Nguyễn Quang Diêu hiệu Tử Ngọc, biệt hiệu Trần Cảnh Sơn và Nam Xương, sinh năm Canh Thìn (1880) trong một gia đình khá giả; quê ở xã Tân Thuận, tổng An Tịnh, quận Cao Lãnh, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là Nguyễn Quang Huy (tức Hội đồng Sách) và Thân mẫu là Nguyễn Thị Huệ.
Nguyễn Quang Diêu có tư chất thông minh từ nhỏ, đặc biệt là tính tình khoan dung, điềm đạm nhưng ngay thẳng và dũng cảm, có tâm hồn yêu nước dạt dào. Khi phong trào Duy tân lan rộng vào Nam, ông hăng hái gia nhập và hoạt động cùng các chí sĩ Nguyễn An Khương ( cha Nguyễn An Ninh) Nguyễn Thần Hiến, Bùi Chí Nhuận. Năm 1907, ông đặt trụ sở bí mật ở chùa Linh Sơn (Cao Lãnh). Từ chùa này ông phát triển tới chùa Kim Quang và các chùa khác.
Năm 1912, Phan Bội Châu giải tán Duy tân hội thành lập Việt Nam Quang Phục hội thì ông và hầu hết các đồng chí lại chuyển sang hoạt động cho Việt Nam Quang Phục hội. Tháng 5 năm 1913, Nguyễn Quang Diêu dẫn đầu một đoàn 12 người, vượt biên giới sang Cao Miên, tới Xiêm La để từ đó đi Trung Hoa liên lạc với Phan Bội Châu và các đồng chí trong Tổng bộ. Đến Hương Cảng, các ông chưa kịp hoạt động thì cảnh sát Anh khám thấy tạc đạn và giấy tờ quan trọng tại nơi phán ở, nên ông và các đồng chí đều bị bắt. Nhà cầm quyền Anh ở Hương Cảng trục xuất, giải các ông về Hà Nội, giao cho mật thám Pháp.
Trong phiên tòa xét xử, chúng coi ông là người cầm đầu, kết án 10 năm khổ sai, đầy sang Guyane (Nam Mỹ). Trên đường đi Guyane qua Pháp, chúng giam ông ở nhà ngục Mác xây. Thực dân Pháp đầy Nguyễn Quang Diêu đến một hòn đảo hoàn toàn xa lạ, sống giữa những người ngoại tộc, ông không hề biết tiếng nói, phong tục tập quán, không được nghe tiếng nói thân thương của đồng bào, đồng chí, cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Đế quốc Pháp tin rằng ông sẽ phải chịu chết già trên hòn đảo đó, xong với ý chí quật cường, quyết tâm vượt ngục trở về nước hoạt động như ông đã bộc lộ trong bài thơ Bị giam ỏ MácXây cảm tác;
“...Nếm mật nằm gai đành tạm lúc, Sổ lồng tháo cũi hẳn chờ khi... ”
Đầu năm 1917, Nguyễn Quang Diêu vượt ngục trốn sang đảo Trinidat thuộc Anh. Ông khi đó đã giỏi tiếng Pháp, tiếng Hoa, ông sống trà trộn trong đồng bào Hoa, học tiếng Hoa, tiếng Anh. Bằng sự ngụy trang khéo léo để giấu tung tích, cuối nãm 1920, Nguyễn Quang Diêu trở về Hồng Kông rồi tới Quảng Châu liên lạc với Phan Bội Châu. Bạn bè, đồng chí vô cùng kinh ngạc thấy ông xuất hiện, ông rất đau buồn khi biết tin nhiều đồng chí thân thiết đã hy sinh hay còn nằm trong nhà tù đế quốc. Được trở về hoạt động cùng các đồng chí được nghe tiếng nói thân thương của đồng bào. Ông dồn hết sức lực, tâm chí cho công tác cách mạng, bù đắp cho thời gian ông bị đế quốc Pháp cầm tù ở nơi xa xôi.
Đầu năm 1927, Nguyễn Quang Diêu về nước để khôi phục phong trào với cái tên mới là Trần Văn Vẹn. Thực dân Pháp đánh hơi thấy các hoạt động cách mạng của Nguyễn Quang Diêu, chúng tung mật thám đi dò la tung tích của ông, lùng bắt rất gắt gao, ông phải thường xuyên thay đổi chỗ ở. Do Nguyễn Quang Diêu tham gia phong trào Đông du, Việt Nam Quang phục hội, chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên, nên ông đã dịch các sách Tam dân chủ nghĩa, Ngũ quyền hiến pháp của Tôn Dật Tiên.
Sau một số người có ình với ông, lại có thế lực đối với Pháp đứng ra bảo trợ, ông đến làng Vĩnh Hoà gần Tân An dạy học và bốc thuốc. Ông cũng sáng tác nhiều văn thơ để gửi gắm nỗi niềm tâm
sự của mình.
Đến nay các đồng chí, dòng họ của ông còn giữ được nhiều thơ văn của ông, trong đó có các bài: Viếng Hoàng Hoa Cương, Viếng mộ Phan Tây Hồ, Sầu Non nước, Hà Thành lâm nạn, Tự do diễn ca, Chiêu hồn dân ruộng, Ngỏ cùng nữ giới...