Ngôn ngữ mang màu sắc văn hóa Giáy

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ lò ngân sủn (Trang 77 - 82)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Ngôn ngữ mang màu sắc văn hóa Giáy

Quê hương, con người, văn hóa, phong tục dường như đã ăn sâu vào tâm khảm Lò Ngân Sủn, nuôi dưỡng hồn thơ ông. Chính từ cái nôi văn hóa đó, trong thơ Lò Ngân Sủn người đọc thấy một lớp ngôn từ động chạm đến trầm tích văn hóa sâu kín của đồng bào dân tộc Giáy. Đọc thơ ông, ta nhận thấy chất liệu văn hóa dân tộc rất đậm đà. Điều đó thể hiện vốn văn hóa của Lò Ngân Sủn, mặt khác cho thấy văn hóa dân tộc trở thành nguồn cảm hứng trong quá trình sáng tác của ông.

Chợ tình Khâu Vai là phiên chợ ca ngợi tình yêu đôi lứa và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng người miền núi. Khi viết về một nét đẹp văn hoá giàu chất nhân văn của dân tộc nhà thơ có sự so sánh lạ, hiếm nhà thơ nào có: “Phiên chợ/ Như cái chảo thắng cố/ Nóng lên bao mối tình dang dở” . Chợ tình Khâu Vai được hình thành từ 1919 là một truyền thuyết mang tinh huyền thoại in đậm dấu ấn bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người nói chung và dân tộc Giáy nói riêng. Mỗi năm được tổ chức một lần vào đêm hay bảy tháng ba âm lịch. Chợ tình khâu vai không chỉ phản ảnh đặc trưng sinh hoạt văn hóa của người dân vùng cao, đó là văn hóa chợ mà còn mang đậm tính nhân văn sâu sắc khi là nơi gặp gỡ và giao lưu của những đôi trai gái đã từng yêu nhau nhưng vì một lý do nào đó mà không đến được với

nhau: “Mỗi năm chỉ một lần/Mà cháy hồng cả trời đất/Mà ướt đẫm cả một đời Khau Vai!”(Khau Vai).

Chợ phiên Bắc Hà, chợ phiên Sa pa, chợ phiên Bát Xát, chợ phiên Cốc Lếu… Là những phiên chợ lớn vùng Tây Bắc, tuần họp một lần. Chợ phiên mang nhiều nét văn hóa độc đáo được nhắc đến nhiều trong thơ Lò Ngân Sủn như một sự ám ảnh kì lạ. Người xuống chợ đủ các thành phần, người già, trẻ con, trai gái bản đều nô nức: “Có những ngày chợ phiên/ Có những đêm trảy hội/ Rậm rịch tiếng ngựa buông” (Cốc Lếu - Mùa Xuân).

Trong một góc chợ rực rỡ sắc màu của những chiếc khăn đội đầu, hay váy áo của những cô gái bằng vải thổ cẩm thêu: “Đông chật như bó củi/ Tràn ngập màu thổ cẩm” (Chợ Cốc Lếu). Trong phiên chợ, vui nhất là đám thanh niên đến chợ để tìm bạn, họ thổi kèn môi, kèn Pí lè, tiếng kèn réo rắt như mời gọi bạn tình, làm say đắm lòng người:“Pí lè thổi gọi bình minh/ Kèn môi ngân giữa lung linh gọi mời”(Bắc Hà). Cũng từ phiên chợ, nhiều đôi trai gái đã bén

nhau qua điệu múa, tiếng khèn môi réo rắt để rồi mỗi phiên chợ lại trở thành nơi hò hẹn: “Đi chợ là đi hò hẹn nhau/ Gửi cho nhau lời hứa/ Trao cho nhau lời thề/ bỏ bùa mê cho nhau”(Đi chợ).

Có những bài thơ của Lò Ngân Sủn, người đọc phải hiểu ngôn ngữ Giáy, văn hóa Giáy mới hiểu hình ảnh trong bài thơ. Người Giáy gọi núi là “Po pả”,

nếu hiểu được nghĩa của từ này mới hiểu câu thơ: “Po pả/ Là người đẻ ra tôi/ Là người cha đã xốc tôi lớn dậy/”(Po pả). Trong cuộc sống của họ thầy mo, thầy then có khả năng gọi hồn người sống đang đi lạc về với thân xác, có thể cầu xin thần nhiều điều, vì thế Lò Ngân Sủn viết: “Bắt chước ông mo làm mo/Bắt chước bà then làm then”(Po pả). Trong nhiều bài thơ khác có khá nhiều ngôn từ dân tộc, đó là trầm tích văn hóa Giáy nếu không có nội lực văn hóa, không hiểu tư duy của người dân tộc thiểu số thì không hiểu hết ý nghĩa bài thơ, chẳng hạn: “Gặp nhau ca rứt gọi nhau lên đường” “Anh bèn uốn cong lưỡi làm ca rứt gọi vang” (ca rứt: tiếng mời gọi hát đối đáp nhau); “Tháng

