(Mahadhanasetthiputta Vatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú số 155-156)
“Acaritvā brahmacariyaṃ, “Lúc trẻ, không Phạm hạnh,
Aladdhā yobbane dhanaṃ; Không tìm kiếm bạc tiền,
Jiṇṇakoñcāva jhāyanti, Như cò già bên ao,
Khīṇamaccheva pallale”. Ủ rũ, không tôm cá”.
“Acaritvā brahmacariyaṃ, “Lúc trẻ, không Phạm hạnh,
Aladdhā yobbane dhanaṃ; Không tìm kiếm bạc tiền,
Senti cāpātikhīṇāva, Như cây cung bị gãy,
Purāṇāni anutthunaṃ”. Thở than những ngày qua”.
Kệ Pháp Cú này, Đức Bổn Sư thuyết khi ngự tại Isipatane migadāye (rừng Lộc Giả), đề cập đến con trai ông Bá hộ Mahādhana (Cự Phú).
Tương truyền rằng: Công tử này sanh ra trong một gia đình cự phú trong thành Bārāṇasī (Ba La Nại), giàu có đến tám trăm triệu đồng vàng. Song thân của Công tử đã nghĩ rằng: “Gia tộc ta có đại tài sản, ta sẽ giao lại cho con ta, nó sẽ tiêu xài thoải mái, không cần phải làm việc gì khác”.
Thế là, ông bà Bá hộ rước thầy về dạy cho Công tử ca, hát, đờn, kèn, v.v… (ca vũ nhạc).
Cũng vào thời ấy, trong thành Bārāṇasī ấy cũng có một gia tộc Bá hộ khác, cũng có gia sản là tám trăm triệu đồng vàng, gia tộc này cũng chỉ có độc nhất một nàng Tiểu thư, hai ông bà Bá hộ này lại cùng có sự suy nghĩ như Bá hộ trên nên chỉ cho Tiểu thư học khiêu vũ cùng với hoà tấu.
Đến tuổi thành nhơn, Công tử và Tiểu thư này được phối ngẫu thành vợ chồng, và một thời gian sau, cả song thân của hai người đều qua đời, hai phần tài sản từ đó được nhập chung về một nhà, tổng cộng là một trăm sáu mươi triệu đồng tiền vàng.
Công tử thường xuyên vào hầu Đức vua, mỗi ngày là ba lần. Bọn du đãng trong thành nghĩ rằng: “Nếu mà Công tử này trở nên nghiện rượu, thì có lẽ bọn mình sẽ sung sướng lắm! Vậy ta hãy tìm cách tập cho Công tử chè chén, nhậu nhẹt”.
Thế rồi, họ mang theo rượu ngon, thịt béo, muối hột, bọc trong một chéo vải, và lấy thêm gia vị như củ hành, v.v… ra ngồi bên đường, đón chờ Công tử đi vào triều chầu Đức vua. Khi thấy dạng Công tử đi đến, bọn du thủ du thực bắt đầu uống rượu, bỏ muối hột vào miệng, cắn một củ hành rồi đồng thanh nói:
- Chúc Công tử tiểu chủ sống lâu trăm tuổi! Nhân dịp này, chúng tôi ăn uống để chúc mừng Công tử.
Được nghe mấy lời của bọn du thực, lúc đi trở về, Công tử hỏi người chuốc rượu:
- Thưa ông chủ, đó là một thứ nước giải lao! - Nước ấy có ngon ngọt không?
- Thưa ông chủ, trong cõi nhân gian này, không có thứ nước nào nên uống cho bằng nước ấy cả!
- Nếu vậy, thì ta cũng phải uống nước ấy mới được.
Thế rồi, Công tử cho người mang rượu đến và tập uống lần lần, từng chút. Không bao lâu, bọn du thực biết tin Công tử đã ghiền rượu, chúng đến tháp tùng Công tử. Công tử có đi đâu, chúng cũng đi theo đông đủ, lúc thì một trăm, lúc thì hai trăm. Công tử cho mang theo rượu, uống cho đã rồi ngồi nơi nọ, nơi kia, cho chất tiền vàng cao lên thành đống, vừa nhậu vừa bảo bộ hạ: “Lấy tiền này đi mua tràng hoa, lấy tiền này mua hương...” và ban thưởng cho ca sĩ hay, vũ nữ và nhạc công giỏi, người một ngàn, người hai ngàn đồng vàng…
Công tử tiêu pha hoang phí như vậy, chẳng bao lâu số tiền tám trăm triệu đồng của riêng Công tử hết sạch. Vị quản gia cho biết:
- Thưa chủ! Tài sản của ông đã hết sạch rồi! - Thế phần tài sản của vợ ta không có ư? - Thưa ông chủ! Có ạ!
- Nếu vậy, hãy đem của ấy lại cho ta tiêu xài!
Thế là số tài chánh sau này cũng bị Công tử phung phí hết sạch, rồi lần lượt đến ruộng vườn, đất cát, bò xe… Cho đến nồi đồng, mâm thau, dụng cụ, thảm chiếu, tọa cụ… Tất cả đều bị Công tử đưa đi bán để lấy tiền ăn. Đến lúc tuổi già, gia tài khánh kiệt, Công tử bán luôn ngôi nhà của mình, rồi bị chủ nhà mới đuổi ra khỏi nhà. Công tử dắt vợ đi ngụ nhờ ở vách chái nhà người khác, cầm cái mai rùa đi khất thực xin ăn cơm thừa canh cặn của người.
