 doanh nghiệp đều là 90% đối với cả 2 trường hợp, nhưng ở trường hợp 1 cạnh tranh có thể quyết liệt hơn, còn trường hợp 2 có thể coi là gần như độc quyền. Chỉ số HHI cho thấy rõ điều này: Trường hợp 1: HHI = 6*152+ 10*12= 1.360
Trường hợp 2: HHI = 82+ 5*22 + 10*12=6.430
Đối với vụ việc tập trung kinh tế, đây là chỉ số ban đầu để xét đến sự thay đổi về cấu trúc thị trường.
3.3. Các cách đo khác
Ngoài các chỉ số thường dùng trên, một số các chỉ số khác cũng được áp dụng để đo lường mức độ tập trung kinh tế, trong đó có thể kể đến: Chỉ số Hannah-Kay, Đường cong Lorentz và Hệ số Gini, Hệ số entropy, Chỉ số Rosen- bluth, Chỉ số tập trung hỗn hợp (Com- prehensive concentration index), Chỉ số Linda. 4. Những vấn đề khi áp dụng các chỉ số tập trung kinh tế Định nghĩa chính xác về ngành thị trường:
Khi tính toán chỉ số tập trung kinh tế thường phải dựa vào số liệu kinh tế là những số liệu rất nhạy cảm theo nghĩa: một thị trường được xác định phù hợp cần phải bao gồm tất cả các loại sản phẩm thay thế. Chẳng hạn, định nghĩa thị trường “đường thốt nốt” có thể là quá hẹp để tính các chỉ số tập trung vì đường làm từ mía rất có thể sẽ thay thế dễ dàng đường thốt nốt. Vấn đề là rất khó phân định rạch ròi để thu hẹp thị trường đến đâu là đủ, ngay kể cả khi sử dụng các công cụ như SSNIP. Nếu giới hạn quá chặt thì hầu như mọi doanh nghiệp có thể bị (hay được) coi là nắm giữ vị trí độc quyền.
Quy mô thị trường:
Điều này tác động đến mức độ quan trọng của một doanh nghiệp và thị trường. Thị trường liên quan của một doanh nghiệp có thể chỉ trong phạm vi một địa phương nhỏ. Mức độ tập trung trên toàn quốc có xu hướng
nhỏ hơn trên phạm vi địa phương. Chẳng hạn, thị trường xe bus có thể gồm các nhà độc quyền ở từng tỉnh, thành phố, nhưng trên quy mô toàn quốc thì mức độ tập trung có thể là rất thấp.
Vấn đề loại trừ xuất khẩu và nhập khẩu:
Nếu loại trừ hàng hóa nhập khẩu, mức độ tập trung sẽ đánh giá cao quá mức tầm quan trọng của các doanh nghiệp hàng đầu. Ví dụ nếu CR4 bằng 60% và hàng hóa nhập khẩu chiếm 40% thị phần thì CR “thực sự” sẽ là 36% (0.6*60%). Điều ngược lại xảy ra khi loại trừ hàng hóa xuất khẩu.
Vấn đề đa dạng hóa sản phẩm:
Các số liệu thống kê có thể không tính đến việc các doanh nghiệp hoạt động trên nhiều thị trường và sản xuất nhiều sản phẩm. Một doanh nghiệp được coi là nằm trong một ngành hoặc một thị trường theo sản phẩm chính. Chẳng hạn, nếu một doanh nghiệp sản xuất 60% sản phẩm trong ngành A và 40% sản phẩm trong ngành B, thì toàn bộ doanh nghiệp đó (quy mô, công suất, sản lượng, lao động,…) đều được tính vào ngành A. Do đó CR có thể vượt quá hoặc dưới mức độ tập trung thực sự trong ngành.
Mặc dù tất cả các chỉ số trên đều có hạn chế nhưng chúng thường tương quan cao với nhau
(7). Tuy nhiên, không một chỉ số riêng rẽ nào có thể hàm chứa được 3 yếu tố quyết định của cạnh tranh: quy mô ngành, mức độ bất bình đẳng về thị phần và liên kết tiềm ẩn.
Xét riêng biệt từng chỉ số tập trung kinh tế không thể cho biết một cách thích đáng mức độ cạnh tranh có trong một thị trường nhất định. Trong một ngành có thể chỉ có một số ít doanh nghiệp nhưng có thể họ không hề phụ thuộc lẫn nhau và có những định hướng chiến lược khác hẳn nhau. Cũng cần phải chú ý đến đặc tính và tình hình ngành/ thị trường và mục tiêu của giới quản lý doanh nghiệp trong ngành. Các chỉ số tập trung kinh tế không đo được các yếu tố trên.
(Còn nữa)
(1) Chuyên viên VCAD đang theo học Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Tổng hợp Leeds (Vương quốc Anh). Email: tuanbna@moit.gov.vn. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết và không phản ánh quan điểm của VCAD Việt Nam.
(2) Kay, J.A. (1990) Identifying the strate- gic market, Business Strategy Review, 1/2, 2- 24
(3) Elzinga, K.G và Hogarty, T.F. (1973), The problem of geographic delineation in anti-merger suits, Antitrust Bulletin, 18, 45- 81 Elzinga, K.G và Hogarty, T.F. (1978), The problem of geographic delineation revis- ited: the case of coal, Antitrust Bulletin, 23, 1-18
(4) Tham khảo “Kiểm soát tập trung kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam”, VCAD (2007) – NXB Chính trị quốc gia (5) Luật Cạnh tranh Việt Nam quy định thị phần được tính bằng doanh thu trên thị trường liên quan.
(6) Lưu ý rằng các ngành được tính toán theo cấp độ 2, nghĩa là ngành được xác định tương đối rộng. Nếu phân chia nhỏ hơn nữa (đến cấp độ 3 hoặc 4) và tính đến từng thị trường thì sẽ có một số ngành nhỏ có CR3 lớn hơn nhiều.
(7) Về hệ số tương quan của các chỉ số CR3, CR5 và HHI trong các ngành tại Việt Nam, xem thêm Báo cáo “Tập trung kinh tế tại Việt Nam: Hiện trạng và dự báo” - 2009.