I. CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH TRONG PHÁP
2. Các hình thức biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh
cạnh tranh không lành mạnh
Án lệ của Pháp phân biệt bốn loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu sau:
Cố tình tạo ra sự nhầm lẫn
Nói xấu, dèm pha đối thủ cạnh tranh
Quảng cáo so sánh
Phá rối hoạt động của doanh nghiệp khác 2.1. Cố tình tạo ra sự nhầm lẫn Đây là hành vi cổ điển nhất, cũng là hành vi phổ biến nhất trong số các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (cũng là đặc trưng điển hình nhất). Đó là cố tình tạo ra sự nhầm lẫn trong suy nghĩ của khách hàng bằng cách bắt chước những chi tiết có thể thu hút khách hàng (chi tiết của nhà cung cấp hoặc chi tiết của sản phẩm).
-Bắt chước những dấu hiệu đặc trưng của doanh nghiệp: Trên thực tế, những dấu hiệu cho phép định dạng doanh nghiệp rất đa dạng như tên thương mại, biểu tượng, tên doanh nghiệp. Việc xác định lượng khách hàng thường xuyên của doanh nghiệp thường phải căn cứ vào những yếu tố này. Các đối thủ cạnh tranh thường ‘‘bắt chước’’ những dấu hiệu này để thu lợi bất chính.
Muốn khẳng định rằng có sự nhầm lẫn và sự nhầm lẫn đó đã in dấu trong suy nghĩ của khách hàng thì đương nhiên, dấu hiệu nhận dạng đó phải có những thuộc tính đặc trưng nhất định. Về nguyên tắc, không thể có sự nhầm lẫn nếu những yếu tố nhận dạng doanh nghiệp lại mang tính phổ thông, phổ quát.
Lỗi cố ý hay vô ý trong trường hợp này không đóng vai trò quan trọng, nhưng trên thực tế đa số các trường hợp là lỗi cố ý. Án lệ ngày 27/9/1993 của Tòa Phúc thẩm Paris đã khẳng định: ‘‘Mỗi doanh nghiệp cạnh tranh
phải có nghĩa vụ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để tự định dạng những dấu hiệu của doanh nghiệp mình theo cách nào đó để không để tạo ra sự nhầm với những dấu hiệu nhận dạng của doanh nghiệp khác lẫn trong suy nghĩ của khách hàng’’ [9].
Trong trường hợp sao chép y nguyên những yếu tố nhận dạng doanh nghiệp thì việc xác định có hay không sự " bắt chước" sẽ không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong trường hợp chỉ bắt chước một hoặc một số yếu tố nào đó, thì vấn đề chứng minh sự " bắt chước" sẽ không đơn giản. Tiêu chí đầu tiên mà Tòa án Pháp thường sử dụng để đánh giá sự "bắt chước" trong trường hợp này là sự giống nhau phải đủ để gây ra sự nhầm lẫn trong suy nghĩ của một ‘‘khách hàng trung bình’’[10]. ‘‘Khách hàng trung bình’’ là một khái niệm rất phổ biến trong luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng của Pháp, dùng để chỉ những người tiêu dùng có tình trạng thể chất và tinh thần hoàn toàn bình thường và bản thân họ không phải là những nhà chuyên môn, chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan.
Sau đây là một số án lệ kết luận về sự bắt chước dấu hiệu định dạng của doanh nghiệp:
+ Galeries Lafayette và Galerie Layette[11].
+ Barbara of Cannes và Bar- bara[12]...
Tuy nhiên trong một số trường hợp sau án lệ lại không coi là bắt chước để tạo ra sự nhầm lẫn:
+ Belle Jardinière và Bonne Jar- dinière[13].
+ Appel taxi và Radio taxi[14]. + Hotel Gril Campanile và Le Cam- panile[15].
Điều cần nhắc lại rằng yếu tố không thể thiếu khi xác định sự bắt chước các dấu hiệu nhận dạng của doanh nghiệp là thị trường liên quan (thị trường địa lý liên quan và thị trường sản phẩm liên quan).
