Loại hình ấn triện cuối cùng của cấp chính quyền địa phương được giới thiệu trong chương này là Ký Triện 記篆 hay còn gọi là Triện 篆. Ký Triện hay Triện là ấn dấu của Cai tổng (tức Chánh tổng) và Lý trưởng - những người đại diện cho chính quyền cấp tổng, xã là đơn vị hành chính thấp nhất ở Việt Nam.
Lệ nhà Nguyễn quy định mỗi tổng đặt một Cai tổng, tổng nào ruộng đất nhiều hoặc đường đi xa đến hai ba ngày thì đặt một Cai tổng và một Phó tổng. Khi có khuyết thì viên Tri phủ, Tri huyện tuyển chọn nhân viên trong hạt, đề bạt lên. Bộ Lại duyệt, tâu cho cấp văn bằng làm Cai tổng thí sai đủ 3 năm sát hạch, đúng là người mẫn cán, thanh liêm mới cho thực thụ. Cai tổng thực thụ làm việc tốt thì được thăng Chánh bát phẩm, thâm niên có thành tích được thăng hơn nữa. Tổng có nhiều xã, mỗi xã đặt một viên Lý trưởng, làm đủ 9 năm mẫn cán được thưởng hàm Cửu phẩm.
Tìm hiểu tổ chức chính quyền trung ương và địa phương thời Nguyễn chúng tôi thấy đơn vị hành chính căn bản của Việt Nam là tổng, xã được hưởng một chế độ tự trị khá rộng rãi. Cai Tổng, Lý trưởng đại diện cho hội đồng tổng xã hương đảng, được quyền định đoạt tài sản của mỗi gia đình nông dân, quyết định số phận của mỗi người dân lao động. Một trong những biểu tượng chính cho quyền lực của Tổng, Lý là dấu Triện.
Tuy là cấp thấp nhất, nhưng Triện của Cai tổng Lý trưởng vẫn được làm theo nguyên tắc nhất định. Sử cũ ghi: “Lệ Minh Mệnh 13 định… Triện của Cai tổng dài 1 tấc ngang 5 phân. Triện của Lý trưởng dài 8 phân, ngang 4 phân, đều dùng hộp mực, ở nửa trang dưới dòng chữ niên hiệu, ký tên rồi đóng dưới tên ký…”[269].
Triện thời Nguyễn sơ làm nhỏ, viền ngoài dấu để nét mảnh, 6 chữ Triện chia hai hàng. Thường là tên địa phương (Tổng, xã) + chức (Cai tổng, Lý trưởng) + ký.
Triện nhà Nguyễn sau này (khi Pháp đã vào nước ta) có cỡ to hơn, viền khung để rộng hơn ghi chữ Pháp hoặc chữ Quốc ngữ, bên trong vòng khung mới có chữ Triện hoặc chữ Hán Chân thư. Điều này thể hiện 2 hoặc 3 dạng văn tự trong cùng một con dấu.
Giới thiệu hai con dấu của Cai tổng và Lý trưởng cùng một địa phương đóng trong cùng một tập địa bạ tổng Đồng Xuân[270]. Triện Cai tổng hình chữ nhật cỡ 1,9x4cm, 6 chữ Triện xếp theo hai hàng, là 6 chữ Đồng Xuân tổng cai tổng ký 同春總該總記 (Ký Triện của Cai tổng tổng Đồng Xuân). (H. 196)
Triện Lý trưởng hình chữ nhật, cỡ 1,6x3,5cm, sáu chữ Triện xếp theo hai hàng là 6 chữ Đồng Xuân phường lý trưởng ký 同春坊里長記 (Ký Triện của Lý trưởng phường Đồng Xuân). Dấu này đóng dưới dòng chữ Hán ghi tên họ, chức vụ viên lý trưởng phường Đồng Xuân (H. 197)
Đời Đồng Khánh thứ 1 (1886) vì kiêng tên húy cha đẻ của mình là Kiên Thái vương Hồng Cai, nên Đồng Khánh thay chữ “Cai” 該 tổng bằng “Chánh” 正 tổng. Lệ này được duy trì cho đến hết vương triều Nguyễn năm 1945, và dấu Triện của Cai tổng từ năm 1886 trở đi cũng được thay chữ “Chánh tổng” vào vị trí chữ “Cai tổng” cũ.
Sau đời Đồng Khánh, làng xã Việt Nam còn đẻ ra những loại Triện nữa. Những dấu Triện này không thấy ghi thành quy định như Triện hay các loại hình ấn khác, nhưng trên thực tế chúng tôi đã thấy dấu Triện của Chưởng bạ, Hộ tịch làng xã. Dấu có hình thức khá đặc biệt và khắc hai loại văn tự: chữ Quốc ngữ và chữ Hán trong dấu. Thường là viền
ngoài dấu là chữ Quốc ngữ và khung trong là chữ Hán lối Chân thư, như dấu Hộ tịch Vĩnh Chân xã Vĩnh Chân tổng Hạ Hòa huyện Phú Thọ tỉnh
永眞社永眞總戶籍夏和縣富壽省 (Hộ tịch xã Vĩnh Chân, tổng Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), hai chữ “Hộ tịch” lớn hơn và nằm ở giữa dấu có hai đường kẻ ngang[271]. (H. 198)