Chương 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Phương pháp luận
Hiện nay, có nhiều phương pháp khác nhau để xác định phát thải từ quá trình đốt rơm rạ như: xác định tại phòng thí nghiệm, phương pháp cân bằng cacbon, phương pháp mô hình phân tán; phương pháp sử dụng chất đánh dấu khí quyển, phương pháp biên dạng thẳng đứng và phương pháp sử dụng công nghệ cảm biến hình ảnh bằng laze, trong đó phổ biến nhất là phương pháp xác định tại phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, đối với phương pháp xác định tại phòng thí nghiệm thường khó mô phỏng được điều kiện đốt thực tế trong đó các yếu tố khí tượng có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến quá trình phát thải. Vì vậy, trong nghiên cứu này, luận án đã thực hiện xây dựng bộ hệ số phát thải các chất ô nhiễm từ quá trình đốt hở rơm rạ được thực hiện tại miền Tây Nam Bộ dựa vào phương pháp cân bằng cácbon và tỷ lệ phát thải. Phương pháp này tính toán lượng cacbon thải ra từ quá trình đốt hở rơm
rạ bao gồm: CO2, CO, CH4, NMHC và hạt bụi chứa cacbon, dựa trên sự khác biệt về cácbon đo được trước và sau
khi đốt [116, 126]. Trên cơ sở đó, sẽ xác định được hệ số phát thải của CO2. Hệ số phát thải của các chất khác được xác định bằng cách sử dụng tỷ lệ đóng góp ròng của chất quan tâm so với chất tham chiếu, CO2 hoặc CO, được đo đồng thời trong khói thải. Reid và cộng sự (2004) đã khuyến nghị sử dụng CO2 làm chất tham chiếu cho quá trình tính toán nếu hiệu suất đốt cháy hiệu chỉnh MCE (MCE = CO2/CO+CO2) có giá trị lớn hơn 0,9 (đám cháy có ngọn lửa) và sử dụng CO làm chất tham chiếu nếu MCE có giá trị nhỏ hơn 0,9 ( đám cháy âm ỉ) [31].
Các bước trong quá trình nghiên cứu được thực hiện theo sơ đồ khung và được trình bày trong Hình 2.1.
Hình 2.1. Khung logic nghiên cứu
Chi tiết các bước chính trong các giai đoạn được trình bày chi tiết trong các mục dưới đây.