- Bắt chước phương pháp quảng cáo:ý tưởng quảng cáo tự nó không được bảo hộ (Tòa Phúc thẩm Paris ngày 28/11/1958). Muốn được bảo hộ, ý tưởng đó phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định. Về nguyên tắc, hành vi sao chép, bắt chước phương pháp quảng cáo của một doanh nghiệp cạnh tranh bị coi là một dạng của hành vi cạnh tranh
không lành mạnh với điều kiện là sự bắt chước đó phải gây ra sự nhầm lẫn trong suy nghĩ của khách hàng[16].
- Bắt chước những dấu hiệu bên ngoài của doanh nghiệp: Đó là các yếu tố như cách trang trí, kiểu dáng kiến trúc nhà hàng, trụ sở... với điều kiện là sự bắt chước đó phải đủ để gây ra sự nhầm lẫn đối với một khách hàng trung bình.
- Tạo ra sự nhầm lẫn giữa các sản phẩm: Trong trường hợp sản phẩm là đối tượng bảo hộ của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì liệu người ta có quyền tự do bắt chước các dấu hiệu cho phép định dạng sản phẩm đó hay không? Đã có hai trường phái ở Pháp xung quanh vấn đề này:
Trường phái thứ nhất cho rằng xuất phát từ nguyên tắc tự do cạnh tranh, nên các doanh nghiệp hoàn toàn có quyền tự do nhái lại 01 sản phẩm phổ thông, phổ quát (không được bảo hộ). Còn độc quyền khai thác dành cho chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ chỉ là một ngoại lệ của nguyên tắc tự do cạnh tranh. Có tác giả còn khẳng định mạnh mẽ rằng:
‘‘việc copy các dấu hiệu nhận dạng một sản phẩm tự nó không phải là một hành vi vi phạm’’ [17].
Trường phái thứ hai cho rằng xuất phát từ nguyên tắc lành mạnh trong cạnh tranh, việc copy một sản phẩm khác phải bị coi là vi phạm và phải bị xử lý theo quy định của quy định về cạnh tranh không lành mạnh. Tòa Tư pháp tối cao của Pháp đã nhấn mạnh trong một án lệ rằng ‘‘Việc khởi kiện cạnh tranh không lành mạnh có mục đích bảo vệ chủ thể không được hưởng sự bảo vệ của quyền sở hữu trí tuệ’’.
Trong rất nhiều trường hợp, các Tòa án Pháp đã xử phạt cả hành vi copy các dấu hiệu nhận dạng của sản phẩm không phụ thuộc vào việc sự giống nhau đó có gây ra sự nhầm lẫn
[9] Tạp chí Gaz 1994, số 1, trang 388. [10] Án lệ Toà Tư pháp tối cao 14/11/1972, Tạp chí JCP 1972, IV, 300.
[11] Án lệ Toà Phúc thẩm Aix-en-Province 11/1927.
[12] Án lệ Toà Tư pháp tối cao tháng 4/1992, Tạp chí Dân sự IV, số 153.
[13] Án lệ Toà Tư pháp tối cao 12/4/1923. [14] Án lệ Toà Phúc thẩm Paris 13/11/1963). [15] Án lệ Toà Tư pháp tối cao 12/4/1923). [16] Án lệ Toà Phúc thẩm Paris ngày 29/10/1981, tạp chí Thương mại, 1982, trang 426. [17] R.PLAISANT, sự tiến triển của chế định cạnh tranh không lành mạnh: 10 năm Luật Doanh nghiệp, 1978, Nhà xuất bản Litec, trang 783, số 12.
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
trong suy nghĩ của doanh nghiệp hay không. Nói cách khác, sự nhầm lẫn không còn được coi là yếu tố bắt buộc để truy cứu trách nhiệm trong trường hợp cạnh tranh không lành mạnh. Một số án lệ còn khẳng định rằng việc copy là một trong những trường hợp của ký sinh kinh tế[18]. Thậm chí không ít án lệ còn không phân biệt sản phẩm đó có thuộc đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ hay không.
Điều này nói lên sự vận động không ngừng của hệ thống chế tài đối với hành vi copy sản phẩm, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, cập nhật thường xuyên để tránh không bị lạc hậu so với sự thay đổi của án lệ.
