Khách du lịch và nhu cầu du lịch

Một phần của tài liệu Luận văn (Trang 29 - 33)

1.1.3.1. Khái niệm và phân loại khách du lịch

Cùng với quá trình phát triển hoạt động du lịch trên thế giới thì khái niệm khách du lịch cũng được xuất hiện từ khá sớm. Đến nay, nhiều nhà nghiên cứu và tổ chức du lịch đã đưa ra nhiều định nghĩa cũng như cách phân loại khách du lịch. Sau đây là một số định nghĩa và cách phân loại khách du lịch có thể được xem là phổ biến hiện nay.

Khách du lịch

Khái niệm khách theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học (2005) có nghĩa là “người từ nơi khác đến với tính cách xã giao, trong quan hệ với người đón tiếp, tiếp nhận” [28, tr. 489]. Như vậy, khái niệm khách du lịch cần được nhìn nhận từ phía đón tiếp phục vụ chứ không phải từ nơi đi như một số định nghĩa trước kia.

Theo UNWTO, khách du lịch là những người có các đặc trưng như: Là người đi khỏi nơi cư trú của mình; Không theo đuổi mục đích kinh tế; Đi khỏi nơi cư trú từ 24 giờ trở lên; Khoảng cách tối thiểu từ nhà đến điểm tùy theo quan niệm của từng nước.

Mặc dù có các định nghĩa riêng về khách du lịch, song điểm chung nhất trong cách hiểu khái niệm về khách du lịch ở nhiều quốc gia là:

“Khách du lịch là những người rời khỏi nơi cư trú thường xuyên của mình đến một nơi nào đó, quay trở lại với những mục đích khác nhau, loại trừ mục đích làm công và nhận thù lao ở nơi đến; có thời gian lưu lại ở nơi đến 24 giờ trở lên (hoặc có sử dụng dịch vụ lưu trú qua đêm) không quá thời gian một năm.[11, tr.8] Theo điều 4, Luật Du lịch Việt Nam (2005) thì: “Khách du lịch là người đidu lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến.” [26, tr.90]

Khách du lịch quốc tế (International tourist)

Khách du lịch quốc tế là khách du lịch mà điểm xuất phát và điểm đến du lịch thuộc phạm vi lãnh thổ của hai hay nhiều quốc gia.

Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005): “Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch.” [26, tr. 111]

Từ đó, khách quốc tế được phân thành 2 loại:

Khách du lịch quốc tế đi vào (Inbound tourist): Là người nước ngoài và công dân của một quốc gia nào đó định cư ở nước khác vào quốc gia đó du lịch. Ví dụ như người Anh, người Nga, Việt kiều Mỹ vào Việt Nam du lịch.

Khách du lịch quốc tế đi ra (Outbound tourist): Là công dân của một quốc gia và người nước ngoài đang cư trú tại quốc gia đó ra nước ngoài du lịch. Ví dụ như người Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam đi du lịch đến các nước khác (Thái Lan, Singapore, Nhật Bản,…).

Khách du lịch nội địa (Domestic tourist)

Khách du lịch nội địa được phân biệt với khách du lịch quốc tế ở chỗ nơi đến của họ cũng chính là đất nước mà họ cư trú thường xuyên. Khách du lịch nội địa cũng được phân biệt với những người lữ hành trong nước ở mục đích chuyến đi, khoảng cách chuyến đi và thời gian lưu trú (tùy theo chuẩn mực của từng quốc gia).

Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005) thì: “Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam đi du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.” [26, tr. 111]

Phân loại khách du lịch

Việc phân loại khách du lịch là hết sức cần thiết để có kế hoạch cung ứng các sản phẩm và dịch vụ du lịch phù hợp cho từng nhóm đối tượng khách.

Một số tiêu chí phổ biến sau thường được dùng để phân loại khách du lịch:

Theo mục đích chuyến đi, khách du lịch có 3 nhóm chính: khách giải trí - nghỉ ngơi, khách kinh doanh và công vụ, khách thăm thân (thăm viếng bạn bè, người thân). Trong các nhóm trên thì nhóm khách du lịch thứ nhất thường chiếm tỷ trọng cao nhất.