giêng ăn bữa sâu dề” (bữa sâu dề: bữa cơm khuya); “Tháng giêng hát ống giữa đồng/ Điệu chim pán bắc cầu vồng sang nhau” (Hát ống: hát bằng hai ống nứa ngắn, được bịt một đầu bằng da thú rồi nối với nhau bằng sợi chỉ dài, bên này hát bên kia áp tai vào nghe; Điệu chim pán: điệu dân ca Giáy) ;”Hoa piếng pì nở ra từ đất đá”,”Hoa má po nở giữa đồi nương” (Hoa piếng pì; hoa ngựa núi; Hoa má po: Hoa mâm xôi, đây là những loài hoa mọc hoang dại ở núi đồi Tây Bắc). Qua phân tích, ta thấy nhiều câu thơ, hình ảnh thơ của Lò Ngân Sủn sử dụng tiếng dân tộc. Điều đó cho thấy ông rất quan tâm đến ngôn ngữ dân tộc có ý thức đưa ngôn ngữ dân tộc vào thơ ca để làm giàu tiếng dân tộc. Nhà thơ còn có tập thơ song ngữ Việt - Giáy “Đầu nguồn cuối nước”, cho thấy ông rất yêu, hiểu ngôn ngữ dân tộc mình. Chính vì thế trong sáng tác, Lò Ngân Sủn khai thác khía cạnh độc đáo trong ngôn ngữ dân tộc, đây là cách nhà thơ đã tạo được giọng điệu riêng đóng góp vào nền thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung và thơ ca dân tộc thiểu số nói riêng.

Thành ngữ, tục ngữ, những câu hát dân ca, truyện cổ, hát ví… là một bộ phận quan trọng của văn học dân gian dân tộc Giáy. Nó thể hiện đặc trưng văn hóa, tư duy của một dân tộc. Trong thơ của Lò Ngân Sủn yếu tố dân gian xuất hiện khá phổ biến. Những nguồn cảm hứng lớn trong thơ ông như thiên nhiên, con người, cuộc sống xã hội, lao động sản xuất, những kinh nghiệm sống quý báu… đều được khơi nguồn từ kho tàng dân gian.

Đã là người dân tộc Giáy, không thể không biết truyện thơ Pít chai, Phù sĩ kể về chàng trai tài giỏi, sau khi cưới vợ xong lên biên ải giữ nước, có nhiều chiến công hiển hách được tổng trấn gả con gái cho. Nhưng sau này đã từ quan cùng vợ về quê sinh sống. Truyện thơ này, là niềm tự hào của dân tộc Giáy:

Mường Va

Không có Xống trụ xôn xao, Đam San, Xinh Nhã Nhưng có pít Trai - Phù Sĩ

Một mối tình đau như đinh lắc óc, xót như muối xát ruột.

(Mường Va)

Trong thơ Lò Ngân Sủn, không ít những bài thơ lấy cảm xúc từ văn hoá, khai thác yếu tố văn hoá dân tộc, nhất là các thành ngữ, tục ngữ. Người Giáy có câu: “Ngồi thì co/ Đứng thì thẳng/ làm người thật khó”, câu thành ngữ là lời khuyên làm người phải biết thích nghi với hoàn cảnh sống, người đọc đều cảm nhận thấy bóng dáng câu nói đó trong bài thơ “làm người”:

có người đẹp ngoài mà xấu trong có người xấu ngoài mà đẹp trong có người già mà vẫn trẻ có người trẻ mà đã già có người sống mà đã chết có người chết mà vẫn sống làm người khó nhất là : Sống! (Làm người)