2.2. Nói xấu, gièm pha đối thủcạnh tranh cạnh tranh
‘‘Nói xấu đối thủ cạnh tranh là hành vi đưa ra những lời dèm pha đối với 01 đối thủ cạnh tranh hoặc một sản phẩm của 01 đối thủ cạnh tranh’’[19]. Tòa Phúc thẩm Paris cũng đưa ra một định nghĩa tương tự ‘‘nói xấu trong thương mại được hiểu là tung ra những lời gièm pha đối với một thương nhân khác bằng những thông tin xấu’’[20].Đối tượng bị ảnh hưởng của hành vi nói xấu là hình ảnh, nhãn mác của một doanh nghiệp hoặc một sản phẩm cụ thể.
Ở đây xuất hiện một vấn đề là phân định ranh giới giữa quyền tự do phê bình, tự do ngôn luận với nói xấu, gièm pha. Bởi vì, về nguyên tắc, tự do ngôn luận, tự do phê bình là quyền tự do dân chủ của công dân được pháp luật bảo vệ. Chỉ khi nào quyền đó được sử dụng một cách vượt ‘‘biên giới’’ thì mới bị pháp luật xử lý. Việc xác định ‘‘biên giới’’ đó chính là nhiệm vụ của thẩm phán. Ví dụ như hành vi của một doanh nghiệp thông báo đến các khách hàng của mình rằng một đối thủ cạnh tranh của mình thực chất là một nhà buôn lậu, trong khi chưa hề có một phán quyết nào của Tòa án khẳng định như vậy, bị coi là một hành vi nói xấu đối thủ cạnh tranh và phải bị xử phạt theo quy định về cạnh tranh không lành mạnh[21].
Nghiên cứu một số án lệ cho thấy phương pháp, cách thức nói xấu cũng bị coi là quan trọng tương đương với nội dung nói xấu. Một nhà xuất bản đã phê phán một tác phẩm của một nhà xuất bản khác với thông điệp như sau: ‘‘nếu các bạn đọc nó, thì các bạn là đồ điên. Ví tiền của các bạn sẽ chứng minh điều đó’’. Thông điệp này đã bị coi là một phương pháp cạnh tranh không lành mạnh[22].
Trong trường hợp nội dung của lời nói xấu lại là đúng thì chủ thể của hành vi đó có bị xử lý theo quy định của chế định cạnh tranh không lành mạnh hay không? Án lệ của Pháp đã có cách tiếp cận rất khác nhau về vấn đề này. Tòa Tư pháp tối cao (tại án lệ ngày 19/7/1973, D.1973, trang 587) cho rằng nội dung của việc nói xấu đúng hay sai không ảnh hưởng đến việc kết luận là có hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không. Trong khi đó, một số tòa án khác lại có cách tiếp cận ngược lại. Tòa Phúc thẩm Paris (tại án lệ ngày 13/11/1963) cho rằng việc nêu ra một sự việc có thật không thể bị coi là hành vi nói xấu. Ví dụ như một doanh nghiệp thông báo đến các khách hàng của mình về một quyết định của Tòa án kết tội một doanh nghiệp cạnh tranh khác, với điều kiện việc thông báo này được thực hiện một cách không lạm dụng (không thông báo kiểu cắt xén hoặc đi kèm với một vài lời bình luận). Tuy nhiên, việc thông báo về một vụ kiện vẫn đang trong quá trình tố tụng (chưa có phán quyết của Tòa án) lại có thể bị coi là một dạng của hành vi nói xấu đối thủ[23].
Về nguyên tắc, chủ thể của hành vi nói xấu phải là 01 tác nhân ở trong tình trạng cạnh tranh với nạn nhân của hành vi đó. Nói cách khác, quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân là quan hệ cạnh tranh trên thị trường liên quan. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều án lệ đã đi quá xa nguyên tắc này. Ví dụ, có trường hợp án lệ của Pháp đã coi là có tình trạng cạnh tranh giữa một bên là hệ thống cửa hàng bán lẻ với một bên là hệ thống cửa hàng bán sỉ, trong khi như chúng ta đã biết, hai hệ thống này có bản chất kinh tế khác hẳn nhau[24].
