Phật giáo với tư tưởng hiếu hòa, nhân ái, vị tha

Một phần của tài liệu Sự tác động của văn hóa nông nghiệp lúa nước (Trang 27 - 29)

Khác với Nho giáo, Phật giáo du nhập vào nước ta bằng con đường hòa bình nên đã nhanh chóng bén rễ ngay từ thời Bắc thuộc, để rồi cộng sinh và thẩm thấu trong văn hóa Việt ở tầng sâu nhất của triết lí sống từ ngàn năm nay. Ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, những giáo lí cơ bản của đạo Phật như: “từ bi hỉ xả”, “cứu khổ cứu nạn”, “phổ độ chúng sinh”, đưa chúng sinh tới cõi cực lạc, giải thoát chúng sinh khỏi mọi nỗi khổ, đã sớm được cư dân Việt chấp nhận rộng rãi và đã nhanh chóng có được chỗ đứng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Trong cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc cho con người, Phật giáo đã ngộ ra rằng, Tham – Sân – Si là cái gốc của khổ đau, bất hạnh nên muốn gạt bỏ nó để đạt tới hạnh phúc thì người ta phải tiêu diệt ngay từ trong trứng dục vọng tham - sân - si, là gốc khởi phát của mâu thuẫn, tranh giành. Cùng với đó, Phật giáo chủ trương triết lý sống Nhân – Quả, bởi dù người ta làm gì thì cũng đều gieo nguyên nhân, để rồi chính nó sau này sẽ thành kết quả dành cho người đã gieo. Vì “thiện giả thiện lai”, “ác giả ác báo” cho nên Phật giáo khuyên con người hãy gieo nhân lành để hái quả thiện. Tư tưởng “nhân quả” của Phật giáo thấm sâu trong tư duy và hiện diện rõ nét trong hành vi của người Việt, khiến cho khi làm điều gì người ta cũng luôn chủ trương khuyến thiện trừ ác để tránh “gieo gió gặt bão”, "chạy trời không khỏi nắng", “ác giả ác báo”, không chỉ trong kiếp sống hiện tại mà còn cho cả “luân hồi” vì “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Tư tưởng khoan dung, nhân ái của Phật giáo đã cộng hưởng rất đồng điệu với văn hóa trọng tình của người Việt nên đã được các thế hệ người Việt tiếp thu một

cách tự nhiên, tự nguyện “như nước mưa thấm vào lòng đất mẹ”, để rồi từ đó càng tô đậm thêm triết lí sống thương người, lòng nhân ái, vị tha, bao dung trong lối sống cộng đồng và ứng xử trọng tình vốn đã rất đậm nét trong truyền thống của dân tộc ta.

Như vậy, với chủ trương gạt bỏ tham – sân – si, làm lành lánh giữ, Phật giáo đòi hỏi con người trước hết phải tự hòa giải với bản thân mình. Sau khi tự hòa giải với mình, nghĩa làm dịu lắng, triệt tiêu dục vọng của mình, con người mới có thể tiến hành hòa giải với người khác. “Chiến đấu với chính mình để nhường nhịn người khác” - đó là triết lý sống mà Phật giáo mong muốn đạt tới. Như thế, Phật giáo với phương châm hòa giải từ mình, tiến đến hòa giải với người khác, rồi hòa giải với vũ trụ chính là cách tạo ra một môi trường hòa giải rộng lớn bao la để con người và vạn vật có thể sống cùng nhau một cách tốt lành.

