Từ trước tới nay nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ít được áp dụng công nghệ nhất. Đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, nông nghiệp gần như chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm của những người nông dân về đặc tính của cây
trồng, về thời tiết... Chính vì vậy, năng suất và hiệu suất canh tác gần như được để ngỏ, mang tính “may, rủi”.
Trong khi đó, trước những thách thức về biến đổi khí hậu, gia tăng dân số nhanh chóng, vấn đề đảm bảo đủ lương thực là một trong những thách thức mang tính toàn cầu. Ngành nông nghiệp phải tìm kiếm những phương thức tốt hơn để gia tăng hiệu quả sản xuất.
Với hơn 70% dân số là nông dân, Lào là một nước nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Lào đang có dấu hiệu phát triển kém bền vững, giá trị đóng góp không tương xứng với quy mô. Để không bị tụt hậu so với thế giới và khu vực, có thể cạnh tranh được, nông nghiệp Lào cần phải đẩy nhanh quá trình tiếp cận với những nền khoa học công nghệ ở các nước phát triển, đặc biệt là những nước có nền kinh tế nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả sản xuất, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước, chính phủ Lào ngày càng quan tâm và chú ý tới phát triển nông nghiệp trong tổng thể sự phát triển chung của đất nước. Nông nghiệp đã mở đường cho quá trình đổi mới, tạo nền tảng, động lực cho tăng trưởng kinh tế và là nhân tố quan trọng bảo đảm sự ổn định kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của nông nghiệp hiện nay là khả năng cạnh tranh, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Lào còn thấp. Sở dĩ như vậy là do sản xuất nông nghiệp ở Lào còn nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp chưa cao so với khu vực và thế giới. [16]