- Năng lực và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng còn yếu kém.
Cán bộ tín dụng là người trực tiếp tìm kiếm và gặp mặt khách hàng, nếu cán bộ tín dụng yếu kém trong phân tích dự báo, phân tích tài chính, khả năng nhân dạng các khoản vay rủi ro cao thì sẽ dẫn đến việc ra quyết định cho vay mang cảm tính, bên cạnh đó việc thẩm định dự án vay vốn và khả năng trả nợ của khách hàng cũng như trực tiếp kiểm tra khách hàng, tài sản thế chấp, giám sát giải ngân, kiểm tra sử dụng
vốn vay các quá trình này thường dễ xảy ra sai sót hoặc cố ý gây sai phạm do đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng, ngoài ra việc nhận hối lộ từ khách hàng để nâng giá trị khoản vay hoặc giá trị tài sản đảm bảo trong quá trình thẩm định cho vay thực sự gây ra những hậu quả nặng nề về sau ở giai đoạn thực tế hiện nay.
Ngân hàng bố trí cán bộ tín dụng thiếu đạo đức hoặc hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sau khi cho vay thiếu giám sát và quản lý khoản vay, chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của ngân hàng không tốt, việc chia sẻ thông tin giữa khách hàng vay với các ngân hàng còn lỏng lẻo (Phan Thị Thu Hà, 2009).
- Các chính sách, quy trình cấp tín dụng và mô hình quản trị rủi ro còn chưa phù hợp và chặt chẽ.
Hiện nay quy trình cấp tín dụng của các ngân hàng đã dần đi vào từng bước hoàn thiện hơn, nhưng vẫn có tình trạng chỉ một bộ phận hay thậm chí cá nhân đảm nhận việc thẩm định toàn bộ quá trình cho vay việc tập trung vào một bộ phận hay một người là không phù hợp, sẽ gây ra quá việc quá tải thậm chí xuất hiện rủi ro về đạo đức đối với cán bộ tín dụng.
Chính sách tín dụng không hợp lí, quá đặt nặng vào mục tiêu lợi nhuận dẫn đến tăng trưởng tín dụng nóng hoặc cho vay tập trung vào những lĩnh vực có rủi ro cao. Tăng trưởng tín dụng nóng và thời điểm phát sinh nợ xấu sẽ có độ trễ thời gian, độ trễ thời gian tính từ thời điểm và thời điểm phát sinh nợ xấu tùy thuộc vào thời hạn của các khoản tín dụng (Phan Thị Thu Hà, 2009).
- Do cách phân loại nợ.
Việc phân loại từng nhóm nợ được các ngân hàng ở Việt Nam thực hiện mang tính chất cảm tính nhiều hơn việc đánh giá thực tế bằng một con số, nguyên nhân cũng bởi việc quản trị rủi ro và xếp hạng tín dụng dựa vào yếu tố con người là chủ yếu.
Nguyễn Thị Mùi (2012) đã khẳng định:Thông thường ở các nước đang phát triển, nếu nợ xấu của các ngân hàng được phân loại theo các chỉ tiêu định lượng và định tính phù hợp với thông lệ quốc tế, thì tỷ lệ này dưới 5% cũng là bình thường. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn có sự khác nhau về năng lực quản trị rủi ro và việc xếp hạng tín dụng nội bộ. Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ tại các NHTM Việt Nam hiện nay đều được xây dựng theo phương pháp chuyên gia, nghĩa là việc lựa chọn, quyết định toàn bộ các yếu tố cơ bản của hệ thống xếp hạng (bộ chỉ tiêu, trọng số của từng chỉ tiêu) hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của các chuyên gia thay vì dựa trên dữ liệu thống kê lịch sử và phân tích mô hình kinh tế lượng.
- Sự thiếu giám sát và quản lý sau khi cho vay.
Để nguồn vốn thu hồi lại được sau khi cho vay thì việc giám sát sau khi cho vay là hết sức quan trọng, việc này phải tùy thuộc vào năng lực trách nhiệm của mỗi cán dụng tín dụng, nếu không thường xuyên kiểm tra định kỳ hay đột xuất các khoản vay sẽ dễ gây ra tình trạng vốn sử dụng sai mục đích, làm cho việc thu hồi nợ sau này là rất khó khăn.
Sự nới lỏng trong quá trình giám sát trước, trong và sau khi cho vay, làm cho ngân hàng không phát hiện kịp thời dù vốn đã bị sử dụng sai mục đích (Nguyễn Đăng Dờn, 2012).
- Sự hợp tác giữa các ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ, vai trò của trung tâm tín dụng (CIC) chưa thực sự hiệu quả.
Để tìm hiểu thông tin khách hàng có nhu cầu vay vốn, việc đầu tiên của ngân hàng là liên lạc với CIC nhằm để biết lịch sử vay mượn của khách hàng đó có tốt hay không, nhằm tạo niềm tin tưởng trong khâu đầu tiên của quá trình cho vay. Mặt khác trong quản trị tài chính khả năng trả nợ của một khách hàng là một con số cụ thể, có giới hạn tối đa của nó, nếu thiếu thông tin có thể nhiều ngân hàng cùng cho vay một khách hàng, dẫn đến vượt quá giới hạn cho vay.
Hiện nay CIC thuộc NHNN Việt Nam là tổ chức duy nhất thực hiện các việc thu thập và lưu trữ thông tin các khách hàng có quan hệ tín dụng với hệ thống ngân hàng Việt nam. Nhưng thực tế các thông tin do CIC cung cấp có độ bảo mật không cao và còn thiếu rất nhiều các chỉ tiêu quan trọng liên quan đến khách hàng như lịch sử quan hệ tín dụng của khách hàng, khả năng tài chính hiện tại của khách hàng, trình độ kinh nghiệm của đội ngũ điều hành doanh nghiệp được cấp tín dụng (Trần Chí Trinh, 2012).