1969
2.1.1. Đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng đường lối đối ngoại chống Mỹ cứu nước 1965 - 1969
Một tháng sau khi tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, ngày 8-3-1965, đơn vị lính thủy đánh bộ đầu tiên của Mỹ đã đổ bộ vào Đà Nẵng, Chu Lai, mở đầu việc đưa ồ ạt quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu vào miền Nam Việt Nam, trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược chống lại nhân dân Việt Nam. Như vậy là đế quốc Mỹ đã ngoan cố và liều lĩnh thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” để xâm lược miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Đây là bước leo thang chiến tranh cực kỳ nghiêm trọng của Mỹ và là thử thách to lớn đối với dân tộc Việt Nam.
Ngay từ đầu, Mỹ đã nhầm tưởng rằng chỉ cần một lực lượng có mức độ, cũng có thể “nuốt chửng” được miền Nam Việt Nam. Điều đó được chính các học giả người Mỹ, có người đã từng tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam, như Ph.Đavítsơn, nhà nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam tiết lộ: “Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam với ý nghĩa rằng với lực lượng tối thiểu thêm vào, sẽ buộc Bắc Việt Nam phải chấm dứt xâm nhập miền Nam. Chúng ta đã đánh giá quá thấp thái độ kiên quyết của Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị của ông ta trong việc thống nhất Việt Nam dưới chế độ cộng sản”[48, tr. 186].
Thật vậy, tiến hành mở rộng chiến tranh trên cả hai miền Nam-Bắc của Việt Nam, Johnson và Bộ tham mưu của Nhà Trắng đã phạm sai lầm khi đánh giá về tình hình Việt Nam và Đông Dương trong tương quan so sánh lực lượng với Mỹ, cũng như mối quan hệ quốc tế giữa Đông Dương với các lực lượng yêu chuộng hòa bình tiến bộ trên thế giới.
Chủ động nắm bắt những diễn biến về tình hình thế giới, khi Johnson cùng với bộ máy chiến tranh của nước Mỹ tưởng chừng sức ép “đẩy Bắc Việt Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” của họ có thể làm cho nhân dân Việt Nam chùn bước, thì ngày 7-4-
1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đó là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước trong giờ phút quyết định này. Với tinh thần này, nhân dân miền Bắc chẳng những nâng tầm cuộc đấu tranh trở thành trận địa trực tiếp chôn vùi quân Mỹ mà còn đảm nhận tốt vai trò hậu phương lớn đối với miền Nam và Đông Dương.
Trên chiến trường chính ở miền Nam, quân giải phóng liên tục mở các chiến dịch tiêu diệt với quy mô ngày càng lớn vào quân Mỹ và chư hầu. Bắt đầu từ trận Núi Thành (Đà Nẵng), các chiến sỹ quân giải phóng đã khẳng định được “một ta có thể thắng một Mỹ”, đến các trận tập kích Plâycu (7-2-1965), trận Vạn Tường- Quảng Ngãi 18-8-1965), chiến thắng Dầu Tiếng - Bầu Bàng (Thủ Dầu Một) từ 12 đến 17-11-1965, đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xyty (1967)…đặc biệt là cuộc tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968), khi quân giải phóng đánh vào các cơ quan đầu não, làm thiệt hại nặng lực lượng quân sự của địch, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, khiến “phe diều hâu Mỹ” lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Trong khi nhân dân Việt Nam hy sinh chiến đấu chống xâm lược Mỹ và đang rất cần đến sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, thì những mâu thuẫn trong nội bộ các nước XHCN lại tiếp tục bùng nổ, gây ra tình thế rất bất lợi đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt lo ngại là sự bất đồng ngày càng sâu sắc của hai đồng minh chiến lược Liên Xô và Trung Quốc. Chiến tranh biên giới Trung - Xô lần thứ 2 (3-1969) diễn ra ác liệt. Cả hai phía đều muốn lôi kéo Việt Nam để tranh thủ dư luận trong nước và thế giới. Tất nhiên quan điểm của Việt Nam đã không làm cho họ hài lòng, do đó, quan hệ Việt-Trung-Xô cũng vì thế mà có phần căng thẳng.
