Đức vua Mi-lan-đà lại hỏi:
- Thưa đại đức! Trước đây trẫm có cơ duyên hầu chuyện với trưởng lão Àyupala, được biết rằng, bậc xuất gia hay người tại gia đều có thể đắc quả cao thượng giống nhau. Mà chính Đức Tôn Sư cũng có thuyết như thế. Điều này trẫm còn có chỗ hoài nghi.
- Xin đại vương cứ nói.
- Thưa, người tại gia thọ dụng ái dục, ăn mặc bằng những y phục màu trắng có thêu hoa, nằm ngủ với vợ, mưu sinh bằng đủ mọi cách để nuôi vợ con; họ nhồi phấn, thoa vật thơm, trang sức, trang điểm mỹ lệ, chải chuốt mái tóc cho láng lẩy, gom góp tài vật đủ loại... Nghĩa là họ hưởng thụ dục lạc một cách đầy đủ, thỏa mãn...
Còn các bậc xuất gia phải cạo bỏ râu tóc, mặc những thứ vải thô, xấu, lại còn phải nhuộm nước chát cho ố màu đi. Họ còn phải thọ trì nghiêm khắc hai trăm hai mươi bảy giáo điều, mười ba pháp đầu đà khổ hạnh... Nghĩa là họ phải có một đời sống cơ cực, thiếu thốn đủ mọi bề...
Đại đức Na-tiên nói:
- Đúng như thế. Nhưng đại vương nghi ở chỗ nào?
- Thưa, thứ nhất là ai thực hành giáo pháp tốt cũng đắc đạo quả cao siêu. Vậy thì dại gì đi tu cho khổ, cho cơ cực, thà ở nhà hưởng thọ ngũ dục còn hơn vậy? - Tâu đại vương! Sự thật là thế, nhưng người tại gia thực hành giáo pháp khó khăn hơn nhiều. Có thể nào một người cư sĩ thọ dụng ngũ dục, sống giữa cõi trần luôn luôn bị lửa tham sân thiêu đốt lại có thể chứng ngộ giáo pháp ly dục cao siêu được, hở đại vương?
- Còn các bậc xuất gia, do nhờ ghép mình vào các điều học, thọ mười ba pháp đầu đà, thu thúc lục căn thanh tịnh; nghĩa là luôn luôn sống đời lánh xa ngũ trần, tham sân ít có cơ hội thiêu đốt; nên bao giờ cũng dễ dàng chứng ngộ được giáo pháp ly dục, tâu đại vương!
- Vâng, vâng!
- Tuy nhiên, dẫu là xuất gia, nhưng họ buông lung phóng dật, không chịu thực hành những đề mục chỉ tịnh, quán minh - thì làm sao mà thấy được đạo quả hở đại vương?
- Vâng, vâng!
- Do vậy, phẩm mạo xuất gia hay tại gia quan trọng ở chỗ thực hành và không thực hành, tâu đại vương!
- Vâng! Và như vậy rõ ràng là bậc xuất gia vẫn cao thượng hơn tại gia! Nhưng trẫm không rõ là nó cao thượng đến cỡ nào?
- Không ai có thể định giá được ngọc ma-ni, tức ngọc như ý như thế nào, thì sự cao thượng của phẩm mạo xuất gia cũng y như thế, cái đức của bậc xuất gia cũng dường thế ấy!
- Các vị tỳ kheo trong giáo hội của đại đức thường giáo giới đến cận sự nam nữ hai hàng rằng đức của Chư Tăng như biển lớn, là ý đó chăng?
- Vâng, vì rằng biển rộng và sâu đến chừng nào thì chưa có ai đo lường được; thì sự cao thượng, cao siêu của phẩm mạo xuất gia cũng như biển vậy, khó lượng, khó dò!
- Thưa, vậy thì do đâu mà có được cái đức ấy, sự cao siêu, cao thượng ấy? Đại đức Na-tiên nói:
- Dường như do đâu thì đại vương đã hiểu rồi.
- Xin đại đức cứ nói lại, có phải là do nhờ đời sống ghép mình vào giới hạnh? - Vâng, sự thành tựu cao siêu ấy, thành tựu các đức lớn ấy là do đời sống viễn ly của chư tỳ khưu, chẳng hạn:
- Thiểu dục (ít ham muốn), - Tri túc,
- Ưa thích nơi thanh vắng,
- Không thích đám đông, phe nhóm, - Không chất chứa, không luyến tiếc, - Sống đời vô trú,
- Đầy đủ giới hạnh,
- Biết rành rẽ giá trị, sự lợi ích trong việc thực hành các pháp đầu đà, v.v...
Tâu đại vương! Khi mà bậc xuất gia thực hành nghiêm túc các điều như đã kể ở trên, họ sẽ thành tựu đạo quả cao siêu rất dễ dàng, mau lẹ...; cũng giống như người kia xuống sông tắm, dễ dàng và mau lẹ kỳ cọ thân thể mình cho sạch sẽ vậy.
- Thật là rõ ràng, trẫm hiểu được do đâu mà cao thượng rồi.
