Bố cục, tức là làm cho các bộ phận khác nhau hợp thành một thể thống nhất. Bức ảnh là sự hợp nhất của nhiều yếu tố khác nhau tuỳ theo từng trường hợp, chân dung, phong cảnh hay cảnh sinh hoạt v.v...Trong mọi trường hợp, bao giờ cũng có một yếu tố nổi bật, chủ đề chính tạo nên lý do tồn tại của bức ảnh đó. Trong nhiều trường hợp, ảnh còn chứa đựng nhiều yếu tố phụ khác (những yếu tố này có thể trở thành yếu tố chính trong một bức ảnh khác), nhưng chúng chỉ đóng vai trò làm tôn yếu tố chính lên mà thôi. Chúng nói lên một cảnh huống nào đó, một thời điểm nào, một tầm vóc nào đó trong không gian...
Bố cục một bức ảnh là đặt yếu tố phụ trong vị trí so sánh với yếu tố chính sao cho yếu tố này bao giờ cũng nổi bật. tuy nhiên ở mỗi thể loại có những cách bố trí khác nhau. Khi chụp tĩnh vật, ta có thể di chuyển vị trí của vật này, vật kia. Dùng ánh sáng và bóng tối, ta cũng có khả năng tạo nên một tổng thể hoà hợp. Chụp chân dung cũng vậy. Nhưng chụp phong cảnh thì người chụp lại không có những khả năng ấy. Nói như vậy có phải là người chụp phải bó tay và không thể bố cục hình ảnh theo ý muốn của mình không? Không phải. Người chụp có khả năng khuôn hình, chụp đối tượng ở gần hay xa, chọn điểm nhìn, hướng máy so với hướng ánh sáng...
Nói như vậy để chứng tỏ là, trong mọi trường hợp, với mọi đối tượng-nếu ta có thời gian-người chụp đều có thể tạo ra được một hình ảnh bố cục tốt. Bằng việc sử dụng có suy tính hay theo bản năng các yếu tố khác nhau, bố cục hình ảnh thực sự là một nghệ thuật. Một số người coi bố cục là một kỹ thuật. Theo chúng tôi, người ta không thể "giảng dạy" việc bố cục hình ảnh bởi vì có quá nhiều yếu tố tham gia vào đó: mỗi yếu tố riêng nó có thể là lý do tồn tại của bức ảnh.
Muốn đi dến chỗ bố cục được một bức ảnh "cổ điển", một hình ảnh có cơ cấu tốt, ta có thể nghĩ đến một vài điểm đáng chú ý sau đây: - Sự thống nhất của đối tượng, mà chúng ta đã nói đến.
- Tìm kiếm một sự không đối xứng nào đó. - Cảm giác về chiều sâu
- Sự hài hoà giữa chất liệu của vật thể với ánh sáng chiếu vào chúng, giữa các màu sắc cạnh nhau v.v... Tìm kiếm một sự không đối xứng
Nên đặt mô tip chính ở đâu? xin trả lời "ở bất kỳ đâu cũng được, trừ ở điểm giữa bức ảnh". Chủ đề chính ở giữa của bức ảnh thì hình ảnh nhiều khi có vẻ tầm thường, không sức sống. Mỗi bức ảnh thực vậy có những điểm mạnh mà mắt ta hay nhìn vào.
Tuy không nêu nên thành một định luật cơ bản, song ta nhận xét thấy rằng những "điểm mạnh" ấy thường hay rơi vào điểm giao tiếp giữa các đường tưởng tượng chi bức ảnh ở một phần ba. Đặt chủ đề chính vào một trong 4 điểm mạnh ấy ta sẽ có một bố cục không đối xứng.
Khi trong ảnh phong cảnh có đường chân trời, ta chớ nên để đường cơ bản ấy chia đôi hình ảnh ở giữa. Đặt như vậy thì phần trời và phần đất (hoặc nước) ngang nhau, và ta sẽ có một bố cục rất tầm thường, người xem không biết ta định giới thiệu những đám mây trên trời, hay những đợt sóng trên
biển. Trái lại, nếu ta chụp cảnh trời lúc hoàng hôn rất đẹp, ta nên đặt đường chân trời ở khoảng cách một phần ba phía dưới bức ảnh để cho phần trời quan trọng hơn. Nhưng nếu ta chụp một cảnh đồi phủ tuyết với đường nét đẹp đẽ dưới bầu trời mùa đông tẻ nhạt thì ta chỉ nên dành cho một phần ba bức ảnh ở phía trên mà thôi.
bố cục không đối xứng, dựa vào việc sử dụng một điểm mạnh, làm nổi bật yếu tố chính. Con mắt người xem sẽ đi từ điểm chính đó đến các điểm khác trong bức ảnh.
Cảm giác về chiều sâu
Cảm giác về chiều sâu, sự phân cách giữa các lớp cảnh, mà ta có thể thay đổi bằng cách chọn điểm nhìn, bằng phối cảnh không trung, bằng khu vực nét sâu, bằng ánh sáng, góp một phần quan trọng vào thành công của bức ảnh. Ống kính máy ảnh có thể dễ dàng cung cấp cho con mắt ta khi nhìn vào ảnh cảm giác về không gian ba chiều. Nhờ đó mà các vật thể không bị bẹp dí, mà cái nọ trước cái kia như trong thực tế.
Sự hài hoà
Sự hài hoà là cái chất xi măng có khả năng gắn bó các yếu tố rời rạc của một bức ảnh lại với nhau... Sự hài hoà, đó có thể là những mối quan hệ được tạo ra giữa các vật thể trong một bức tranh, cái nọ gọi cái kia.
- Sự hài hoà về đối tượng: biển, trời, bãi cát, chim hải âu...
- Sự hài hoà của đường nét: đường chân trời, các lớp đất trải dài, bãi bể... - Sự hài hoà giữa các sắc độ và mảng khối: đồi núi, cây...
- Sự hài hoà màu sắc: hoa mào gà trên cánh đồng...
Sự hài hoà là tất cả những yếu tố trên đây mà người chụp phải biết cách nhìn và ghi lại đúng lúc.