Lời tựa cho bài Sám Hối Văn của ông Thành Phục Sơ

Một phần của tài liệu ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN (Quyển Hạ) Phần 8 pptx (Trang 35 - 37)

(năm Dân Quốc 25 - 1936)

Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân bình trị thiên hạ, Phật độ chúng sanh. Nếu ai nấy đều biết nhân quả sẽ tự trừ khử nhân dục, noi theo thiên lý để khôi phục lương tri sẵn có thì chuyện thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đều do điều này mà được hiển lộ rộng rãi. Phật pháp là căn bản của các pháp thế gian lẫn xuất thế gian. Từ khi [Phật pháp] được truyền vào Trung Quốc dưới đời Hậu Hán, hơn một ngàn tám trăm năm do được vua thánh, tôi hiền, những vị thông suốt thấu đạt hộ trì, đề xướng, nên được truyền bá khắp trong ngoài nước. Trong thời gian ấy, tuy bị đôi ba tên vua hung bạo và những nhà Nho câu nệ bài xích, hủy trừ, nhưng [bọn chúng] đều là hạng ngửa mặt nhổ lên trời, đương nhiên tự bị nhơ bẩn.

Bọn Trình - Châu đời Tống đọc kinh điển Đại Thừa nhà Phật, thân cận tri thức Thiền tông để mong trộm lấy ý nghĩa hòng tự khoe khoang, do chưa đọc trọn khắp các kinh, chưa tham học rộng khắp với tri thức các tông, bèn trộm lấy ý nghĩa “toàn Sự chính là Lý” trong kinh Phật và

“pháp gì, chuyện gì cũng đều quy về tự tâm” trong Tông môn để giải thích kinh đạo Nho, rốt cuộc trở thành tà kiến chấp lý phế sự, như nói: “Trời chính là Lý, nào thật sự có vị vua đội mão [xử đoán] đâu? Quỷ thần là lương năng của hai khí (Âm và Dương). Con người sau khi chết đi hình hài đã mục nát, thần thức cũng phiêu tán, dẫu có chém - chặt - xay - giã sẽ thi thố vào đâu? Hơn nữa, thần hồn đã phiêu tán rồi, lấy ai để thác sanh”. Thoạt đầu do chấp Lý mà phế Sự, kế đến trở thành đoạn diệt, ngoan không36. Do vậy, hết sức phô trương ý kiến của chính mình, báng Phật pháp sâu xa, bảo sự lý nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo do đức Phật đã nói chính là căn cứ để phỉnh phờ ngu phu, ngu phụ tuân phụng giáo pháp [của đức Phật], chứ thật ra không có chuyện ấy.

Từ đấy, phàm những kẻ theo Lý Học đều lén lút xem kinh Phật nhưng đều cật lực báng bổ Phật pháp, chẳng suy xét căn bản của đạo, chỉ chấp chặt vào tri kiến môn đình. Từ đấy cách trị tâm, trị thân, trị quốc, trị thế chỉ còn bề ngoài, trọn chẳng có căn bản. Vừa bị Âu hóa liền ngả rạp theo gió, rốt cuộc biến thành hiện tượng phế kinh điển, phế luân thường, tranh thành, giành đất, thê thảm chẳng nỡ nghe, trở thành cuộc loạn lạc lớn nhất kể từ khi có con người đến nay. Xét đến căn nguyên đều là do học thuyết bài xích nhân quả luân hồi ươm thành!

Từ sau Trình - Châu trở đi, người học hễ thiên tư thông minh thì không ai chẳng trúng phải chất độc [do bọn Châu - Trình] truyền lại này, tất cả đều tự khoe là bảo vệ đạo pháp, chứ chẳng biết đã trái nghịch đạo cũng lớn lắm. Đối với đại đa số con người, suốt một đời không cách gì được nghe đến đạo, nhưng cũng có người lúc đầu bị hãm vào lối xe đổ, về sau thống thiết cải hối, thương mình, xót người, muốn đem sự mê chấp của chính mình để làm tấm gương cảnh tỉnh cho hết thảy mọi người giống như ông Thành Phục Sơ ở huyện Tần An tỉnh Cam Túc nào có hạn lượng?

