(năm Dân Quốc 20 - 1931 – đính kèm nguyên văn thư hỏi)
Trước kia con đọc bài văn “kính tiếc giấy chữ” [của lão pháp sư], văn từ, nghĩa lý chánh xác, quả thật là phương thuốc mầu nhiệm để cứu chữa thói tệ đương thời. Theo như trong bài Công Quá Cách của Văn Đế (Văn Xương Đế Quân) có nói: “Dùng giấy có chữ bọc kinh, lót mõ, [phạm] năm mươi lỗi”. Trước kia, con gởi thư hỏi tiên sinh Nhiếp Vân Đài: “Nếu dùng giấy báo để tập luyện thư pháp, viết xong đốt đi, có mắc tội khinh nhờn hay chăng? Có nên dùng để bọc kinh điển hay không?” Tiên sinh lại dạy rằng: “Bỉ nhân cũng không tránh khỏi, nhưng cũng chẳng dám nói lời quyết đoán, xin hãy hỏi bậc cao tăng đại đức” v.v… Lại nữa, trước kia, cư sĩ Phạm Cổ Nông đã đáp lời hỏi của bỉ nhân như sau: “Kính tiếc giấy chữ thì dường như là đối với những văn tự trong báo chí, phải phân biệt xem có phải là kinh truyện của thánh hiền, có đáng để tôn trọng hay không v.v…” Những thứ giấy có chữ thông thường dùng để bao kinh sách, tập luyện thư pháp có được hay chăng? Kính xin lão pháp sư quyết đoán một lời.
Ngoài ra, trong bài Công Quá Cách của Văn Xương Đế Quân có nói: “Đưa con đi xuất gia phạm năm mươi lỗi”, nhưng kinh Phật cực lực tán dương công đức xuất gia thù thắng. Do Văn Xương Đế Quân quy y, tin tưởng Tam Bảo, từng được Phật thọ ký, sao lại nói lời ấy rất mâu thuẫn với ý chỉ trong kinh như thế, cũng rất mong cầu lão pháp sư phán định.
Dùng giấy có chữ để bọc kinh hay lót mõ chẳng những là khinh nhờn giấy có chữ mà còn là khinh nhờn kinh điển, khinh nhờn đạo tràng!
Ông là người đọc sách mà còn phải hỏi người khác chuyện này mấy lần ư? Dùng giấy báo để luyện viết chữ cũng không phải là không được, nhưng chớ nên viết bừa xóa loạn. Viết bừa xóa loạn sẽ trở thành thiếu ý thành kính. Ông Cổ Nông nói xét theo giá trị của chữ viết trên báo cũng gần hợp lẽ, nhưng ai dùng cái tâm ấy? Kinh truyện của thánh hiền đâu có chữ nào đặc biệt không dùng đến những chữ thông thường! Công Quá Cách nói “đưa con em đi xuất gia mắc lỗi” là nhằm ngăn ngừa thói tệ
“kẻ ác do ác tâm ruồng bỏ con em mà vẫn muốn được tiếng tốt”, chứ không phải là chuyện cha - con, anh - em cùng phát Bồ Đề tâm đưa nhau đi xuất gia mà cũng bị tội. Tri kiến của ông hạn hẹp, chẳng hiểu biết viên dung, nên mỗi chuyện trong thế gian đều phải hỏi người khác nhiều lượt mà vẫn chẳng thể giải quyết được! Vì sao vậy? Do có Ngã Chấp. Tuy người khác đã giải mối nghi này cho ông, ông lại do lời giải thích mà sanh nghi, Ngã Chấp chẳng bỏ thì làm sao theo lời người ta cho được? Mấy câu nói ấy người hiểu rõ lý cố nhiên chẳng cần phải bận lòng suy tính, vì vốn đã tự hiểu rõ rồi. Nếu ông dùng tâm tư ấy để học Phật pháp thì suốt đời cũng chẳng thể vượt ra lối mòn tình tưởng phân biệt được!