20 nguyễn tôn nhan
cồn lay lắt gió tam thiên
cồn lay lắt gió tam thiên em đi dấu sắc dấu huyền bơ vơ bơ cơ lơ!!! • thơ mần ấm ớ cho vui vùi sinh dập tử lau chùi mênh mông chủ cái không!!! • ông trời bà đất rất…dai thành ra rất dẻo khi hai trong…một thâm cái hột…
5/2005
■
… Lục Bát Ba Câu đứng hẳn về truyền thống cả hình thức lẫn nội dung. Lược bỏ bớt những bài lặp lại ý thì đây đúng là những bài thơ lời ngắn mà ý sâu, bàng bạc hồn dân tộc hòa triết lý của Tam giáo: Khổng–Lão–Phật. Đọc thơ anh, nếu không có vốn hiểu biết tối thiểu về ba tôn giáo ấy thì e rằng khó cảm nhận được cuộc rong chơi tư tưởng đầy tham vọng thu nhiếp mười phương của một con người siêu thực như anh…
Bùi Nghi Trang
(Nguyễn Tôn Nhan – ba câu lục bát sắc không giữa đời,
Thơ của bạn tôi, NXB Thanh Niên, 2000, trang 141)
■
… Nguyễn Tôn Nhan đã đi sâu vào đạo thể trong thơ và cùng thơ trong cõi này là để chơi hoang, chơi hoang như Sartre đã nôn mửa, đã quá nhàm chán với cái thế giới quá tự nhiên như…cái thế giới quá mệt mỏi và ù lì, bệnh hoạn, và đầy hơi vật chất tầm phào, văn minh chết tiệt…!
… Lục Bát Ba Câu của anh như một tâm tình và thể điệu gì rất quí của một con chim lạ về hót giữa đời với một giọng hót của lịch sử, của một con người từng hiện diện từng có mặt trong mọi chiều sâu của núi sông u hiển của nước non dân tộc Việt đầy thảm họa và vang vang giọng hót ngàn năm nối tiếp trên dòng thời gian bất tận…
Trần Tuấn Kiệt
(Nguyễn Tôn Nhan và ẩn ngữ của thơ,
Tạp chí Thơ, số mùa xuân 2002)
■
… Thi tập Lục Bát Ba Câucủa Nguyễn Tôn Nhan, trước hết đó không phải là tựa đề, mà đó chỉ là tên gọi của một thể thơ. Và từng mảng ba câu cũng không phải là bài thơ theo nghĩa thông thường, có thể gọi là những đoản-khúc-thi hay những
ode-của-Nguyễn-Tôn-Nhan. Từng mảng từng mảng
nó như tấm áo bách nạp của Thiền sư. Nó khước từ mọi phê phán thiện–ác, hay–dở. Âm điệu du dương chỉ là sự đánh lừa thính giác. Thơ là ngôn ngữ của trầm mặc, của Thiền ngữ, của hư không tĩnh mịch, của tấc đất cơ nhọc hiếm hoi. Thơ Nguyễn Tôn Nhan không để ngâm mà để ngẫm. Mỗi đoản khúc như là một hí lộng khệnh khạng, nhưng cười cợt ai?
Không! Thơ ấy không bỡn cợt ai ngoài chính Tự thân và Tự nhiên. Nó sẽ vô duyên nếu như những ai suy cầu ở đó những câu thơ mượt mà tình tứ, những thi ảnh lung linh bóng bẩy. Những đoản-thi-ba-câu không đề đã tiếp cận đến cõi nhiệm mật uyên nguyên của Hóa công. Hiểu như vậy mới thấy dụng ý của Nguyễn Tôn Nhan khi mượn câu Thi đáo vô đề thị hóa công của Viên Mai đặt ở đầu tập Lục Bát Ba Câucó thể coi như Thay lời tựa
vậy…
Mịch La Phong
(Lục Bát Ba Câu – Thi và Ngôn,
Tạp chí Thơ, số mùa thu 2004)
■
… theo tôi, có thể Nhan lấy cảm hứng từ Dịch học. Ba câu, có thể gợi hứng từ Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân) chăng? Con Người “đánh đu” với Trời, Đất? Câu lục cuối cùng trong ba câu, lơ lửng, khép hờ, rồi mở ra những phương trời ảo ngôn diệu ngữ khác, máy động tâm thức người đọc, có thể vọng âm thêm ba câu tiếp, và cứ thế, vọng âm…Với tôi, thơ Nguyễn Tôn Nhan, tuy tác phẩm chưa nhiều như phần biên khảo dịch thuật, nhưng điều đáng quí là cốt cách Thi Sĩ, tâm thức sáng tạo, cõi Thơ của Nhan đã có riêng một khoảng trời, trong vắt, thủy chung…
Nguyễn Lương Vỵ
■
… Ngưng ở câu-lục dễ gây cảm giác khó chịu, thiếu thốn, muốn phá bung trạng huống trì trệ để quay về với quán tính câu-bát cân bằng viên mãn. Nhưng có đọc trọn vẹn thi tập Lục-bát-ba-câu của Nguyễn Tôn Nhan mới thấy công phu hàm dưỡng thậm thâm khi ông đoạn diệt ngay câu-lục.
