Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Pháp luật và Hiến pháp là công cụ, phương tiện và là bảo đảm quan trọng nhất của nền dân chủ. Điều 2, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa và khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Do đó việc đảm bảo các cơ chế tự bảo vệ của Pháp luật, Hiến pháp, sự hiện hữu của các cơ chế bảo vệ Hiến pháp đang là một trong những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Theo qui định của pháp luật Việt Nam hiện hành, hệ thống tòa án không có chức năng xét xử các văn bản qui phạm pháp luật của chính Quốc hội cũng như của các cơ quan nhà nước khác nếu vi hiến. Đây là rào cản pháp lí đối với việc thực hiện quyền của cá nhân trong trường hợp cá nhân muốn khởi kiện chính các chủ thể công quyền đối với các hành vi vi hiến hoặc trái pháp luật khi ban hành văn bản pháp luật. Sự thiếu vắng chế định Tòa án Hiến pháp để xem xét về tính hợp hiến của văn bản qui phạm pháp luật, thực hiện chức năng giải thích Hiến pháp và giải quyết các khiếu kiện vi hiến đang làm mất đi hành lang pháp lí để bảo vệ Hiến pháp trước sự vi phạm của các chủ thể (nếu có), bởi lẽ: Sẽ là pháp quyền, khi nếu cơ quan lập pháp thông qua một đạo luật thì công dân có quyền yêu cầu kiểm tra tính hợp hiến của đạo luật đó. Sẽ là pháp quyền, nếu khi cơ quan hành pháp có một quyết định hay tiến hành một hoạt động cụ thể thì công dân phải có quyền yêu cầu kiểm tra tính hợp pháp hay tính hợp hiến của hành động đó. Sẽ là pháp quyền, khi nếu cơ quan tư pháp áp dụng một biện pháp xử lí, thì công dân có quyền yêu cầu xem xét lại biện pháp xử lí đó. Nếu yêu cầu xem xét lại đã được giải quyết ở cấp xét xử cao nhất thì phải có cơ chế để ban hành một luật mới để thay thế cho luật hiện hành mà Tòa án đã áp dụng và thực thi.
Đối với việc hoàn thiện các cơ chế để bảo vệ văn bản qui phạm pháp luật (không bao gồm Hiến pháp), hàng loạt các văn bản pháp luật có liên quan đã ra đời như: Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2015; Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Cán bộ, công chức năm 2008... cùng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành. Hệ thống văn bản này đã phản ánh một thực trạng trong công tác ban hành pháp luật đó là mới chỉ đặt trọng tâm vào việc giải quyết các vấn đề nội dung (thẩm quyền, phân quyền, trách nhiệm pháp lí tích cực của các chủ thể).
KẾT LUẬN
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa xuất sắc giá trị của học thuyết nhà nước pháp quyền, mặt khác Người đã phát triển học thuyết này trong bối cảnh của lịch sử cách mạng Việt Nam gắn với sự ra đời của một nhà nước kiểu mới của Nhân dân; một nhà nước mà sự xuất hiện của nó chính là bảo đảm pháp lí cao nhất về một trật tự xã hội công bằng, dân chủ của một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt, đủ năng lực để hiện thực hóa quyền con người.
Thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII; tiến tới Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới. Hiện nay chúng ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045 với nhiều chủ trương, định hướng lớn. Đây chính là cơ hội để những người làm công tác hoạch định chính sách, xây dựng và thực thi pháp luật vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật trong thực tiễn công tác của mình. Chắc chắn, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật đã, đang và sẽ mãi mãi soi sáng tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.