II. NỘI DUNG MI-TIÊN VẤN ĐÁP
(Gồm 244 Câu Hỏi)
125-135
125. Đời sống Sa-môn vô tru, như nai trong rừng, sao lại xây chùa, tạo thất liêu? - Đại đức vừa nói là các bậc xuất gia sống đời vô trú, không nên có chỗ ở nhất định, không nên lưu luyến chỗ ở, nên sống nơi thanh vắng, v.v... Đấy cũng là điều Đức Phật thường khuyên răn, giáo giới đến các bậc xuất gia, phải vậy chăng?
- Thưa vâng!
- Thế tại sao, ở chỗ khác, Đức Tôn Sư lại thuyết: "Các hàng thí chủ nên tạo chùa, thất liêu để cho Chư Tăng có chỗ ngụ cư an vui, dễ dàng, vì họ là những bậc đa văn, những bậc nâng đỡ Tam Tạng, những bậc làm cho giáo pháp được hưng thịnh, trường tồn..."?
Đức Đạo Sư đã thuyết lưỡng nghĩa, hai lời, nếu chỗ trên đúng thì chỗ dưới sai hoặc trái lại! Vậy biết đâu là lời giáo giới đúng đắn, chân chính của Đức Đạo Sư?
- Đức Thế Tôn chẳng bao giờ thuyết hai lời, lưỡng nghĩa, mâu thuẫn nhau đâu, tâu đại vương! Trong giáo hội của Đức Tôn Sư, Ngài cho phép Chư Tăng tùy
duyên, tùy sở thích mà chọn chỗ ngụ cư cho mình; không nhất thiết là rừng, nghĩa địa, chùa hay thất liêu. Ngài chưa hề cấm Chư Tăng sống ở chùa, thất liêu hoặc khuyến khích nên sống ở rừng hay nghĩa địa. Vấn đề quan trọng là sống sao để khỏi dính mắc, lưu luyến chỗ ở của mình; phải thường xuyên thay đổi từ chỗ này sang chỗ khác. Chính đời sống không dính mắc, không lưu luyến mới là phải lẽ cho Sa-môn, nghiêm trang cho Sa-môn, thích hợp với Sa-môn, là cảnh giới của Sa-môn, nên dành cho Sa-môn, là nơi mong mỏi của Sa-môn.
Tâu đại vương! Ví như loài hươu nai sống ở trong rừng, chúng tự do, thảnh thơi đi từ chỗ này sang chỗ khác, không nhất định ở một nơi nào cả, hoàn toàn theo ý muốn, sở thích của mình, chư tỳ kheo cũng nên sống đời vô trú như hươu nai vậy.
Tâu đại vương! Còn vấn đề xây dựng chỗ ở, tạo chùa chiền, am thất cho Chư Tăng mà Đức Phật thường tán thán là vì lợi ích cho giáo pháp, lợi ích cho hàng cư sĩ tại gia. Công đức, phước báu xây dựng cảnh già lam cho Chư Tăng có chỗ ngụ cư dễ dàng để tu học thật là vô biên vô lượng, là nhân sanh cảnh trời, cảnh người phú túc và sang cả. Ngoài ra, đó còn là nhân để thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, chứng quả Niết bàn Vô sanh.
Lại nữa, tâu đại vương! Nếu mà chư tỳ khưu đều sống ở rừng, nghĩa địa, nơi hoang sơn cùng cốc; ai cũng lìa xa nơi phố thị, làng mạc cả thì cận sự nam nữ hai hàng lấy đâu để nghe giáo pháp, để thọ trì quy giới, để cúng dường, bố thí, để tạo phước báu, để tăng trưởng tín, giới, văn, thí, tuệ cho mình?
Lại nữa, tâu đại vương! Nếu không có chùa chiền, am thất thì vua chúa, các vị đại thần, thương gia, các giáo chủ bà-la-môn, những người có tâm cầu mong thấu hiểu giáo pháp sẽ biết tìm đến đâu để học hỏi, trao đổi, thảo luận? Những người muốn tu sẽ tìm đến nơi nào để tu? Và Chư Tăng làm sao để học hỏi giáo pháp, phổ biến giáo pháp, kế tục giáo pháp để lưu hậu, truyền thừa?
Đại vương! Dám mong đại vương giải đáp dùm cho những câu hỏi ấy của bần tăng!
- Vâng, trẫm không dám nữa đâu! Sở dĩ mà trẫm còn nghe được giáo pháp hôm nay là cũng nhờ có cảnh già lam mà cận sự nam nữ đã dày công kiến tạo!
- Cám ơn đại vương!
- Trẫm không ngờ một câu hỏi bắt bí bình thường - mà lối giải đáp của đại đức lại sâu xa, vi diệu như thế! Ôi! Một câu hỏi tưởng như khó khăn, mà đại đức đã
tháo gỡ rất dễ dàng! Ôi! Đại đức đã làm cho phân minh, sáng sủa những điều tối tăm, đã bẻ gãy vỡ vụn những luận điệu mà chúng ngoại đạo có thể xuyên tạc trong nay mai! Quả thật, đại đức đã đem đến ở đây một con mắt của chư Phật để soi tỏ, nhìn ngắm mọi vấn đề, vì lợi ích cho vô lượng nhân thiên trong thời mạt pháp vậy!