rạn san hô. Để làm được điều này, cần phải có những quy
định, chính sách ưu tiên nhiều hơn nữa cho vấn đề bảo vệ, duy trì và phát triển các hệ sinh thái này. Hiện nay, có thể khẳng định một số khu vực có điều kiện phát triển DLST rạn san hô là:
- Đảo Cát Bà (Hải Phòng).
- Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).
- Vùng vịnh Văn Phong – Đại Lãnh (Khánh Hòa).
- Các quần đảo miền Trung.
- Đảo Phú Quốc.
15.2 SƠ LƯỢC VỀ MỘT SỐ ĐIỂM DLST Ở VIỆT NAM
Du lịch sinh thái thường lấy các vườn quốc gia, các khu BTTN, rừng phòng hộ môi trường, các di sản văn hóa, lịch sử và các vườn chim, các khu giải trí do con người tạo nên làm địa điểm để phục vụ du khách.
15.2.1 Vườn quốc gia
a. Khái niệm
Vườn quốc gia là vùng đất tự nhiên được thành lập để bảo vệ lâu dài một hay nhiều hệ sinh thái, phải bảo đảm các yêu cầu:
- Phải bao gồm mẫu chuẩn của các hệ sinh thái cơ bản (còn nguyên vẹn hoặc ít bị tác động) các nét đặc trưng về sinh cảnh của các loài động vật thực vật, các khu địa mạo có giá trị về mặt khoa học, giáo dục du lịch.
- Phải đủ rộng để chứa đựng được một hay nhiều hệ
sinh thái không bị thay đổi bởi những tác động tiêu cực của con người, tỉ lệ diện tích của hệ sinh thái tự nhiên phải đạt từ 70% trở lên.
- Có điều kiện về giao thông để tiếp cận tương đối thuận
lợi.
Theo hệ thống phân hạng BTTN của thế giới (IUCN):
“Vườn quốc gia là những khu vực rộng lớn có vẻ đẹp thiên
nhiên (ở bờ biển hay ở đất liền) được giữ gìn để bảo vệ một hoặc một vài hệ sinh thái đặc biệt, đồng thời được dùng cho các mục đích giáo dục, nghiên cứu khoa học, nghỉ ngơi giải trí và tham quan du lịch”.
Theo sự phân loại rừng đặc dụng ở nước ta của Bộ Lâm nghiệp (1986): “Vườn quốc gia là khu bảo vệ có giá trị sử dụng toàn diện về các mặt bảo vệ thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích văn hóa, phục vụ tham quan du lịch”.
Hiện nay, không chỉ trên thế giới mà ở nước ta, Chính phủ đang rà soát, sắp xếp lại và ra sức tu sửa, bảo vệ các khu BTTN. Tính đến thời điểm tháng 5/2002, tổng số vườn quốc gia đã lên tới 16 vườn nằm trên ba miền của đất nước.