Tục ngữ Giáy có câu “Tay dài, ống áo ngắn” ý nói khả năng con người có hạn, Lò Ngân Sủn dùng câu tục ngữ đó để viết thành câu thơ: “Người mình áo ngắn tay mà”.Theo sự tích ra đời của các dân tộc Việt Nam, hai người còn

sống sót sau trận đại hồng thủy đã lấy nhau, sinh ra một bọc thịt, họ băm nhỏ bọc thịt rồi rắc khắp nơi, rắc lên núi cao thành người H,mông, Dao; rắc vào thung lũng thành người Việt… Cuối cùng cạo nốt mùn thớt, rắc dọc sông Hồng thì thành người Giáy, nên có câu “Giáy mùn thớt” , đây là cách nói khiêm hạ của người Giáy. Ngôn từ ấy đã vào thơ Lò Ngân Sủn nhưng ẩn chứa niềm tự hào về sự giản dị của dân tộc mình, nghe như một lời giáo huấn “Người mình - mùn thớt đấy thôi”. Người Giáy có câu: “không sợ nhà chật, chỉ sợ lòng người chật”, trên cơ sở đó, ông suy ngẫm về lòng người:

Lòng người như biển cả trời đất mênh mông

Lòng người như cái ống bơ đong bữa ăn hàng ngày Lòng người như dòng sông không đáy

Lòng người như cái máy sinh sự.

(Lòng người)

Dân ca Giáy cũng là ngữ liệu không ít lần được nhà thơ sử dụng trong thơ. Nhiều người biết đến bài thơ Người đẹp của Lò Ngân Sủn nhưng có lẽ ít người biết bài thơ được này sinh từ ý của một bài dân ca : “Ai biết tên em bằng ánh sáng/ Ai vẽ hình em bằng ánh trăng” (Dân ca Giáy). Cũng từ xúc cảm về

văn hoá dân tộc, nhà thơ có những bài thơ độc đáo, đầy bản sắc. Sự độc đáo, bản sắc có từ chính không gian sinh hoạt của đời sống đến cách nói, cách diễn đạt rất riêng của nhà thơ. Vật dụng rất quen thuộc là chiếc ghế mây cũng bước vào trong thơ ông:”Ghế mây người Giáy ta/ Khách xa đến/ Ngồi vào/ Mặt nở hoa”. Người phụ nữ vùng cao mang cái đẹp của người lao động nhưng không kém phần duyên dáng: “Nói như chăng dây/ Cười như gieo cấy/ Nhìn như giăng bẫy”. Cuộc sống dù rất vất vả nhưng vẫn thi vị: “Sáng sớm em lên nương/ Bàn tay em nhúng sương/ Chiều tối em về bản/ Bàn tay em nhuộm nắng”. Từ việc gắn bó dân tộc, nhà thơ có sự chiêm nghiệm về người con gái bản Tông với ngôn ngữ so sánh mang chất Giáy đầy thú vị:

Mông em tròn mập như bắp chuối Váy em buộc thắt đáy lưng ong Ngực em căng hai bầu sữa ngọt

(Con gái bản Tông)

Trong thơ Lò Ngân Sủn có những câu thơ rất gần với thành ngữ, một lối nói của dân tộc, nhờ cách nói ấy bản sắc của các dân tộc anh em rất đáng nhớ: " Người Hà Nhì có khô chà chà/ Người Phù Lá có a thá chim/ Người Mông có gầu tào/ Người Dao có pút tồng/ Người Tày có lồng tồng/ Người Thái có xòe/ Người Dáy có roóng poọc… "( Hai mươi bảy sắc xuân). Cách nói năng của người miền núi cứ chân thật, cứ hết mình, hết tình, hết nghĩa chứ không khách sáo nửa vời, không điệu bộ lừa dối, kể cả trong tình yêu. Tất cả những điều này đều được thể hiện trong thơ, tạo nên dấu ấn về bản sắc văn hóa và nét độc đáo

trong thơ Lò Ngân Sủn:”Tình yêu như chảo thắng cố/ Ăn vào no lảo đảo/ Tình yêu như cái chum đựng rượu/ Uống vào say ngả nghiêng” (Động đất, động trời). Những câu thơ như thế chỉ có thể viết lên từ những người con sống trong lòng văn hoá, biết văn hoá, yêu văn hoá Giáy.

Có thể thấy ngôn ngữ trong thơ Lò Ngân Sủn mang một sàu sắc văn hóa

Giáy sâu sắc, đậm đà. Nhà thơ sử dụng ngôn ngữ dân tộc nhưng không quá lạm dụng mà rất tài tình khéo léo để ngôn ngữ dân tộc trở thành đắc dụng trong những câu thơ sâu sắc, tinh tế. Qua thơ ông, người đọc có thể cảm nhận chiều sâu văn hóa, dấu ấn văn hóa dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Giáy nói riêng. Điều đó cũng để khẳng định Lò Ngân Sủn là nhà thơ tiêu biểu của đồng bào dân tộc Giáy và luôn khao khát trở về nguồn cội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ lò ngân sủn (Trang 77 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)