4. Phương pháp nghiên cứu
3.1.4. Hiện trạng kinh tế xã hội:
Huyện Đầm Hà có đường bờ biển dài 21 km, nhiều bến bãi cửa sông, vùng bãi triều rộng trên 5.500 ha, diện tích mặt biển trên 12.000 ha, nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên phong phú và đa dạng như tôm các loại, cua, ngao, vạng, sò huyết, tu hài, hải sâm, sá sùng, bông thùa cá song, cá vược, cá tráp, cá hồng, cá chỉ vàng, mực nang ... cho phép khai thác ổn định hàng năm khoảng 1.500 tấn. Khu vực biển này có 22 hòn đảo, quần đảo lớn nhỏ bao bọc khép kín gồm đảo Vạn Vược, đảo Núi Cuống… hình thành một vùng vịnh ven bờ ít sóng, đã tạo ra tiềm năng lớn về phát triển ngành thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ. Vùng biển Đầm Hà còn có nhiều vùng sinh thái khác nhau, tạo ra một hệ sinh vật biển và ven biển khá đa dạng và phong phú như: Mắm biển, đước vôi, vẹt tách, sú, các loài rong biển ... Môi trường tự nhiên của biển Đầm Hà tương đối ổn định, hầu như ít bị tác động bởi ô nhiễm do chất thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hay nông nghiệp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, điều kiện quyết định đến nghề nuôi trồng thuỷ sản của ngư dân trên địa bàn.
Phát huy thế mạnh của một huyện ven biển, Đầm Hà đã tập trung ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản như hệ thống đường giao thông, điện, cấp nước và thực hiện cơ chế hỗ trợ giá giống nuôi trồng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn huyện đã có các cơ sở
sản xuất giống thủy sản quy mô lớn, từng bước chủ động về giống thủy sản cho nhân dân. Đặc biệt những năm gần đây bà con nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư cải tạo ao đầm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm thẻ chân trắng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích nuôi nhuyễn thể như nuôi ngao, nghêu, nuôi cá lồng bè trên biển như cá song, cá vược, cá hồng tăng cả về diện tích và sản lượng. Năm 2015 diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 779 ha, tăng 172,5 ha so với năm 2010, số ô lồng bè 775 ô lồng, tăng 295 ô so với năm 2010. Tổng sản lượng bình quân đạt 6.000 tấn/năm. Phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương đã góp phần giải quyết tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.100 lao động và một phần lao động nhàn rỗi ở nông thôn.