Câu-lục trong lục-bát-ba-câu không phải là điểm dừng khơi gợi cho thiên hạ tự tiện điền thêm một câu-bát-ngát thừa thãi nào nữa mà đó là
câu–kết, câu–chấm hết, câu–tiếp cận chân lý, câu–chân lý,
câu–công án,
câu–cắt đứt mọi vọng tưởng,
câu–dồn vào ải lộ buộc lòng phải đáo bỉ ngạn.
Nguyễn Tiên Yên
■
… Nguyễn Tôn Nhan đã sáng tạo ra một dòng thơ ba câu như một ẩn mặc thăng trầm trong cái cốt lõi huyền diệu, ngàn năm mới siêu thoát một lần. … Đã từng bước đi trong ngõ sáng hóa, lập thuyết cho thơ, nhưng cuối cùng qua ba giai đoạn thơ của Nguyễn Tôn Nhan, anh lại nhập thể hồn Việt vào bản chất thơ lục bát ba câu, mà tôi tạm gọi là sấm thi. Bước qua giai đoạn ẩn dụ, Nguyễn Tôn Nhan đã như một lão Trang Chu lẩn thẩn bước vội trên nét vạch của Hà Đồ Lạc Thư, đưa thơ ba câu trở thành một thừa truyền, khoác vai dịu ngọt với những câu thơ của một Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiên đoán vận mệnh 500 năm trước và 500 năm sau. Hay một Nostradamus, lập dựng sự diệu kỳ không ai hiểu nổi, ảnh hưởng cả một vùng trời phương Tây…
Ngô Nguyên Nghiễm
■ Nguyễn Lương Vỵ Cuối năm nhớ Nguyễn Tôn Nhan
Bồng bềnh bồng bềnh như u mộng ảnh Đêm cuối năm sóng sánh một trời thơ Chữ biệt tích ý biệt tăm quá lạnh Nhớ bạn hiền ngồi độc ẩm bơ vơ Tay gõ phím vu vơ chờ tiếng vọng Tiếng cười năm xưa giọng nói vang trầm Hất mái tóc nhắc Lão Đam lồng lộng
Đạo khả Đạo…phiêu bồng cao hứng ngâm
Thi khả Thi…cười khì em quá mượt
Quá huyền vi say khướt nụ xuân thì Giọt khuya thấm rầm rì đầy ơn phước Thơ cũng say mèm vì em đã đi
Thánh Ca rất xanh dưới trời Tượng Số Lá tương tư tự vẫn dưới chân đồi Thi sĩ để tang cùng mây vạn cổ Rồi trầm mình trong huyệt mộ mồ côi Tay gõ phím tìm nhau nơi đất lạ Mà trời rất quen Lục Bát Ba Câu
Câu lục cuối nhẹ thênh mà buốt quá Khều cái mênh mông sấm động gió đau Tiếng chuông trên đồi xưa nở tím ngát Bóng mây điên kia trổ nhạc khóc òa Ta uống thêm một ly nghe âm ngất Nghe đá rền đỏ mắt hát bi ca
Hãy dựng sẵn ngôi nhà mây Ngu Cốc Chờ ta về cùng đọc thơ huyền âm Lạnh lạnh lạnh trầm trầm trầm tán dóc
Huyền chi hựu huyền nhậu với sương câm…
12/2011
■Đặng Tấn Tới
Ngàn Mây
tặng Nguyễn Tôn Nhan
Trắng trưa trời cố quận Bước qua, lòng sang đâu Thấy nhau làn mây chuyển Ánh lộng nước không mầu.