Cụ thể, thái độ của Liên Xô ở thời điểm này là vừa lên án Mỹ và tiếp tục viện trợ cho Việt Nam, nhưng lo ngại Việt Nam đánh lớn sẽ lôi kéo Liên Xô vào cuộc chiến tranh, ảnh hưởng đến hòa hoãn Xô-Mỹ. Vì vậy, Liên Xô tuy tiếp tục viện trợ cho cách mạng Việt Nam, nhưng lại hạn chế trang bị vũ khí tấn công chiến lược về mặt số lượng, chất lượng. Cũng do có những thỏa thuận riêng và lợi ích trong quan hệ với Mỹ, Liên Xô đã bị Mỹ lợi dụng làm trung gian thúc đẩy Việt Nam chấp nhận ngồi vào thương lượng theo điều kiện và ý đồ của Mỹ. Từ 1965 đến 1967, đã có nhiều lần Liên Xô gợi ý cho Mỹ tiếp xúc với đại diện Việt Nam như các cuộc gặp ở Marigold (7-12- 1966), ở Sunflower (2-1967), ở Glassboro (6-1967) v.v…
Trong khi đó, thái độ của Trung Quốc trước những cuộc tấn công ồ ạt của Mỹ vào Việt Nam cũng rất phức tạp.
Một mặt, Trung Quốc tuyên bố là “hậu phương vững chắc” của Việt Nam, nhưng lại nhắc Việt Nam phải “tự lực cánh sinh”. Trung Quốc nói sẽ ủng hộ Việt Nam “đánh Mỹ đến cùng”, song không muốn Việt Nam đánh lớn, khuyên miền Bắc chỉ ủng hộ chứ không nên giúp miền Nam. Thêm vào đó, cuộc “Đại cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn. Đây là vấn đề thanh trừng nội bộ của Trung Quốc, nhưng nó cũng gây không ít khó khăn cho cách mạng Việt Nam. Trước vấn đề ủng hộ ai trong số những người vốn từng là bạn chiến đấu của mình (Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình hay Mao Trạch Đông...). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo cơ quan tuyên truyền không đăng tải tin tức về “Cách mạng văn hóa”, tức là không có thái độ gì về việc này, đặt đúng vị trí sự kiện đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Mặc dù, sau này, Ban lãnh đạo Trung Quốc có trách Việt Nam “không rõ lập trường” nhưng cũng không thể gây sức ép mạnh với Việt Nam về vấn đề này. Sự thật là những người lãnh đạo Bắc Kinh muốn đòi hỏi ở Việt Nam là đứng về phía Trung Quốc chống lại Liên Xô. Nhiều lần Trung Quốc yêu cầu Đảng LĐVN phải “tỏ rõ lập trường” chống “xét lại”, và cho rằng chống Mỹ thì phải chống “xét lại” cản trở quan hệ Trung-Việt. Tuy nhiên, đòi hỏi ấy không được Việt Nam đáp ứng.
Còn về quan hệ của Trung Quốc với hai nước Lào và Campuchia, thời gian này cũng có những vấn đề gây khó khăn cho mặt trận đoàn kết ba nước Đông Dương.
Đối với Campuchia, sau những chuyến đi thăm Trung Quốc của lãnh tụ “Khơme đỏ” Pôn Pốt năm 1965 và 1967, lực lượng cách mạng của Campuchia bị chia rẽ. Chính lực lượng của Pon Pốt-Yêng Xari đối lập với Sihanúc gây khó khăn cho Việt Nam trong việc tranh thủ Sihanúc cho phép lập căn cứ hậu cần ở vùng biên giới. Tuy vậy, bằng chính sách ngoại giao độc lập, Việt Nam vẫn giữ quan hệ tốt với Chính phủ Sihanúc. Ngày 13-6-1967, hai bên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Còn ở Lào, sau chiến thắng của Liên minh Lào-Việt tại Nậm Thà (1962), cách mạng Lào ngày càng gắn bó với cách mạng Việt Nam. Mặc dù có nhiều thế lực quốc tế cố tình chia rẽ, nhưng bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng Pathét Lào vẫn luôn đoàn kết, sát cánh chiến đấu bảo vệ hành lang phía Tây của miền Bắc và giữ vững giao thông trên con đường vận tải chiến lược Tây Trường Sơn.
