II -Tinh thần phản quang trong thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
3/ Sống bằng con người chân thật:
Khi nhận ra chính mình và sống thuần thục rồi thì không còn tác ý soi lại nữa. Tinh thần phản quan lúc này là sống thẳng bằng tự tánh chính mình. Bằng cái biết toàn thể chân thật đó để sống, để thấy biết, để làm tất cả việc. Lúc này cái thấy biết vượt cả năng sở, tâm cảnh nhất như, thấy biết như thị.
Trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú, Hội thứ nhất, vua Trần Nhân Tông nói:
Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý; Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng; Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.
Đi dạo chơi suối nước xanh biếc hoặc ẩn trong non xanh, nhân gian có nhiều người ưa thích, đắc ý. Nhưng khi dạo chơi hay ẩn trong suối rừng đó, người đang sống và sáng tỏ cái đang biết rõ, đào là hồng, liễu là lục, trong thiên hạ có được mấy người là tri âm, đồng cảm thông nhau trong chỗ đạo lý chân thật rốt ráo đó? Người sống được như vậy rồi thì, nào là nguyệt bạc, vừng xanh, đâu đâu cũng rờ rỡ ánh sáng thiền lai láng. Nào là hoa mềm, nào là liễu biếc, nơi nơi đều hiển hiện ánh sáng trí tuệ rạng ngời. Lúc này, nhìn cái gì mà không phải là đạo chân thật? Có lúc nào thiếu vắng ánh sáng thiền! Tinh thần này hiện rõ ở ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài Trữ Từ Tự Răn:
Thân kiên cố không trước không sau. Sắc xuân hoa đóa đóa tươi hồng, Trăng thu bóng tròn tròn viên diệu.
Cái ấy vốn không chút bợn nhơ nên nói là tâm thanh tịnh. Nơi chúng sanh còn mê, nó cũng không mất, chỉ là tạm quên. Người đạt ngộ cũng không phải mới được cái gì khác, mà chỉ là nhận lại cái vốn sẵn. Không phải là cái mới có, mới làm ra, mà nó vốn sẵn tự thuở nào, thì lấy gì để định trước sau? Buông bỏ nó cũng không được, bởi mọi người đang sống bằng nó, nên nói là thân kiên cố. Nếu ai hay bằng cái ấy mà sống thì nhìn cái gì cũng sáng rỡ, tươi mát. “Sắc xuân hoa đóa đóa tươi hồng, trăng thu bóng tròn tròn
viên diệu”. Cái gì cũng đang hiển hiện pháp thân thanh tịnh, cũng đang toát
lên một sức sống kỳ diệu, lạ thường.
Chỗ này rất sống động trong bài thơ Cúc Hoa số 5 của Tam tổ Huyền Quang:
Hoa tại trung đình, nhân tại lâu, Phần hương độc tọa tự vong ưu. Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh, Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu. Dịch nghĩa:
Người ở trên lầu, hoa dưới sân, Đốt hương ngồi ngắm bỗng quên ưu.
Hồn nhiên người với hoa vô biệt, Một đóa hoa vừa mới nở tung.
(Phỏng dịch theo Nguyễn Lang).
Khi niệm lự chợt quên, trong ngoài liền rỗng lặng, người với hoa hồn nhiên hòa lẫn không phân biệt kia đây. Lúc này, hoa cúc là hoa cúc. Ngài nói, một đóa hoa vừa mới nở tung trùm khắp tất cả chỗ. Nơi nơi đang hiển
hiện một đóa hoa này. Đóa hoa nào vừa mới nở tung? Thử vô ưu ngồi ngắm đi rồi sẽ thấy.
---o0o---
III - Kết luận
Mỗi người chúng ta vốn tự có khả năng biết. Nếu khi đang đọc bài này mà chỉ một bề biết theo tờ giấy, đọc theo chữ nghĩa, thì tuy vẫn đang biết, nhưng đó là biết theo cảnh và đã bỏ sót chính mình. Trong nhà Thiền nói, phút chốc tạm quên, liền đồng với người chết. Cũng ngay khi đang đọc bản văn này, nếu lắng lại, lặng trong, biết suốt mà đọc thì từng chữ, từng chữ hiển hiện một cách rõ ràng, đang sáng ngời thấy biết. Cái ấy không động, nó chính thật là mình và mình đang sống bằng cái tâm biết chân thật, đang thực sự là sống.
Nhận lại, hay ra, sáng tỏ cái chân thật đó gọi là ngộ đạo. Sống trọn vẹn bằng cái chân thật đó một cách miên mật, không xen hở thì gọi là sống đạo. Đến đây rồi thì hằng ngày làm việc gì cũng là việc làm đạo lý, ánh sáng Thiền rờ rỡ, bàng bạc trong mọi sinh hoạt hằng ngày.
Cho nên khi có người hỏi về gia phong của Sơ Tổ Trúc Lâm, Ngài nói:
Áo rách che mây sáng ăn cháo, Bình xưa tưới nguyệt tối uống trà.
Gia phong của Tổ là mặc áo rách, buổi sáng ăn cháo đạm bạc. Tối đến thì tưới nguyệt, uống trà. Chỉ là cuộc sống bình thường, giản dị.
Đây chính là chỗ rốt ráo của tinh thần phản quan tự kỷ. Tinh thần này vốn sẵn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mỗi người. Chỉ khéo nhận lại thì ngay đây liền là đầy đủ. Nhận và sống trọn vẹn bằng tinh thần phản quan là chúng ta đang giải thoát ngay trong sinh hoạt hằng ngày, ngay trong cuộc sống hiện tại chứ không phải tìm kiếm ở một nơi nào khác xa vời hay sau khi chết mới có được. Lúc này sẵn sàng làm lợi ích chúng sanh mà không thấy ngăn ngại, mỗi mỗi việc làm đều là việc Phật. Tinh thần phản quan thật xứng đáng là tông chỉ của một dòng Thiền thuần túy Việt Nam – Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.