Hành vi này được xác định theo tinh thần và qui định cụ thể của Khoản 6 Điều 13 Luật Cạnh Tranh 2004 và Khoản 3 Điều 31 Nghị định 116/2005. Đây là hành vi định giá thấp để ngăn chặn đối thủ cạnh tranh tiềm năng gia nhập thị trường nhưng không thuộc trường hợp định giá hủy diệt. Qui định này rất chung chung, mơ hồ. Trong khi mức chuẩn về giá để xác định hành vi định giá hủy diệt vốn đã cao (ATC), qui định về định giá ngăn chặn đối thủ cạnh tranh mới như pháp luật hiện hành mang nhiều tác động ngăn chặn, kìm hãm hành vi cạnh tranh lành mạnh về giá hơn là chống lại sự lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Mặt khác, qui định này
mối liên hệ với thủ đoạn giảm giá/chiết khấu nhằm hạn chế cạnh tranh, nó không nên bị xem là một hành vi định giá lạm dụng.
3.2.5. Nhận xét
Pháp luật cạnh tranh Việt Nam có nhiều qui định điều chỉnh các hình thức định giá lạm dụng khác nhau. Về hình thức trình bày, Điều 13 và 14 Luật Cạnh Tranh Việt Nam có nhiều điểm giống với Điều 102TFEU. Tuy nhiên, do nguồn, cách thức giải thích luật và từ ngữ cụ thể của các qui định trong hai hệ thống khác nhau, phạm vi những hành vi định giá lạm dụng mà pháp luật cạnh tranh Việt Nam điều chỉnh bị giới hạn chặt trong Điều 13 Luật Cạnh Tranh, và chỉ được giải thích hướng dẫn bởi Nghị định 116/2005. Điều này làm cho pháp luật cạnh tranh Việt Nam kém linh hoạt, chậm thích ứng với điều kiện thực tế phát sinh của thị trường hơn so với EU và Hoa Kỳ. Có một số hình thức định giá lạm dụng đã được nhận diện và xử lý ở EU và Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa được pháp luật cạnh tranh Việt Nam điều chỉnh, như chèn ép giá, định giá phân biệt đối xử bằng định giá thấp có chọn lọc hay áp dụng mức giá như nhau cho các giao dịch khác nhau, và thủ đoạn chiết khấu/giảm giá nhằm hạn chế cạnh tranh. Các qui định giải thích của Nghị định 116/2005 thể hiện sự tập trung nghiêng về điều chỉnh chống định giá lạm dụng đối với mua, bán hàng hóa, thu hẹp tinh thần về phạm vi của Luật Cạnh Tranh vì nhiều chỗ bỏ qua không đề cập đến dịch vụ. Thêm nữa, một số qui định của Nghị định 116/2005 còn mập mờ dẫn đến không thể áp dụng hiệu quả.
Giống với EU và khác với Hoa Kỳ, Việt Nam có qui định chống định giá quá đáng. Hơn nữa Luật Cạnh Tranh Việt Nam xây dựng thêm qui định về hình thức ấn định giá bán lại tối thiểu trong nhóm hành vi định giá quá đáng.
Định giá liên quan chặt chẽ với dữ liệu chi phí, vì chi phí là cơ sở kỹ thuật khách quan của định giá. Vì vậy, để đánh giá một hành vi định giá có mang tính cạnh tranh hay không trong nhiều trường hợp cần so sánh giá với một mức chuẩn hợp lý về chi phí. Có một số điểm khác biệt giữa pháp luật Việt Nam, Hoa Kỳ, EU trong việc sử dụng chi phí để nhận diện hành vi định giá lạm dụng. Qui định về định giá quá đáng từ phía người bán của pháp luật Việt Nam thậm chí còn lảng tránh so sánh giữa giá và chi phí. Điều này dẫn đến không thể khám phá bản chất của hành vi định giá quá đáng và do đó phép kiểm tra hiện hành không thuyết phục và hiệu quả.
Ngoài ra, có sự thiếu nhất quán giữa các phép kiểm tra định giá lạm dụng có sử dụng so sánh giá – chi phí. Trong khi mức chuẩn chi phí để kiểm tra xác định định giá hủy diệt là giá thành toàn bộ, mức chuẩn để kiểm tra xác định định giá quá đáng từ phía người mua là “giá thành sản xuất”. Sử dụng giá thành toàn bộ cho phép kiểm tra định giá hủy diệt có nghĩa là theo quan điểm của pháp luật Việt Nam mức giá thấp hơn giá thành toàn bộ luôn gây lỗ cho nhà sản xuất, cung ứng. Theo Khoản 1 Điều 23 Nghị định 116/2005, giá thành toàn bộ bao gồm giá thành sản xuất và chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Điều đó có nghĩa là trong rất nhiều trường hợp giá thành sản xuất thấp hơn giá thành toàn bộ. Vì vậy dùng giá thành sản xuất để kiểm tra định giá quá đáng từ phía người mua là không công bằng đối với người bán vì bản thân qui định này nhằm mục đích bảo vệ người bán khỏi hành vi định giá mua thấp quá đáng của doanh nghiệp thống lĩnh/độc quyền. Nếu doanh nghiệp thống lĩnh/độc quyền áp đặt giá mua thấp hơn giá thành toàn bộ nhưng không thấp
Thêm một vấn đề cần quan tâm là sự khác nhau trong phân loại chi phí. Trong khi theo pháp luật EU và Hoa Kỳ, giá thành toàn bộ (cũng là chi phí toàn bộ bình quân - ATC), chi phí cố định, chi phí khả biến, chi phí tránh được bình quân, chi phí khả biến bình quân được sử dụng để phân tích hành vi, pháp luật cạnh tranh Việt Nam chủ yếu sử dụng giá thành toàn bộ. Thay vì phân chia chi phí toàn bộ thành chi phí cố định và chi phí khả biến, Nghị định 116/2005 chia chi phí toàn bộ thành chi phí sản xuất và chi phí lưu thông. Việc phân chia này không dựa vào tính chất của từng khoản chi phí, mà dựa vào các giai đoạn của quá trình kinh doanh. Chi phí sản xuất theo Điều 24 Nghị định 116/2005 bao gồm cả chi phí cố định và chi phí khả biến. Chi phí lưu thông theo Điều 25 Nghị định 116/2005 cũng được qui định như vậy, bao gồm cả chi phí cố định và chi phí khả biến. Trong nhiều trường hợp, rất khó phân biệt giữa chi phí sản xuất và chi phí lưu thông. Đây là một vướng mắc lớn cho việc hiểu và áp dụng những qui định có liên quan.