Ngoài những tác động bởi các mối quan hệ chính, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đã đề cập trên đây, còn nhiều quốc gia, nhiều tổ chức chính trị trên thế giới đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và sự đồng tình ủng hộ nhân dân Việt Nam trước hành động xâm lược của Mỹ. Đáng chú ý là
trong đó có cả những đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ như Pháp, Anh, Canađa, Italia, Thụy Điển, NaUy...Đó là một trong những nhân tố thuận lợi để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng LĐVN mở “mặt trận thứ ba”: tấn công trên mặt trận ngoại giao, kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trong hai ngày 12 và 13-3-1965, dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch, BCTTƯ Đảng LĐVN đã tổ chức Hội nghị đánh giá về tình hình trong nước cũng như quốc tế, nhận định về âm mưu của Mỹ và kế hoạch đối phó của cách mạng miền Nam. Với những đánh giá xác đáng về tình hình trong nước cũng như quốc tế, Người chỉ rõ cần nghĩ trước đến việc vận động mở lại Hội nghị Genéve để tranh thủ dư luận, đồng thời nên tổ chức các hoạt động tuyên truyền chống chiến tranh ở nhiều nước, nhiều tổ chức khác trên thế giới. Phải thấy trong quá trình tiến hành chiến tranh chống Mỹ, “hoạt động đoàn kết quốc tế phải được đẩy mạnh phục vụ chiến tranh”[26, tr. 21]. Cũng ngay từ Hội nghị này, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy cuộc chiến tranh sẽ rất tàn khốc, do đó, tư tưởng chỉ đạo của Người là: “Lúc nào nó (tức đế quốc Mỹ) muốn đi ra, thì tạo điều kiện cho nó ra đi, đừng làm nhục nó” [26, tr. 21]. Tư tưởng đó đã được Người vận dụng trong suốt cuộc chiến tranh. Sau này, trong lần tiếp GS George La Pira, phái viên của Chính phủ Italia và là trung gian vận động đàm phán Việt Nam và Mỹ, Người lại nói: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút lui. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ đi”[26, tr. 21]. Việc dự tính trước sự cần thiết phải tìm cho Mỹ một lối thoát danh dự đã cho thấy thiện chí của Hồ Chủ tịch cũng như nhân dân Việt Nam, đồng thời chứng tỏ sự phán đoán tài tình của Người về kết cục tất yếu của cuộc chiến mà Mỹ đang tiến hành.
Ngày 25-3-1965, Hội nghị BCHTƯ lần thứ 11 (khóa III) được triệu tập nhằm thảo luận về phương hướng chiến lược mà Hội nghị BCT đã vạch ra, đồng thời xác định những nhiệm vụ “cấp bách trước mắt” của Đảng trước tình hình nghiêm trọng của đất nước. Là người chủ trì Hội nghị lần này, ngoài nêu các vấn đề thảo luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh việc hạn chế phạm vi cuộc “chiến tranh cục bộ”, không được lan ra ngoài miền Bắc. Về nguyên tắc và phương châm ngoại giao, Người chỉ rõ: “Ta phải rất cứng và mềm dẻo, nếu biệt phái thì rất nguy hiểm”[32, tr. 32]. Người tiếp tục đề cập đến khả năng “vừa đánh, vừa đàm” mà Người đã đưa ra ở Hội nghị BCT (12-3-1965). Sau ba ngày thảo luận, Hội nghị hoàn toàn nhất trí với chủ trương: “Đẩy mạnh công tác ngoại giao cho phù hợp với tình hình mới”[33, tr. 293]. Trên cơ sở kết hợp đấu tranh chính trị-quân sự với ngoại giao mà “tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ
ngày càng mạnh mẽ và đầy đủ hơn của phe ta và của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta ở miền Nam”[33, tr. 213]. Hội nghị nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền: “Chống tư tưởng sợ Mỹ…tư tưởng đàm phán khi có điều kiện chưa lợi, muốn kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào, tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài, không tin tưởng vào sức mình”[33, tr. 231]. Trong kết luận và đánh giá về kết quả Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Hội nghị BCHTƯ lần thứ 11 này đã căn bản vạch ra “phương hướng đấu tranh ngoại giao” nhằm đặt một số yêu cầu “phù hợp với tình hình mới”. Tuy nhiên, đường lối cụ thể về đấu tranh ngoại giao phải chờ đến Hội nghị Trung ương lần thứ 12, mới hình thành rõ nét và toàn diện.
