Nữ giới trong văn học viết Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa ứng xử của các nhân vật nữ trong truyện nôm bác học cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX (Trang 32 - 36)

7. Đóng góp của đề tài

1.3.2.Nữ giới trong văn học viết Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX

Một điều rất dễ nhận thấy là so với thời kỳ trước, loại hình nhân vật phụ nữ giai đoạn này rất đa dạng, phong phú. Như trên đã phân tích, số lượng tác phẩm xuất hiện “nữ nhi” đã ít, mà các loại hình nhân vật cũng không phong phú, đa dạng. Nếu phân loại xã hội học, thì nhân vật nữ của các giai đoạn trước thường tập trung ở tầng lớp trên trong xã hội, là con cháu danh gia vọng tộc hoặc thê thiếp của quan lại, vua chúa, thông hiểu cầm kì thi họa. Nhiều ma nữ trong các truyện vốn là những thê thiếp của các bậc vua chúa, quan lại hoặc phú thương. Trong khi đó, ở giai đoạn này, nhân vật nữ thuộc đủ

các tầng lớp khác nhau trong xã hội. “Người phụ nữ trong giai đoạn này, có người là phụ nữ quý tộc, có người là phụ nữ bình dân, phụ nữ lao động, có người là ca nhi, kỹ nữ,… Họ hoàn toàn không phải là người phụ nữ theo cái mẫu “công dung ngôn hạnh”, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”… của lễ giáo phong kiến” [42; 77].

Nếu xét theo các kiểu loại, mô típ phản ánh trong văn học, thì bên cạnh việc vận dụng các điển tích, điển cố truyền thống, nhân vật chức năng trong truyện dân gian (cổ tíchtruyền thuyết), kiểu mẫu của Nho giáo, thì ở giai đoạn này các tác giả còn đưa vào rất nhiều những nhân vật nữ có thực trong cuộc sống hay là sự phản ánh rất gần với cuộc sống thực. Những ả đào, kỹ nữ là nhân vật thời đại nổi bật đã đi vào thơ của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du, … Nàng cung nữ hẳn không xa lạ gì với một người sống trong phủ chúa như Nguyễn Gia Thiều... Những số phận, cuộc đời đó đều gần gũi với đời sống hàng ngày, là những người phụ nữ quanh ta, lối khắc họa vẫn của các nhà thơ vẫn còn nét ước lệ tượng trưng, nhưng trong đời tư cảm xúc thì vô cùng chân thật. Điều đó khiến hình tượng người phụ nữ trong văn học giai đoạn này phong phú, đa dạng không kém phần đặc sắc, độc đáo.

Người phụ nữ ngày xưa xuất hiện trong văn học thường là những người phụ nữ đẹp. Vẻ đẹp của người phụ nữ được các tác giả chú ý khắc họa một cách toàn diện ở cả ngoại hình và nội tâm. Đó là cái đẹp từ hình thức cho đến tâm hồn, cái đẹp lay động con người từ những giá trị thực, được cảm nhận qua nhiều bình diện. Những người phụ nữ trong xã hội có thể có những hoàn cảnh sống khác nhau, thuộc những tầng lớp xã hội khác nhau nhưng phần lớn đều mang những đức tính tốt đẹp, cao quý, có nhân cách và phẩm hạnh đáng được tôn trọng. Họ nhận được những cái nhìn thiện cảm, những tình cảm trân trọng của các tác giả. Đều là đẹp nhưng mỗi người lại mang một vẻ đẹp khác nhau, mỗi thân phận có một đặc điểm ngoại hình riêng biệt. Người phụ nữ bình dân sống một cách thanh đạm, không có nhà cao cửa rộng, không có châu báu ngọc ngà mà khỏe khoắn và gắn liền với môi trường họ đang sống, gắn liền với công việc, với tự nhiên. Những người phụ nữ bình dân thường đơn giản, mộc mạc và bình dị. Mỗi một môi trường sống tạo cho người phụ nữ một vẻ đẹp bề ngoài phù hợp, không gượng gạo. Chính sự phù hợp ấy đã làm nên nét đẹp riêng của họ: - “Sơn thôn nhi nữ cái vô hoa” (Con gái làng núi mái tóc không cài hoa) (Quá sơn gia - Miên Trinh) “Tân đầu chúng

nữ cán, Chiếu kiến hồng phấn trang. Hồng trang nhập hoa lí, Hồ điệp loạn y thường”

(Đầu bến, các cô gái giặt áo, Soi thấy má hồng trang điểm của mình. Má hồng son phấn đi vào hoa, Bướm bay vờn trên xiêm áo) (Nam hồ - Miên Trinh). Trong tác phẩm Bánh

trôi nước của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, hiện lên hình ảnh người con gái "vừa trắng lại vừa tròn", một người mang vẻ bề ngoài đầy đặn, tròn trịa. Từ những cô gái quê chân chất

đến tiểu thư đài các con của viên ngoại "gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung" đều mang vẻ đẹp thật đáng yêu, đáng quý. Như Thúy Vân và Thúy Kiều trong tác phẩm lớn của đại thi hào Nguyễn Du "Truyện Kiều", là hai tiểu thư cành vàng lá ngọc, thông minh xinh đẹp "mai cốt cách, tuyết tinh thần'. Tuy mỗi người một vẻ nhưng ai cũng vô cùng xinh đẹp, dáng vẻ thanh thoát, yêu kiều như nhành mai, còn tâm hồn lại trắng trong như băng tuyết, thanh cao, kiều diễm và quý phái... Tuy nhiên, sắc đẹp của đa số nhân vật nữ trong văn học giai đoạn này thường gắn liền với một phần phẩm chất không thể thiếu được, đó là tài. Ở họ, sắc và tài tạo thành một cặp đặc điểm không tách rời nhau. Theo quan niệm của các tác giả văn học trung đại, tài gồm bốn mặt sau đây: cầm (đàn), kì (cờ), thi (thơ), hoạ (vẽ), nghĩa là: có tài đánh đàn, chơi cờ, làm thơ và vẽ, đặc biệt với Thúy Kiều đó còn là tài soạn nhạc “ khúc nhà tay lựa nên xoang/ Một thiên bạc mệnh