Theo đặc điểm kinh tế - xã hội, các tiêu chí thường được sử dụng để phân loại khách du lịch là: độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, thu nhập, tôn giáo,…

Theo phương tiện giao thông được sử dụng, khách du lịch được phân thành các nhóm: khách sử dụng ô tô, khách sử dụng máy bay, khách sử dụng tàu hỏa, khách sử dụng tàu thủy và tàu du lịch…, khách sử dụng tổng hợp nhiều loại phương tiện. Thông thường, khách du lịch được thống kê theo 3 nhóm chính là đường bộ (ô tô, tàu hỏa), đường thủy và đường hàng không.

Theo độ dài thời gian của chuyến du lịch, khách du lịch được phân thành các nhóm: khách nghỉ cuối tuần (2-3 ngày), khách đi du lịch dưới 1 tuần, khách đi du lịch dưới 1 tháng, khách đi du lịch từ 1 đến 3 tháng, khách đi du lịch trên 3 tháng

Theo loại hình cơ sở lưu trú được sử dụng, khách du lịch được phân thành các nhóm: khách lưu trú tại khách sạn, khách lưu trú tại bungalow, khách lưu trú tại motel, khách lưu trú tại khu cắm trại, khách lưu trú tại nhà dân, …

Theo hình thức tổ chức, khách du lịch được phân thành bốn nhóm: khách đi du lịch tập thể, khách đi du lịch cá nhân, khách đi du lịch theo tour trọn gói, khách đi theo tour tự do.

Theo nguồn chi phí, có ba nhóm khách du lịch: khách du lịch tự túc, khách du lịch được các tổ chức cấp kinh phí, khách du lịch theo các chương trình khen thưởng.

Theo mức chi tiêu, khách du lịch được phân thành hai nhóm: khách du lịch hạng sang và khách du lịch phổ thông.

Theo nội dung hoạt động, khách du lịch được phân thành các nhóm: khách du lịch tham quan, khách du lịch hội nghị, khách du lịch nghỉ dưỡng, khách du lịch nghiên cứu, khách du lịch thể thao, khách du lịch thám hiểm, khách du lịch giao lưu văn hóa, khách du lịch tôn giáo, khách du lịch kết hợp,…

1.1.3.2. Khái niệm, đặc điểm và các nhân tố quyết định nhu cầu du lịch

Khái niệm nhu cầu du lịch

Theo Giáo trình Tổng quan du lịch thì: “Nhu cầu du lịch là sự mong muốn của con người đi đến một nơi khác với nơi ở thường xuyên của mình để có được những xúc cảm mới, trải nghiệm mới, hiểu biết mới, để phát triển các mối quan hệ xã hội, phục hồi sức khỏe, tạo sự thoải mái dễ chịu về tinh thần.” [11, tr.105]

Về cơ bản, nhu cầu du lịch được phân thành 3 nhóm:

- Nhu cầu thực tế là nhu cầu được thỏa mãn, được thực hiện trong thực tế. Nó được thể hiện qua số lượng khách đi du lịch và sử dụng các sản phẩm cũng như dịch vụ du lịch trong một khoảng thời gian nào đó.

- Nhu cầu bị kiềm chế là nhu cầu của một bộ phận dân cư muốn đi du lịch nhưng không thực hiện được vì lý do chủ quan (thu nhập thấp, không có thời gian rỗi,…) hay khách quan (thời tiết xấu, điểm điến không an toàn, cơ chế chính sách không thuận lợi cho việc đi du lịch,..)

- Nhu cầu không xuất hiện gồm những người có đủ các điều kiện thực hiện chuyến du lịch nhưng không có mong muốn đi du lịch và những người trong suốt cuộc đời không thể đi du lịch vì lý do hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, lối sống, văn hóa,…

Cũng cần chú ý đến sự khác nhau cơ bản giữa nhu cầu du lịch và nhu cầu của khách du lịch. Nhu cầu du lịch không phải là nhu cầu cơ bản và chỉ được thỏa mãn trong những điều kiện nhất định về kinh tế, kỹ thuật, xã hội,... còn nhu cầu của khách du lịch là những mong muốn cụ thể trong một chuyến du lịch cụ thể. Nó bao gồm: Nhu cầu thiết yếu (vận chuyển, lưu trú, ăn uống); Nhu cầu đặc trưng (mục đích chính của chuyến đi như nghỉ dưỡng, giải trí, tham quan,…); Nhu cầu bổ sung (phát sinh trong chuyến đi như tư vấn, mua sắm,...)