Nếu chủ thể của hành vi nói xấu không ở trong tình trạng cạnh tranh với nạn nhân của hành vi đó, thì Tòa án không thể áp dụng chế tài cạnh tranh không lành mạnh để xử phạt chủ thể vi phạm, mà lúc này vấn đề đã thuộc về phạm trù dân sự hoặc hình sự. Thông thường, nạn nhân của hành vi nói xấu là một thương nhân cụ thể. Nhưng trong một số trường hợp nạn nhân có thể là một nhóm doanh nghiệp hoặc một nghiệp đoàn (syndicat) hoặc một tổ chức nghề nghiệp. Khi bị nói xấu, các chủ thể này cũng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo chế định cạnh tranh không lành mạnh[25].
Muốn áp dụng chế tài thì phải xác định được một cách cụ thể nạn nhân của hành vi nói xấu. Trong trường hợp nạn nhân bị thủ phạm nói xấu đích danh thì vấn đề sẽ hết sức đơn giản. Tuy nhiên trong trường hợp nạn nhân không được nêu đích danh mà chỉ được ‘‘ám chỉ’’, thì vấn đề sẽ rất phức tạp, vì lúc đó muốn xác định được phải ‘‘khoanh vùng’’ thị trường liên quan (thông thường chỉ cần khoanh vùng thị trường địa lý liên quan). Án lệ của Tòa Tư pháp tối cao ngày 15/7/1970 đã trừng phạt một nhà hàng về hành vi trưng ra ngoài cửa hàng của mình một biển quảng cáo rất xấu kèm theo một thông điệp ‘‘bạn sẽ không thấy điều này ở đây’’, trong khi đó ở khu phố lân cận, người ta dễ dàng tìm ra được chỉ có một nhà hàng duy nhất có biển quảng cáo là đối tượng bị ‘‘ám chỉ’’ như vậy[26].
Ngược lại, nếu hành vi nói xấu chỉ hướng đến đối tượng chung chung, trừu tượng, rất khó xác định được cụ thể, thì không thể quy kết đó là một dạng của hành vi cạnh tranh không lành mạnh được. Ví dụ: các thông điệp kiểu như ‘‘đừng tin tưởng vào các ngôi nhà khác’’ [27]hoặc ‘‘nhắn gửi đến những kẻ buôn lậu và làm hàng giả’’[28],... không thể bị coi là những lời nói xấu đối thủ cạnh tranh.
(Còn nữa)
[18] Án lệ Tòa Phúc thẩm Angers 13/3/1989, D.1990, trang 75.
[19] Giáo sư Roubier, Pháp luật về sở hữu trí tuệ, số 1, năm 1952, trang 256.
[20] Án lệ Tòa Phúc thẩm Paris ngày 14/4/1995.
[21] Án lệ Tòa Phúc thẩm Paris ngày 01/7/1991, D.1992 trang 341.
[22] Án lệ Tòa Phúc thẩm Paris ngày 03/4/1995, D.1996, trang 254.
[23] Án lệ Tòa Tư pháp tối cao ngày 08/6/1982, Tạp chí Gaz 1983 số 2 trang 289.
[24] Án lệ Tòa Phúc thẩm Paris 20/2/1992, D.1993, trang 155, bình luận của giáo sư M.L. Izorche.
[25] Án lệ Tòa Phúc thẩm Paris ngày 09/12/1992, D.1994, trang 223, bình luận của giáo sư SERRA. Bản án này trừng phạt một doanh nghiệp báo chí chuyên biệt trong lĩnh vực quảng cáo bất động sản vì đã có hành vi thông báo đến các khách hàng của mình rằng tất cả các nhà kinh doanh bất động sản nói chung đều là những kẻ thu lợi nhuận một cách quá đáng trên lưng của người tiêu dùng và thường sử dụng các biện pháp trái pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp của mình).
[26] Án lệ Tòa Tư pháp tối cao ngày 15/7/1970, Tạp chí Dân sự IV số 243.
[27] Án lệ Tòa Phúc thẩm Douai ngày 29/6/1987.
[28] Án lệ Tòa Phúc thẩm Paris ngày 01/4/1957, Tạp chí Thương mại năm 1958, trang 334, bình luận của giáo sư P. Roubier và A. Chavanne.