KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Đánh giá mức độ phát thải của hoạt động đốt rơm rạ và khả năng tác động của chúng đến chất lượng không khí nghiên cứu thí điểm tại đồng bằng tây nam bộ TT (Trang 26 - 28)

Luận án đã xây dựng được bộ hệ số phát thải từ hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, trên cơ sở đó luận án đã tính toán, kiểm kê phát thải từ hoạt động đốt rơm rạ tại miền Tây Nam Bộ. Đồng thời, luận án cũng đã đánh giá tác động của hoạt động đốt rơm rạ đến chất lượng không khí tại miền Tây Nam Bộ và xác định được các yếu tố đánh dấu để nhận dạng nguồn đốt rơm rạ, cụ thể như sau:

1. Đã xây dựng được bộ hệ số phát thải các chất ô nhiễm không khí đặc trưng cho quá trình đốt hở rơm rạ tại khu vực miền Tây Nam Bộ, gồm 4 nhóm: (1) Bụi (PM2,5, PM10 và TSP) với hệ số phát thải trung bình lần lượt là 12,1 ± 0,3, 13,6 ± 2,6, 15,5 ± 3,5 mg/kg; (2) Tổng 16 PAHs trên bụi có hệ số phát thải trung bình là 12,8 ± 2,5 mg/kg đối với PM10, 12,5 ± 2,8 mg/kg đối với TSP; (3) 10 VOCs với hệ số phát thải trung bình là 10,7 mg/kg; (4) Nhóm các chất dạng khí gồm EF của CO2, SO2 và NO2 lần lượt là:1247 ± 190; 1,4 ± 0,3 và 1,3 ± 0,3 (mg/kg). Bộ hệ số phát thải này có thể được sử dụng cho các nghiên cứu và hoạt động kiểm kê phát thải ở mức cao hơn (Tier 2) theo hướng dẫn của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu.

2. Trên cơ sở bộ hệ số phát thải thu được, đã thực hiện kiểm kê phát thải các chất ô nhiễm không khí từ quá trình đốt hở rơm rạ tại miền Tây Nam Bộ trong 5 năm (2016 – 2020). Kết quả cho thấy, không có sự khác biệt đáng kể về mức phát thải giữa các năm. CO2 là chất có mức phát thải lớn nhất, khoảng 20 triệu tấn/năm. Mức phát thải của TSP, PM10, PM2,5, SO2 và NO2 (nghìn tấn/năm) lần lượt là 248, 218, 193, 22, 21. Mức phát thải của PAHs trên bụi và VOCs (tấn/năm) cũng đã được xác định tương ứng là 200 và 170. Trong đó, các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp có đóng góp lớn nhất, Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính

24

sách, đóng góp vào cơ sở dữ liệu quốc gia hàng năm về mức phát thải từ hoạt động đốt hở sinh khối.

3. Tác động của hoạt động đốt hở rơm rạ đến chất lượng không khí khu vực miền Tây Nam Bộ cũng đã được xác định. Nồng độ bụi (TSP, PM10 và PM2,5) ở khu vực lân cận trong quá trình đốt tăng từ 25 đến 82 lần so với môi trường nền. Trong đó, dải bụi có kích thước càng nhỏ thì có mức tăng càng lớn. Nồng độ PAH trên TSP và PM10 lần lượt cao hơn 800 lần và 970 lần so với mẫu nền, trong đó bụi càng nhỏ thì sự gia tăng nồng độ PAH càng lớn. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ tác hại sức khỏe của việc đốt hở rơm ra. Nhóm BTEX được coi là đóng góp chính trong tổng số 10 VOC đã xác định, chiếm 73%. 4. Luận án cũng đã xác định, tỷ lệ Fth/(Fth+Pyr), B[a]A/(B[a]A+Chr) và B[a]A/ ∑COMB (Fth, Pyr, B[a]A, Chr, B[k]F, B[b]F, B[a]P, I[1,2,3-cd]P và B[ghi]P) có thể được sử dụng làm tỷ lệ chẩn đoán (marker) để nhận dạng phát thải PAH từ nguồn đốt rơm rạ và rất hữu ích trong việc phân biệt việc phát thải PAH giữa hoạt động đốt hở rơm rạ với các dạng nguồn khác.

Trong thời gian tới, nghiên cứu có thể tiếp tục phát triển theo một số hướng nghiên cứu sau:

- Nghiên cứu đánh giá tác động của hoạt động đốt hở rơm rạ trên quy mô rộng hơn, mang tính khu vực và thậm chí toàn cầu.

- Nghiên cứu phơi nhiễm và đánh giá nguy cơ gây ung thư của PAHs trên bụi phát thải từ quá trình đốt hở rơm rạ cần được nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.

Một phần của tài liệu Đánh giá mức độ phát thải của hoạt động đốt rơm rạ và khả năng tác động của chúng đến chất lượng không khí nghiên cứu thí điểm tại đồng bằng tây nam bộ TT (Trang 26 - 28)