Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ đã được chứng minh rõ ràng của các biến cố tim mạch như bệnh mạch vành, tử vong do bệnh mạch vành, đột quỵ, suy tim, đột tử [54]. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành ở bệnh nhân ĐTĐ và không ĐTĐ [88]. Theo nghiên cứu INTERHEART, THA đóng góp tới 18% nguy cơ quy thuộc quần thể của nhồi máu cơ tim (lần đầu tiên) [96]. Nghiờn cứu ADVANCE (Action in Diabetes and Vascular Disease: Preterax and Diamicron Modified Release Controlled Evaluation) dựa trên các dữ liệu trong nghiên cứu UKPDS cho thấy huyết áp càng cao thì tỷ lệ nhồi máu cơ tim và các biến chứng vi mạch khác càng tăng ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 [13].
Trong nghiên cứu của chúng tôi, nguy cơ bệnh mạch vành nhóm nam THA là 17,97 ± 7,71(%), nữ là 8,63 ± 5,84 (%) cao hơn hẳn so với nhóm nam không có THA là 11,46 ± 5,30 (%) và nữ là 2,83 ± 2,99 (%) theo thứ tự (p < 0,05).
Tăng huyết áp tâm thu đã được chứng minh là tác nhân có hại chính đối với bệnh động mạch vành và đột quỵ [55]. Áp dụng phương trình tuyến tính tìm mối tương quan giữa nguy cơ bệnh mạch vành theo FRS và trị số huyết áp tâm thu, dựa vào biểu đồ 3.2 chúng tối thấy rằng nguy cơ bệnh mạch vành có tương quan thuận có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) với huyết áp tâm thu, mức độ tương quan chặt chẽ đối với nam giới (r = 0,6) còn ở nữ giới tương quan mức trung bình (r = 0,38), tương tự với nghiên cứu của L.A.Diệu nguy cơ bệnh mạch vành có tương quan với HA tâm thu với r = 0,68 [2].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với kết luận của các nghiên cứu về ảnh hưởng của THA với bệnh mạch vành: nghiên cứu của Kannel và cộng sự, THA làm tăng tỷ lệ bệnh mạch vành lên 2 lần đối với nam và 2,2 lần đối với nữ [54], nghiên cứu của Ehud nguy cơ bệnh mạch vành ở bệnh nhân ĐTĐ kèm THA cao gấp 2,7 lần bệnh nhân ĐTĐ không THA [34].
Như vậy, thang điểm Framingham đã phản ánh đúng vai trò của THA cũng như HA tâm thu đối với nguy cơ bệnh mạch vành. Huyết áp càng cao thì nguy cơ bệnh mạch vành càng tăng.