ngôn ngữ
Tiếng mẹ đẻ của cha mẹ là ngôn ngữ cơ sở đối với một đứa trẻ. Ở Đức, đối với trẻ em sinh trưởng trong môi trường đa ngôn ngữ, người làm cha mẹ có trách nhiệm lo cho con mình bên cạnh tiếng mẹ đẻ phải làm quen với tiếng Đức càng sớm càng tốt. Chỉ có như vậy đứa trẻ mới có thể sống một cách tự lập và tự tin trong xã hội, thu được kết quả học tốt ở trường và thành công trong nghề nghiệp sau này. Ngay cả các bậc cha mẹ không biết tiếng Đức cũng có thể giúp con mình sớm học tiếng Đức, bằng cách đăng ký cho con đi vườn trẻ hay mẫu giáo càng sớm càng tốt, để trẻ có đủ thời gian học tiếng Đức trước khi nhập trường tiểu học. Khi trẻ chưa đi vườn trẻ, các bậc cha mẹ nên cố gắng tạo điều kiện cho con mình chơi với trẻ khác nói tiếng Đức. Ở các nhóm trẻ lứa tuổi biết bò, các khóa bơi cho trẻ sơ sinh và các hoạt động ngoại khóa tương tự, các bậc cha mẹ có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người làm cha mẹ khác nói nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Mặc dù phần lớn trẻ em khi được một tuổi mới bắt đầu học nói, sự phát triển ngôn ngữ của đứa trẻ đã mang dấu ấn của thời gian trước đó. Từ khi còn nằm trong bụng mẹ bào thai đã được nghe tiếng mẹ đẻ rồi. Khi cha mẹ nựng nịu trẻ sơ sinh, đứa trẻ làm quen trước tiên với giai điệu của ngôn ngữ rồi sau đó mới đến ý nghĩa của lời nói. Dần dần trẻ mới học được cách lập câu và dùng từ diễn tả những nội dung trừu tượng.
Do vậy cha mẹ nên nói chuyện với con mình bằng ngôn ngữ mà bản thân họ nắm được vững chắc nhất và nói giỏi nhất. Trong đại đa số các trường hợp thì đó là tiếng mẹ đẻ. Vì trong tiếng mẹ đẻ họ đã có vốn từ phong phú và biết sử dụng cấu trúc ngữ pháp một cách chắc chắn. Một đứa trẻ học được bằng cách này ngôn ngữ đầu đời của nó thì sẽ thấy dễ dàng hơn khi học các ngôn ngữ sau.
Cũng chính vì thế cha mẹ nên nói chuyện thật nhiều với con cái, cùng trẻ giở xem truyện tranh, đọc sách và kể chuyện thật nhiều cho trẻ nghe. Cả hát và đọc thơ cho trẻ nghe cũng rất quan trọng, vì từ đó trẻ sẽ hình thành được khả năng cảm thụ ngôn ngữ. Nếu cha mẹ kiên nhẫn nghe trẻ kể chuyện mà không xen vào thường xuyên để sửa thì trẻ sẽ thích nói và qua đó sẽ phát triển tốt.
Nếu cha và mẹ nói hai thứ tiếng khác nhau thì mỗi người có thể nói chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ của mình: người nào nói ngôn ngữ của người ấy. Trong những tình huống phải trao đổi chung (cha và mẹ nói chuyện với nhau, cả nhà nói chuyện trong bữa ăn hay khi đi mua sắm v.v...) nên quy định rõ ràng để đứa trẻ biết lúc nào dùng ngôn ngữ gì. Xin quý vị đừng lo: Trẻ nhỏ có khả năng học đồng thời một, hai hoặc thậm chí ba ngôn ngữ. Chúng chỉ cần có một người thân chỉ bảo tận tình cho mỗi thứ tiếng và có cơ hội thực hành hằng ngày, tức là nghe và nói thường xuyên mà thôi.
■ Trong những tuần đầu sau khi sinh cha mẹ nên nghỉ ngơi và dành nhiều thời gian cho con. Người cha, bạn bè và thân nhân cần quan tâm chăm sóc và giúp đỡ người mẹ trong giai đoạn này.
■ Nữ hộ sinh là người thường trực cố vấn cho quý vị khi có thắc mắc hay gặp vấn đề trong thời gian ở cữ.
■ Nhất thiết phải đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
■ Người mẹ nên cố gắng cho con bú sáu tháng.
■ Trong thời kỳ cho con bú người mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng phong phú với nhiều hoa quả, rau củ, các sản phẩm làm từ ngũ cốc không xay xát mất cám và uống nhiều nước.
■ Nguy cơ chết đột ngột ở trẻ sơ sinh có thể phòng ngừa bằng cách đặt trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa trong mấy tháng đầu tiên.
■ Lưu ý đến chỗ ngủ của trẻ: Đặt giường trẻ sơ sinh trong phòng ngủ của cha mẹ, dùng túi ngủ thay chăn, không dùng gối, giữ nhiệt độ phòng ngủ khoảng từ 16 đến 18 độ.
■ Không hút thuốc lá trong nhà.
■ Cha mẹ nên tìm hiểu về tiêm chủng phòng bệnh bằng cách tới bác sĩ nhi khoa tư vấn.
■ Loại trừ sớm (từ trước khi trẻ biết bò) những nguyên nhân có thể gây tai nạn cho trẻ trong căn hộ.
■ Phải tập cho trẻ thói quen đánh răng và giữ vệ sinh răng miệng ngay từ đầu.
■ Các bậc cha mẹ nên tìm hiểu về đề tài „Song ngữ với trẻ em“. Mỗi người cha hoặc mẹ nên trao đổi với con bằng tiếng mẹ đẻ của mình càng nhiều càng tốt.
Mạnh khỏe sau khi sinh sinh