Có mối liên quan giữa trình độ học vấn, các giai đoạn vị thành niên với kiến thức chung về SKSS vị thành niên. Điều này cũng khá dễ hiểu là vì các em VTN đang học tiểu học thì sự hiểu biết của các em SKSS VTN chưa được đầy đủ, ở trường các em cũng chỉ được giảng dạy những vấn đề cơ bản về giới tính và tuổi
dậy thì chứ chưa được học nhiều về các vấn đề khác của SKSS như các em VTN giữa và VTN muộn. Độ tuổi của các em cũng chưa quan tâm lắm đến những vấn đề này nên các em cũng chưa thể tự tìm tòi các tài liệu để đọc. Điều này cũng thể hiện rõ trong mối liên quan với thực hành chung. Nghiên cứu của Marie Klingberg- Allin (2005), Nguyễn Ngọc Chơn (2010), Nguyễn Đình Sơn (2012) cũng cho thấy có mối liên quan giữa tuổi, trình độ học vấn với kiến thức và thực hành về sức khỏe sinh sản [6], [18], [56].
Ngoài ra còn có mối liên quan giữa tình trạng chung sống trong gia đình đến thực hành chung. Như chúng ta đã biết gia đình là môi trường xã hội đầu tiên của con người, trong đó bố mẹ là những người có ảnh hưởng sâu sắc, mạnh mẽ nhất đến sự phát triển của con cái, hầu như chỉ có bố mẹ mới quan tâm sâu sát đến những thay đổi về hành vi của con cái, đặc biệt đối với VTN nữ, vấn đề chăm sóc SKSS là vấn đề tế nhị, khó nói, chỉ có bố mẹ là người thân thiết, luôn sát cánh, theo dõi, khuyên nhủ các em và các em nữ có thể bộc lộ hết những điều riêng tư của mình với bố mẹ, nên những em có điều kiện gần gũi bố mẹ hơn thì sẽ được bố mẹ khuyên nhủ, bảo ban nhiều hơn [83]. Nghiên cứu còn cho thấy có mối liên quan giữa kiến thức với thực hành chung. Các em có kiến thức tốt thì thực hành về sức khỏe sinh sản sẽ tốt hơn.
Theo kết quả phân tích hồi qui đa biến về các yếu tố liên quan đến kiến thức chưa tốt chúng tôi nhận thấy rằng vị thành niên có trình độ học vấn là PTCS có khả năng có kiến thức về SKSS chưa tốt gấp 3,25 lần vị thành niên có trình độ học vấn là PTTH và vị thành niên có trình độ là tiểu học có khả năng có kiến thức về SKSS chưa tốt cao gấp 14,88 lần so với vị thành niên có trình độ học vấn là PTTH, vị thành niên sớm có khả năng có kiến thức về SKSS chưa tốt cao gấp 5,56 lần so với vị thành niên muộn. Đây là những kết quả mà chúng tôi cần phải lưu ý khi lập kế hoạch can thiệp cần phải chú trọng can thiệp tập trung chủ yếu hơn vào các đối tượng này. Ngoài ra dựa vào kết quả phân tích hồi qui đa biến về các yếu tố liên quan đến thực hành chưa tốt chúng tôi còn nhận thấy rằng vị thành niên sống với những người khác như ông, bà, cô, dì… có khả năng thực hành về SKSS chưa tốt
cao gấp 5,29 lần so với vị thành niên chỉ sống với mẹ bởi lẽ như chúng tôi đã nói ở trên chỉ có mẹ là người thân thiết, luôn sát cánh, theo dõi các em và các em nữ có thể bộc lộ hết những điều riêng tư của mình với mẹ, nên những em có điều kiện gần gũi mẹ hơn thì sẽ được mẹ khuyên nhủ, bảo ban nhiều hơn. Kết quả phân tích hồi qui đa biến còn cho thấy những em có kiến thức chưa tốt có khả năng thực hành về SKSS chưa tốt cao gấp 2,1 lần những em có kiến thức tốt, điều này đã bổ sung cho kết quả của chúng tôi là kiến thức chung tốt của các em chỉ đạt 14,1% trong khi thực hành chung tốt đạt 27,1%, điều này có thể lý giải rằng tuy tỷ lệ thực hành chung cao hơn so với kiến thức chung nhưng 27,1% vẫn là một con số cho thấy tỷ lệ thực hành tốt vẫn còn quá thấp cần phải tuyên truyền GDSK thêm cho các em và cũng có thể các em nhận được sự hỗ trợ từ người mẹ của mình trong thực hành về SKSS nhưng sự hiểu biết về SKSS của các em vẫn còn mơ hồ. Do đó trong công tác truyền thông GDSK cho các em chúng tôi sẽ chú trọng thêm về vấn đề cung cấp kiến thức cho các em.