lại càng não nhân”. Có thể coi Thuý Kiều của Nguyễn Du là nhân vật tiêu biểu cho

phẩm chất nói trên. Tiếng đàn của nàng làm cho Kim Trọng phải “ngơ ngẩn sầu”, làm cho Thúc Sinh “cũng tan nát lòng” và làm cho Hồ Tôn Hiến “nhăn mày, rơi châu”. Tài làm thơ của Kiều nhanh đến khó mà tưởng tượng nổi:

“Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm. …Tay tiên gió táp mưa sa…”

Thơ của Kiều có thể cảm thông được quỷ thần, khiến hồn ma Đạm Tiên phải hiện lên, khiến viên quan phủ “mặt sắt đen sì” phải rủ lòng thương, không những chỉ tha cho Kiều mà còn đứng ra làm lễ tác hợp cho nàng được lấy Thúc Sinh.

Những người phụ nữ đẹp là thế, vậy mà đáng tiếc thay họ lại sống trong một xã hội phong kiến thối nát với bộ máy quan lại mục ruỗng, chế độ trọng nam khinh nữ vùi dập số phận họ. Càng xinh đẹp họ lại càng đau khổ, lại càng phải chịu nhiều sự chén ép, bất công. Như một quy luật khắc nghiệt của thời bấy giờ "hồng nhan bạc phận".Với đầy đủ những vẻ đẹp đó, đáng lẽ ra, người phụ nữ phải được sống một cuộc sống hạnh phúc

trọn vẹn nhưng ở giai đoạn này, cả nước Việt chìm trong những ràng buộc, lễ giáo khắc nghiệt tối tăm. Và vô hình chung, số phận của người phụ nữ cũng không thể nào vượt ra khỏi ranh giới của hoàn cảnh xã hội. Những người phụ nữ trong xã hội phong kiến thường không được làm chủ cuộc đời mình, không được sống theo cách mình mong muốn mà luôn bị sự chi phối của hàng loạt những quy tắc, chuẩn mực đạo đức được áp đặt ăn sâu bám rễ trong nhận thức của con người thời đại ấy. Xã hội phong kiến luôn yêu cầu rất nhiều ở người phụ nữ nhưng lại chẳng cho người phụ nữ một thứ quyền lợi nào xứng đáng với những yêu cầu ấy. Hoàn cảnh chung của một tỉ lệ lớn phụ nữ trong thời phong kiến là không được xem trọng, không có chỗ đứng xã hội (có rất ít phụ nữ được đi học và dẫu có đi học cũng không thể tham gia thi cử, đỗ đạt làm quan) và tiếng nói của họ cũng không thực sự có giá trị trong cả gia đình lẫn ngoài xã hội. Dưới chế độ phong kiến, mọi thế lực xã hội, kể cả gia đình, đều có thể chà đạp lên thân phận người phụ nữ. Đứng đầu các thế lực xã hội thời bấy giờ là vua chúa. Để phục vụ cho việc ăn chơi truỵ lạc, bọn chúng đã kén hàng trăm cô gái trẻ trung, xinh đẹp vào cung làm phi tần.

Đó là những người cung nữ xinh đẹp, tài hoa, khát khao hạnh phúc thì bị nhà vua bỏ rơi, sống cô đơn, mòn mỏi, lạnh lẽo nơi cung cấm, chôn vùi tuổi thanh xuân trong cung điện thâm u trong Cung oán ngâm khúc ( Nguyễn Gia Thiều). Đó là những người phụ nữ chỉ có một khát vọng rất bình thường là được chung sống cùng với người chồng thân yêu, song lại rơi vào cảnh đau đớn “tử biệt sinh li”, đằng đẵng chờ đợi không biết có ngày gặp lại trong Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn). Nàng Kiều của Nguyễn Du xinh đẹp tài hoa là thế, nhưng lại bị dập vùi trong cảnh "Thanh lâu hai lượt, thanh y hai

lần", liên tiếp bị đầy đọa cả về thể xác lẫn tinh thần để rồi phải thốt lên (thực tế là sự

đầu hàng hoàn cảnh) rằng: "Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau

xin chừa!". Đây không chỉ là bi kịch của riêng nàng Kiều, mà còn là bi kịch chung của

những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Mặt khác văn học trung đại Việt Nam, bước đầu đã phản ánh được quan niệm về con người cá nhân trong xã hội. Nhiều nhân vật nữ trong giai đoạn này cũng thể hiện sự phản kháng, sự tố cáo xã hội cũ, nêu lên nhiều suy nghĩ, nhiều quan điểm chống đối lại quan điểm của xã hội phong kiến.

Từ thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX, trong các thể loại văn học, thơ ca cũng như văn xuôi tự sự, tác phẩm viết bằng chữ Hán cũng như viết bằng chữ Nôm,… dường như nở rộ đề tài viết về người phụ nữ và hình tượng người phụ nữ nổi bật lên với hai nét cơ bản: hiện thân của cái đẹp và hiện thân của bi kịch đau thương. Từ góc nhìn của văn học trong giai đoạn này, người phụ nữ chủ yếu được phản ánh nghiêng về số phận bất hạnh và vẫy vùng trong lời kêu oán, than thân với khát vọng được giải phóng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa ứng xử của các nhân vật nữ trong truyện nôm bác học cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX (Trang 32 - 36)