Khoảng thời gian từ Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đến Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (từ tháng 3-1965 đến tháng 12-1965), Việt Nam đã đưa ra hai văn bản pháp lý ngoại giao quan trọng đó là Tuyên bố 5 điểm của MTDTGPMNVN (22-3-1965), và
Lập trường 4 điểm của Chính phủ nước VNDCCH (8-4-1965). Với quan điểm chỉ đạo
của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hội nghị BCTTƯĐ ngày 3-1-1965, “Người đề nghị nội dung của các bản Tuyên bố phải nêu được những quan điểm chủ yếu của Chính phủ ta về vấn đề hòa bình, lời lẽ phải sắc sảo” [83, tr. 349].
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Người, nội dung trong bản Tuyên bố 5 điểm của MTDTGP “một lần nữa trịnh trọng tuyên bố lập trường sắt đá kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước sau như một của mình”. Dựa trên cơ sở pháp lý được quốc tế thừa nhận là Hiệp định Giơnevơ, MTDTGP tuyên bố trước nhân dân thế giới sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa, đòi quyền được giải phóng và quyền dân tộc cơ bản, khẳng định mục tiêu của nhân dân miền Nam là “độc lập, dân chủ, hòa bình và trung lập”. Điều này đã đồng thời làm yên lòng các nước trong khu vực và làm tiêu tan nỗi lo sợ sẽ bùng nổ chiến tranh lớn do xung đột hai phe. Nhân đây bản tuyên bố nêu rõ rằng, nhân dân miền Nam “luôn dựa vào sức mạnh và khả năng của bản thân mình là chính”, song cũng “sẵn sàng tiếp nhận” sự giúp đỡ về tinh thần, vật chất của tất cả các nước, các tổ chức quốc tế; và sẽ kêu gọi nhân dân các nước gửi thanh niên và quân nhân đến sát cánh cùng nhân dân Việt Nam tiêu diệt kẻ thù chung”, nếu Mỹ tiếp tục mở rộng chiến tranh [145, tr. 114]. Về việc Mặt trận DTGPMNVN lên tiếng về đấu tranh ngoại giao, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ thêm phải chờ điều kiện chín muồi cũng như “ăn cơm phải chờ cơm chín mới ăn” [83, tr. 366]. Có thể thấy, đây là bước đi đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng LĐVN đã chỉ đạo trong vấn đề thương lượng,
nhằm định hướng lâu dài dư luận thế giới về những điều kiện và giải pháp để giải quyết cuộc chiến Việt Nam bằng con đường hòa bình.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao và cụ thể hóa những phương hướng đã đưa ra (trong Hội nghị TƯ 11), từ ngày 21 đến 27-12-1965, BCHTƯ Đảng LĐVN (khóa III) đã tiến hành họp Hội nghị lần thứ 12 dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi thống nhất đánh giá về những tác động quốc tế đến cuộc chiến tranh chống xâm lược của nhân dân Việt Nam, Hội nghị Trung ương 12 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đi tới quyết nghị: “Công tác ngoại giao của ta lúc này chủ yếu là nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ mạnh mẽ hơn nữa của phe XHCN và nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân cả nước ta” [33, tr. 32]. Để hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu đó, Đảng đưa ra phương án “ra sức phấn đấu để mở rộng và tăng cường mặt trận nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ xâm lược và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam”…“Mặt trận đó phải tập hợp được tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới và lấy các nước trong phe XHCN làm chỗ dựa vững chắc”. Hội nghị nhất trí nhận định rằng, việc mở rộng mặt trận nhân dân thế giới “là vấn đề có tầm quan trọng rất lớn” đối với cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam chống xâm lược Mỹ. Do vậy: “Đi đôi với đấu tranh quân sự, chúng ta cần đẩy mạnh đấu tranh chính trị và ngoại giao, góp phần củng cố sự đoàn kết của phe XHCN, luôn luôn giữ thế chủ động, nắm vững và nêu cao ngọn cờ độc lập và hòa bình”[33, tr. 24]. Như thế là vấn đề xây dựng mặt trận nhân dân thế giới theo sách lược về thực hiện đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề nổi bật trong nội dung của Hội nghị lần này, đây cũng là vấn đề mới lần đầu tiên được ghi vào văn bản chính thức của