Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hộ tịch cần xem xét mối tương quan giữa kết quả đạt được so với mục đích đề ra cùng với mức độ chi phí các nguồn lực trên các phương diện kinh tế xã hội. Để đạt được mục đích nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hộ tịch cần dựa trên những quan điểm cơ bản sau:
Một là, việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hộ tịch cần quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển:
Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện và phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động, coi nguồn lực con người là quý báu nhất, có vai trò quyết định đối với sự phát triển nhanh và bền vững.
Quan điểm này chỉ rõ quản lý nhà nước về hộ tịch cần được đổi mới và bám sát mục tiêu chiến lược phát triển con người Việt Nam. Quản lý nhà nước về hộ tịch liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, thể hiện mối quan hệ giữa nhà nước với công dân. Công tác quản lý nhà nước về hộ tịch phải được phát huy vị trí, vai trò tương xứng với sự phát triển của đất nước. Thông qua việc tổ chức quản lý nhà nước về hộ tịch sẽ đánh giá được việc thực hiện chức năng xã hội và bản chất dân chủ của nhà nước.
Hai là, hướng tới xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và của các cơ quan hành chính nhà nước. Bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, của đất nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Việc đổi mới quản lý nhà nước về hộ tịch phải hiện thực hóa quan điểm nền hành chính quốc gia theo mục tiêu đã đề ra.
Ba là, đổi mới căn bản tư duy về một nền hành chính phục vụ. Chuyển từ hành chính tập trung, quan liêu với cơ chế “xin - cho” phổ biến sang nền hành chính phục vụ là cả một cuộc cách mạng nằm xóa bỏ thói cửa quyền, phiền hà, sách nhiễu, đặc biệt là hối lộ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hộ tịch của các cơ quan quản lý nhà nước.
Bốn là, các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, quy hoạch bồi dư ng nghiệp vụ hộ tịch cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp huyện và cấp xã phải được trang bị. Đây cũng là tiền đề tạo điều kiện cho cấp tỉnh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở.
Năm là, bảo đảm tính kế thừa các yếu tố tích cực tiến bộ trong quản lý nhà nước về hộ tịch, đồng thời tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước có hệ thống đăng ký hộ tịch hoàn chỉnh để vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, chất lượng, bảo đảm thực thi bảo vệ quyền con người, quyền nhân thân đáp ứng phục vụ tốt các quyền của người dân. Đồng thời tổ chức thực hiện quản lý bằng pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hộ tịch.
Tất yếu đòi hỏi phải chuyển từ nền hành chính “cai trị” sang nền hành chính “dịch vụ” phục vụ nhân dân để đáp ứng các điều kiện trong nền kinh tế thị trường hoạt động năng động. Về nguyên tắc, chỉ có thể xây dựng nền hành chính dân chủ cao trên nền hành chính pháp quyền vững mạnh và cũng chỉ có thể xây dựng nền hành chính phát triển trên nền hành chính pháp quyền vững chắc. Bên cạnh đó phải mở rộng tính dân chủ và tính công khai trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Khắc phục sự tùy tiện, lạm quyền, cửa quyền, quan liêu, xa dân, đặc quyền, đặc lợi, quản lý thiếu tập trung, vi phạm dân chủ. Cải cách hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ tịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; đội ngũ cán bộ công chức Tư pháp hộ tịch phải bảo đảm tính chuyên môn hóa cao; quy định rõ chức năng, niệm vụ, quyền hạn và có sự phân cấp quản lý cụ thể, rõ ràng không chồng chéo giữa các ngành, các cấp.
Vận dụng, áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới vào quản lý hộ tịch, bao gồm cả quản lý tổ chức bộ máy và quản lý các sự kiện hộ tịch đã được đăng ký.
Tóm lại, quản lý nhà nước về hộ tịch là một dạng của quản lý hành chính nên phải cần đến 3 yếu tố cốt lõi đó là: tổ chức, nhân sự và thủ tục điều hành. Tổ chức có hợp lý, nhân viên có sử dụng đúng khả năng và tiêu chuẩn, thủ tục điều hành có
đơn giản thì quản lý mới có hiệu quả.