Có thể nói, tư tưởng, giáo lí của Phật giáo ở tầng sâu nhất của triết lí sống đã góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh suy nghĩ, quan điểm nhận thức về cuộc sống cũng như hành động hằng ngày của con người, góp phần đem lại sự bình yên cho cuộc sống. Tuy nhiên, từ góc nhìn của văn hóa ứng xử với pháp luật thì Phật giáo lại cũng không tránh khỏi sự tác động tiêu cực. Bởi trong khi đề cao những giá trị sống tốt đẹp, nhân văn để tạo lập sự bình yên, hòa mục cho xã hội thì lại cũng chính tư tưởng từ bi bác ái của Phâ •t giáo đã góp phần làm hạn chế, thui chột khả năng hành đô •ng và đấu tranh của con người khi cần phải bảo vệ công lý, lẽ phải. Với thuyết “luân hồi”, “quả báo”, Phâ •t giáo khuyên con người tự tiết chế các hành vi của mình bằng thái độ nhường nhịn, cam chịu, thậm chí cả nhẫn nhục. Điều này lý giải vì sao khi quyền lợi của mình bị xâm hại, người Viê •t Nam thường không đấu tranh đến cùng mà chọn phương pháp im lă •ng và trông chờ nhiều vào quả báo, tin vào sự trừng phạt của lương tâm, của luật Trời hơn là luật pháp. Khi những quy tắc ứng xử này đã thành đạo lý, thành truyền thống thì người ta cũng không mấy quan tâm đến việc nó có phù hợp với pháp luật hay không.

Trở lên, chúng tôi đã nghiên cứu và chỉ ra những đặc trưng văn hóa truyền thống đã chi phối đến mặt tiêu cực trong văn hóa pháp luật Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, cũng xin được lưu ý rằng, tìm hiểu những tác động của văn hóa truyền thống đến văn hóa ứng xử với pháp luật hiện nay, đề tài của chúng tôi chỉ giới hạn trong phạm vi nghiên cứu những tác động tiêu cực, vì vậy những tác động tích cực của văn hóa

truyền thống đến văn hóa ứng xử với pháp luật của người Việt sẽ không được đề cập đến ở đây.

Nghiên cứu mối quan hệ chi phối giữa văn hóa truyền thống với những gì đang diễn ra trong hiện tại đã cho chúng ta thấy một cái nhìn ở chiều sâu của sự kết nối có tính nền tảng giữa văn hóa với pháp luật. Chỉ ra những tác động của văn hóa truyền thống đối với những mặt tiêu cực trong văn hóa pháp luật Việt Nam hiện nay sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn sâu sắc, khách quan và biện chứng hơn về mối liên hệ kết nối giữa truyền thống với hiện đại, giữa văn hóa với pháp luật. Điều đó cho thấy, không phải tất cả những gì thuộc di sản truyền thống của dân tộc đều là “nguyên liệu” tốt cho việc xây dựng một nền văn hoá pháp luật tích cực, khi mà trong truyền thống văn hóa của một dân tộc thường không phải chỉ có những phẩm chất tinh hoa, mà còn tiềm ẩn những mầm mống cản trở con đường tiến tới văn minh. Bởi vậy, mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi, khi nó được xây dựng trên nền tảng của một nền văn hóa đậm chất phương Đông (với sự tích hợp giữa lối sống nông nghiệp và tư tưởng Nho giáo, Phật giáo). Truyền thống văn hóa ấy được tạo dựng trong cả nghìn năm nên không dễ dàng thay đổi trong xã hội hiện đại. Từ đây cũng cho thấy, văn hóa thường có sức mạnh hơn là pháp luật, bởi con người luôn hành động theo tập quán, theo thói quen, theo những kinh nghiệm văn hóa của mình. Nói cách khác, văn hóa có khả năng điều chỉnh hành vi của con người mạnh hơn cả pháp luật [Xem: 2].

Vậy vấn đề đặt ra hiện nay là, làm thế nào để có thể phát huy sức mạnh của văn hóa trong việc xây dựng một nền văn hóa pháp luật tích cực, lành mạnh? Đến lượt mình, pháp luật phải được xây dựng như thế nào để có thể đi vào cuộc sống một cách tự nhiên và tất yếu như là văn hóa? Câu trả lời ở đây là, pháp luật chỉ có thể trở thành văn hóa, được ứng xử như là văn hóa khi nó là hiện thân của những giá trị nhân văn chứ không phải là những công cụ cưỡng bức mà người ta chỉ nhìn thấy ở đó sự đối lập với tự do. Nói cách khác, pháp luật chỉ trở thành văn hóa khi nó có khả năng “làm cho người cầm quyền tăng thêm được tri thức về những việc họ phải quản lý và làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi họ tuân lệnh” (Montesquieu).

Một phần của tài liệu Sự tác động của văn hóa nông nghiệp lúa nước (Trang 27 - 29)