Đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, phường đã có từ thời kỳ trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở vùng giải phóng, gọi là Tiểu ban Tư pháp trong Uỷ ban dân tộc giải phóng làng, xã, sau đó được quy định trong nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước ta.
Từ khi thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức Tư pháp cấp xã luôn tồn tại và phát triển, là một bộ phận gắn liền với bộ máy chính quyền cấp xã; đồng thời chịu sự chỉ đạo, điều hành về nghiệp vụ của cơ quan tư pháp cấp trên. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hệ thống của ngành tư pháp gồm bốn cấp. Ở trung ương có Bộ Tư pháp, ở cấp tỉnh và cấp tương đương có Sở Tư pháp, ở cấp huyện và cấp tương đương có Phòng Tư pháp, ở xã và cấp tương đương có đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch. Trong hệ thống này, đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch ở vào vị trí chân rết của hệ thống. Nếu “chân rết” mà yếu kém thì cả hệ thống tư pháp sẽ không thể mạnh. Vì vậy, đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch có vị trí, vai trò hết sức quan trọng và cần thiết không chỉ đối với chính quyền cơ sở mà còn quan trọng và cần thiết đối với hệ thống ngành tư pháp.
Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với xu thế mở cửa và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, vị trí, vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong việc quản lý nhà nước bằng pháp luật ở địa phương ngày càng được tăng cường, công chức Tư pháp trong đó có tư pháp cấp xã ngày càng được giao nhiều nhiệm vụ mới nặng nề và phức tạp. Cụ thể, tại Điều 73 của Luật Hộ tịch năm 2014 quy định nhiệm vụ, quyền
hạn của công chức làm công tác hộ tịch, nhiều nhiệm vụ mới đã được giao thêm, nhiều nhiệm vụ đã được mở rộng cho ngành tư pháp. Yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi cán bộ ngành tư pháp, đặc biệt là cán bộ Tư pháp cấp xã phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị vững vàng và phải luôn trau dồi nâng cao trình độ của mình.
Năng lực, trình độ của công chức phụ thuộc rất nhiều vào trình độ chuyên môn đã được đào tạo và quá trình đào tạo, bồi dường về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý hộ tịch sau khi được tuyển dụng để phục vụ ngày càng tốt hơn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
1.6.4. Ý thức pháp luật
Ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, quan điểm, quan niệm thịnh hành trong xã hội, thể hiện mối quan hệ của con người đối với pháp luật hiện hành, pháp luật đã qua và pháp luật cần phải có, thể hiện sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong hành vi xử sự của con người, cũng như trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội
Ý thức pháp luật là tiền đề tư tưởng trực tiếp để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; là nhân tố thúc đẩy sự thực hiện pháp luật trong đời sống xã hội; là cơ sở bảo đảm cho việc áp dụng đúng đắn các quy phạm pháp luật. Pháp luật là cơ sở để củng cố, phát triển nâng cao ý thức pháp luật. Ý thức pháp luật và pháp luật là hai hiện tượng xã hội khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại với nhau.
Trong công tác quản lý nhà nước về hộ tịch thì ý thức chấp hành pháp luật có vai trò quan trọng. Mọi sự kiện hộ tịch chỉ có thể được đăng ký “đầy đủ, kịp thời, chính xác” khi chính bản thân người đó hoặc những người thân thích tự giác khai báo, tự giác đi đăng ký. Đồng thời cơ quan, người có thẩm quyền đăng ký hộ tịch phải phát huy tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Muốn vậy phải không ngừng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân.
Ý thức chấp hành pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về hộ tịch vì mọi sự kiện hộ tịch chỉ có thể được đăng ký “đầy đủ, kịp thời, chính xác” khi chính bản thân người đó hoặc những người thân thích tự giác đăng ký. Để ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao đối với việc đăng ký hộ tịch thì các cơ quan chức năng phải không ngừng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân.
Ảnh hưởng của phong tục tập quán truyền thống. Phong tục, tập quán là những quy tắc xử sự mang tính cộng đồng, phản ánh nguyện vọng của toàn thể dân chúng qua nhiều thế hệ trong một cộng đồng tự quản.
Phong tục, tập quán khá bền vững trước thời gian và làm nên dấu hiệu sinh hoạt, một khía cạnh có tính đặc thù của mỗi dân tộc. Vì vậy, có sức sống lâu bền trong cộng đồng dân cư và có ảnh hưởng đến các quá trình xã hội và hành vi của những thành viên cộng đồng, trở thành một trong những hệ thống quy tắc xã hội quan trọng điều chỉnh hành vi của con người. Mặc dù không có ưu thế như quy tắc pháp luật nhưng sức sống của phong tục tập quán rất bền vững, có sức mạnh chi phối và điều chỉnh hành vi của con người trong cộng đồng rất sâu sắc, đặc biệt là phong tục tập quán về hôn nhân và gia đình, đã ăn sâu vào nhận thức của người dân từ nhiều đời nay. Ví dụ: Tư tưởng trọng nam khinh nữ, phải có con trai để nối dõi tông đường,ảnh hưởng tư tưởng truyền thống về việc khai sinh tên phạm úy…
Mặc dù, pháp luật là công cụ chủ yếu để nhà nước quản lý xã hội nhưng chỉ pháp luật thôi chưa đủ mà còn phải có sự kết hợp với các công cụ điều chỉnh xã hội khác, mà quan trọng và chủ yếu nhất đối với xã hội Việt Nam vẫn là đạo đức và phong tục tập quán, để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Đạo đức và phong tục tập quán luôn tồn tại bên cạnh pháp luật, cùng điều chỉnh các quan hệ xã hội và làm cho xã hội ổn định và phát triển. Ở xã hội Việt Nam với quan niệm "phép vua thua lệ làng" đã in khá sâu đậm trong các làng xã trước đây và còn ảnh hưởng đến hiện tại, thì vai trò của đạo đức và phong tục tập quán hết sức quan trọng. Nếu pháp luật phù hợp với đạo đức và phong tục tập quán thì nó sẽ dễ dàng được chấp nhận và
nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho pháp luật được mọi người thực hiện đầy đủ, nghiêm minh. Ngược lại, nếu không phù hợp thì sẽ gây ra những phản ứng từ xã hội và làm cho pháp luật không thể đi vào cuộc sống hoặc phải mất thời gian rất dài và bằng các biện pháp cưỡng chế mạnh thì mới có thể được chấp nhận một cách miễn cưỡng.