làng quê nghèo xã Kỳ Thư (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), đến năm một tuổi, đôi mắt thông minh của cậu bé Nguyễn Văn Chung bắt đầu có những biểu hiện lạ, mờ đi từng ngày và sau khoảng nửa năm thì mù hẳn. Thương Chung, bố mẹ đã vay mượn khắp nơi đưa em ra các bệnh viện lớn nhất để chữa trị nhưng không có kết quả. Dù khiếm thị nhưng ngay từ nhỏ, Chung đã có niềm vui kỳ lạ với con chữ. Khi các bạn cùng làng đi học mẫu giáo rồi lớp 1, Chung cũng đòi bố mẹ dẫn đến trường. Thấy con trai cảm nhận bài học, con chữ qua đôi tai một cách say mê, bố mẹ Chung đã dẫn con đi học lớp chữ nổi do huyện Kỳ Anh tổ chức. Hoàn thành lớp học chữ nổi, Nguyễn Văn Chung nằng nặc đòi bố mẹ xin được đến trường.
Những ngày đầu đến lớp, Chung bỡ ngỡ với cách học, cách dạy mới dành cho những học sinh sáng mắt. Nhưng chỉ vài tháng sau, cậu đã dẫn đầu lớp khiến các bạn phải trầm trồ thán phục. Cứ như vậy suốt 12 năm học, Chung luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, trong năm học lớp 9, khi được Phòng giáo dục huyện Kỳ Anh cử đi thi học sinh giỏi, Chung giành giải nhất môn Hóa học.
Câu chuyện cuộc đời của Nguyễn Văn Chung khiến nhiều người xúc độc. Dù
thích các môn tự nhiên nhưng vì khiếm thị nên Chung không thể học tốt các môn về hình học. Từ năm cấp 3, Chung buộc phải chuyển sang học khối C. Lạ thay, chàng trai khiếm thị lại tiếp tục dẫn đầu lớp và có mặt trong các đội tuyển học sinh giỏi tỉnh. Năm lớp 11, Chung đạt giải nhì cấp tỉnh môn Lịch sử, năm lớp 12 đạt giải 3 cấp tỉnh môn Sử... Tại kỳ thi tuyển sinh năm 2011, Chung trở thành sinh viên của ngành công tác xã hội, ĐH Khoa học Huế trong niềm tự hào của gia đình và bạn bè.
Với những thành tích ấn tượng đó, Nguyễn Văn Chung cùng với 60 tân sinh viên các tỉnh Bắc Trung Bộ được nhận học bổng "Tiếp sức đến trường". Tại buổi giao lưu ở Nghệ An khi đi nhận học bổng, Nguyễn Văn Chung đã khiến cả hội trường rơi nước mắt khi kể về cuộc đời mình.
"Quê em nghèo lắm, bố làm nông nghiệp, mẹ phải làm thêm phụ hồ nhưng đêm nào cũng chong đèn đọc bài để em chép bằng chữ braille. Nhà nghèo không có tiền mua giấy chuyên dụng để viết chữ nổi nên hằng ngày sau buổi phụ hồ, mẹ lại đi hết các quán photo để xin giấy A4 rồi về nhà xay cơm nguội làm hồ keo, quét lên giấy cho em viết. Nhiều hôm em thức dậy sớm học bài thì mẹ vẫn đang hì hục dán keo, những khi đó em chỉ biết ôm mẹ mà khóc", Chung tâm sự.
ngày ngày mẹ của Chung vẫn miệt mài xin giấy, dán keo và gửi vào cho con trai ở Huế.
Trong câu chuyện của mình, Nguyễn Văn Chung còn khiến mọi người xúc động về một tình bạn đẹp từ thuở
thiếu thời. Khi còn học lớp 1-2, Chung đã bị các bạn xa lánh vì "không muốn chơi với bạn Chung mù mắt", cậu cứ lầm lũi như một cái bóng trong lớp học. Những lúc ấy chỉ có cậu bạn cùng lớp Võ Xuân Lĩnh động viên, giúp đỡ Chung.
Nhà Lĩnh cách nhà Chung khoảng 2 km nhưng bất kể mưa nắng, Lĩnh đều đặn đưa Chung đi học. "Nhiều hôm trời mưa, chỉ có một chiếc áo mưa nhưng Lĩnh luôn bắt Chung phải mặc. Chung không muốn bạn mình bị ướt nên cả hai che chung và đều đều ướt. Sách vở lấm lem nhưng trong suốt 12 năm qua Lĩnh chưa bao giờ bỏ cuộc", Chung kể một cách đầy tự hào về người bạn.
Cuối năm học lớp 12, khi làm hồ sơ dự thi đại học, Lĩnh quyết tâm vào ĐH Y Huế để được chăm sóc, giúp đỡ bạn. Nhưng khi Chung đạt ước nguyện trở thành sinh viên ĐH Khoa học Huế thì Lĩnh lại không đậu ĐH Y Huế. Khi có giấy báo trúng tuyển khối A của ĐH Giao thông vận tải, Lĩnh chần chừ không muốn nhập học vì muốn vào Huế ôn lại khối B để vừa chăm sóc bạn.
Đôi bạn Chung - Lĩnh đã sát cánh cùng nhau trong suốt 12 năm học. Lĩnh cho biết, dù đã trở thành sinh viên của ĐH Giao thông vận tải nhưng cậu vẫn đang vừa học vừa ôn lại để sang năm thi vào ĐH Y Huế với mong muốn được chăm sóc, giúp đỡ người bạn của mình.
“Dù cuộc đời không cho em đôi mắt sáng nhưng lại cho em một người bạn thân, một người tri kỷ đã không quản nắng mưa đưa em đi học từ nhỏ đến lớn, người lo lắng cho em hơn cả bản thân và trở thành đôi mắt thứ hai trong cuộc đời em", Chung tâm sự.
Học giỏi các môn tự nhiên, yêu thích lịch sử, Nguyễn Văn Chung còn có đam mê đặc biệt với văn học, thơ ca. Sau những buổi đến trường, Chung lại làm thơ. Những cảm nhận về con người về cảnh vật thiên nhiên về những âm thanh trong trẻo cuộc sống cứ hiện ra một cách mộc mạc, chân thành trong vần thơ của chàng trai khiếm thị. Trong buổi nhận học bổng tiếp sức đến trường, cả hội trường đã nín lặng vì xúc động khi nghe Chung đọc thơ. Nói về ước mơ của mình, chàng trai khiếm thị thành thật rằng đến giờ phút này, cậu không muốn có được đôi mắt sáng như các bạn nữa bởi điều này là không thể. "Dù sao em cũng đã quen với bóng tối. Từ trong bóng tối em đã tìm ra ánh sáng. Ước mơ lớn nhất của em là trở thành một người có thể giúp đỡ được nhiều người. Đây cũng là lý do mà em lựa chọn ngành công tác xã
hội", Chung cho biết.
Trước khi nhận được học bổng "Tiếp sức đến trường", Nguyễn Văn Chung đã vinh dự được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm và tặng 2 bộ sách giáo khoa chữ nổi cùng chiếc xe đạp để đến trường.
Hà Nguyên Khoa Một tấm gương về lòng tự trọng