Thế rồi một hôm, Công tử đến trước cửa phước xá. Thấy Công tử thọ lãnh đồ ăn thừa do các Tỳ khưu trẻ bố thí, Đức Bổn Sư mỉm cười. Trưởng lão Ānanda bèn hỏi Ngài về lý do của cái cười nụ ấy. Đức Bổn Sư bèn giải rằng:
- Này Ānanda! Hãy nhìn xem vị Công tử con ông Đại Bá hộ ở kinh thành này đã phung phí hết hai cái gia tài tám trăm triệu đồng vàng rồi dắt vợ đi xin ăn như thế kia! Giá như lúc thiếu niên, Công tử đừng phung phí của cải, siêng năng chăm làm công việc, thì chắc sẽ trở nên đệ nhất Bá hộ ở thành này chẳng sai. Hoặc giả nếu Công tử xuất gia hành đạo, ắt đắc quả A La Hán, vợ Công tử cũng đắc quả A Na Hàm…
Giá như lúc trung niên, đừng phung phí của cải, siêng năng, chăm làm việc, chắc sẽ trở nên đệ nhị Bá hộ ở thành này, nhược bằng xuất gia hành đạo, chắc sẽ đắc quả A Na Hàm, vợ thì đắc Tư Đà Hàm.
Giá như lúc lão niên, đừng phung phí của cải, siêng năng chăm làm việc, chắc sẽ trở nên đệ tam Bá hộ trong thành này, nhược bằng xuất gia hành đạo, chắc sẽ đắc quả Tư Đà Hàm, vợ thì đắc Tu Đà Hườn chẳng sai. Còn bây giờ Công tử đã bỏ cả tài sản của người cư sĩ tại gia, bỏ cả quả báu của bậc xuất gia giải thoát, thành ra phải chịu đói khát y như con cò già đứng dưới cái ao khô.
Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng: 155. “Acaritvā brahmacariyaṃ, Aladdhā yobbane dhanaṃ; Jiṇṇakoñcāva jhāyanti, Khīṇamaccheva pallale”.
Lúc thanh niên cường tráng, đã không kiếm ra tài sản, cũng chẳng lo tu hành, thì khi già cả chẳng khác gì con cò già bên bờ ao, chẳng kiếm ra mồi, phải khô héo chết mòn.
156. “Acaritvā brahmacariyaṃ, Aladdhā yobbane dhanaṃ; Senti cāpātikhīṇāva,
Purāṇāni anutthunaṃ”.
Lúc thanh niên cường tráng, đã không kiếm ra tài sản, cũng chẳng lo tu hành, nên khi già nằm xuống, dáng người như cây cung gẫy, cứ buồn than về dĩ vãng.
CHÚ GIẢI
Acaritvā: đã không trú trong Phạm hạnh, tức là không tu hành kiên cố để đắc
Đạo quả.
Yobbane: trong thời tráng kiện, của cải chưa sanh có thể làm cho phát sanh, của
cải đã sanh có thể gìn giữ được, mà không kiếm được của cải.
Khīṇamaccheva: những kẻ ngu ngốc như vậy, giống như những con cò già quá
sức già đứng dưới cái ao cạn hết nước, không có cá, tận tuyệt hết lương thực, không có gì để xơi cả. Như trên đã nói, ví như trong ao cạn hết nước, những người này không có chỗ ngụ; ví như trong ao hết cá, những người này gia tài đã khánh kiệt; ví như những con cò già bay đi đây đó, những người này bây giờ không có năng lực để kiếm ra tiền của dầu dưới nước hay trên bộ. Bởi thế cho nên, họ giống như con cò già nằm ủ rũ bên bờ ao khô vậy.
Cāpātikhīṇāva: bắn ra khỏi cây cung (cāpavinimuttā). Theo Chú giải thì ví như
mũi tên đã thoát ra khỏi cây cung, bay nhanh đi cho đến hết trớn thì rơi xuống, không còn lấy lên được nữa, chỉ còn nằm dưới đất làm mồi cho mấy con mối. Những người này cũng thế, đã trải qua ba thời (thanh, trung, lão niên), bây giờ không thể tự cất mình lên được nữa, chỉ còn chờ chết mà thôi. Do đó, Đức Bổn Sư mới ví họ như những mũi tên đã thoát ra khỏi cây cung rồi (cāpāti khīṇāva) vậy.
Purāṇāni anutthunaṃ: những người này thở than hối tiếc dĩ vãng, nhớ mãi
thời vàng son đã qua rồi, nào là “những khi ăn, nhậu, những lúc đàn ca, nhảy múa mà than ôi! Bây giờ đã không còn…”.
Cuối thời pháp, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.
Dịch Giả Cẩn Đề
Đại phú là con Bá hộ thành, Phong lưu tài tử, điệu chơi sành, Sau vì nhậu nhẹt, gia đình khổ, Bán nốt ngôi nhà để độ sanh. Đến già, chồng vợ dắt đi xin, Ăn mót đồ dư, ngủ quán đình. Phật thấy mỉm cười, A Nan hỏi: Mới hay: Đại phú ở trong thành, Không lo tu niệm, chỉ ăn chơi, Nhậu nhẹt, đờn ca, lúc thiếu thời, Nay giống cò già bên suối cạn, Mỏi mòn, đứng đợi hột cơm rơi!
DỨT TÍCH ĐẠI PHÚ PHÁ SẢN