Dựa theo lời con ông ta là Tịnh Niệm đã viết thì: “Gia nghiêm từ thuở mười sáu, mười bảy tuổi, liền trúng phải chất độc do bọn Trình - Châu để lại, tự lấy chuyện bài xích Phật - Lão làm trách nhiệm của chính mình, tiếc cho một bề chống trái, thiên kiến, nhưng kinh Phật rất khó được thấy, lại không có bậc cao tăng hoằng pháp hay bậc thông đạt lỗi lạc để thân cận, bèn coi lời lẽ của Trình - Châu là lời bàn quyết định

36

Ngoan không, còn gọi là Thiên Không, tức là một loại tà kiến cho Không được nói trong Phật pháp là cái không trống rỗng, không có gì hết, rồi quy kết Phật giáo là một thứ hư vô chủ nghĩa (Nihilism), không biết đến nghĩa Chân Không Diệu Hữu của nhà Phật.

ngàn đời chẳng xê xích được, liền y theo những gì bọn họ nói để bài xích Phật - Lão, chứ thật ra trọn chẳng biết cội nguồn Phật - Lão ra sao! Do lầm lạc bài xích Phật - Lão và chỉ coi những điều mình sùng phụng là tông chỉ chân chánh của Nho giáo nên càng thêm mê muội”.

May sao đời trước đã gieo thiện căn, trời xét soi tấm lòng ngu thành, khiến cho cụ bệnh nặng mấy năm hòng tự phản tỉnh. Thoạt đầu cụ vẫn nói “thiên đạo vô tri”, rồi đại ngộ chính mình thấy hiểu lầm lạc, trái nghịch. Từ đấy, thống thiết sửa đổi lỗi trước, tận lực tu tịnh hạnh, bắt chước ông Liễu Phàm lập mạng, học đòi ông Tịnh Ý sửa đổi cái tâm. Tuy được tâm địa quang minh, mắt vẫn lòa như cũ (năm Dân Quốc 16 (1927), mắt phải kéo màng, chẳng thể thấy mọi vật. Đến năm Dân Quốc 20 (1931), mắt trái cũng thế, bèn cùng với con cực lực sám hối. Người con trích máu vẽ hình Phật, dùng chất son [hòa máu] chép kinh. Ông ta tự soạn bài văn thú lỗi, mắt bèn thấy được mọi vật), mới biết chẳng bộc lộ lỗi mình, trọn khó thể tiêu nghiệp được, nếu phơi bày lỗi xưa thì còn làm lợi cho người khác. Do vậy bèn soạn bài văn sám hối in ra gởi cho những người cùng hàng, đem sự mê - ngộ của chính mình để làm khuôn phép răn dè cho kẻ thông sáng mai sau, cậy Quang viết lời Bạt mong được lưu truyền rộng rãi. Do vậy, tôi lược thuật nguyên ủy mắc bệnh [của ông Thành Phục Sơ] để mong những người có lòng lo cho thế đạo nhân tâm cùng đẩy lùi phong thái suy đồi, cùng giữ vẹn hạnh Nho, cùng tu Tịnh nghiệp, cùng được gội ân Phật, cùng trừ khử món vật nhân dục huyễn vọng, cùng đạt được lương tri sẵn có, ngõ hầu có thể “sáng tỏ Minh Đức” nhằm “an trụ nơi chí thiện”, trì Phật hiệu để sanh Tây Phương. Mất niệm biến thành cuồng, khắc chế được ý niệm sẽ thành thánh, lấy thân làm gương, phổ độ quần mê đều là do những điều [đã được nói] ở đây vậy.

Một phần của tài liệu ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN (Quyển Hạ) Phần 8 pptx (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(40 trang)