Các đặc điểm của nhu cầu du lịch

Thứ nhất, nhu cầu du lịch trong nước cao hơn nhiều lần so với nhu cầu du lịch quốc tế. Một thực tế dễ nhận thấy trên thế giới là số lượng các nước chưa phát triển và đang phát triển cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Hơn nữa, trong nhiều quốc gia, tỷ lệ người nghèo luôn cao hơn người giàu. Chính điều này đã dẫn đến một thực trạng là khoản tiền chi cho nhu cầu du lịch, đặc biệt là du lịch ra nước ngoài còn hạn chế. Theo thống kê của UNWTO, số lượt khách du lịch trong nước chiếm khoảng 80% tổng số lượt khách du lịch.

Thứ hai, trong phạm vi du lịch quốc tế, nhu cầu du lịch liên vùng chiếm đa số. Đa số du khách sử dụng các phương tiện vận chuyển đường bộ khi thực hiện các chuyến du lịch. Các số liệu của UNWTO chỉ ra rằng 2/3 nhu cầu du lịch quốc tế là những chuyến đi giữa các nước trong cùng một lục địa, điển hình là châu Âu và Bắc Mỹ. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, khách du lịch quốc tế ở các khu vực và châu lục khác chỉ chiếm khoảng trên dưới 6%, trong khi khách du lịch đến khu vực này từ chính các nước Đông Nam Á chiếm hơn 70%.

Thứ ba, nhu cầu du lịch đa dạng, thay đổi nhanh và biến động không đều.

Vốn không phải là nhu cầu thiết yếu của con người nên nhu cầu du lịch rất nhạy cảm với tác động của các nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường,…

Thực tế cho thấy, cầu du lịch sẽ giảm mạnh và giảm nhanh khi có khủng hoảng về kinh tế, dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai,… Khi các sự cố trên được khắc phục thì nhu cầu du lịch cũng nhanh chóng phục hồi và tiếp tục phát triển. Chính vì vậy, cung và cầu du lịch ít khi có sự ăn khớp với nhau gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh du lịch.

Thứ tư, nhu cầu du lịch có tính thời vụ. Thời vụ du lịch được hình thành dưới tác động của nhiều nhân tố, bao gồm cả nhân tố thiên nhiên, nhân tố kinh tế - xã hội, tổ chức kỹ thuật và cả nhân tố tâm lý… Nói cách khác, tính thời vụ của nhu cầu du lịch xuất hiện do tác động của các yếu tố cấu thành cung và cầu du lịch. Chẳng hạn, mùa lễ hội miền Bắc Việt Nam diễn ra vào mùa xuân đã tác động đến tâm lý của nhiều người dân, góp phần làm nảy sinh và gia tăng nhu cầu du lịch vào thời gian này nhiều hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Các nhân tố quyết định nhu cầu du lịch

Nhu cầu du lịch được quyết định bởi 3 nhóm nhân tố chủ yếu:

- Nhóm các nhân tố về mức sống và phong cách sống, bao gồm: thu nhập và việc làm, thời gian nhàn rỗi, trình độ văn hóa và tính linh hoạt của mỗi cá nhân.

- Nhóm các nhân tố về số lượng dân cư, cơ cấu dân cư theo độ tuổi, chu kỳ sống của con người (tuổi thọ).

- Nhóm điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và khả năng đón tiếp của điểm đến du lịch, bao gồm: giá cả dịch vụ du lịch, tỷ giá hối đoái, điều kiện về cơ sở hạ tầng, CSVCKT du lịch, môi trường chính trị, xã hội và chính sách của Chính phủ.

Một phần của tài liệu Luận văn (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(154 trang)
w