Lý thuyết thông tin bất cân xứng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của chất lượng thông tin báo cáo tài chính đến tính thanh khoản cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam​ (Trang 33 - 34)

CHƢƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN

2.1.2. Lý thuyết thông tin bất cân xứng

Có nhiều nghiên cứu liên quan đến lý thuyết bất cân xứng:

G.A. Akerlof là người đầu tiên giới thiệu về lý thuyết thông tin bất cân xứng vào những năm 1970. Thông tin bất cân xứng xẩy ra khi một bên giao dịch có ít thông tin hơn bên đối tác hoặc có thông tin nhưng thông tin không chính xác. Điều này khiến cho bên có ít thông tin hơn có những quyết định không chính xác khi thực hiện giao dịch, đồng thời bên có nhiều thông tin hơn cũng sẽ có những hành vi gây bất lợi cho bên kia khi thực hiện nghĩa vụ giao dịch.

Hệ quả phổ biến nhất do thông tin bất cân xứng gây ra là lựa chọn bất lợi và tâm lý ý lại.

Lựa chọn bất lợi là hành động xẩy ra trước khi ký kết hợp đồng trong kinh doanh hay tham gia vào quan hệ pháp luật nào đó, bên có nhiều thông tin hơn có thẻ gây tổn hại cho bên có ít thông tin. Đối với các nhà đầu tư, sự quan tâm của họ là lợi nhuận. Trên thị trường chứng khoán, lợi nhuận trong đầu tư cổ phiếu biểu hiện qua việc mua cổ phiếu với giá thấp, bán giá cao hay lợi tức mà các cổ đông nhận được. Trong hoạt động mua bán, thông thường người bán là người nắm rõ về sản phẩm của mình và vì vậy chi phí lựa chọn bất lợi sẽ do người mua gánh chịu. Trong thị trường chứng khoán, công ty niêm yết với tư cách là người cung cấp hàng hóa chứng khoán có nhiều thông tin hơn các nhà đầu tư với tư cách là người mua, nên các công ty này sẽ biết giá bán bao nhiêu trên thị trường chứng khoán được xem là hợp lý. Vì vậy, nếu nhà đầu tư không xác định chính xác cổ tức kỳ vọng của công ty niêm yết thì sẽ định một mức giá không chính xác, và khi định giá cổ phiếu quá cao thì bất lợi hoàn toàn thuộc về các nhà đầu tư.

Tâm lý ỷ lại là hành động của bên có nhiều thông tin hơn thực hiện sau khi ký kết hợp đồng có thể gây tổn hại cho bên có ít thông tin hơn. Với các hợp đồng vay ngân hàng hay bảo hiểm thì tâm lý ỷ lại phát sinh từ phía người đi vay hay đi mua bảo hiểm. Họ sử dụng tiền vay không đúng mục đích hay do họ đã được bảo hiểm nên sẽ trở nên bất cẩn hơn so với thời điểm trước khi mua bảo hiểm. Ở thị trường chứng khoán, tâm lý ỷ lại phát sinh nếu như người đại diện điều hành công ty không sử dụng nguồn vốn hiệu quả và đúng mục đích. Do tính chất của đầu tư trên thị trường là đầu tư gián tiếp nên việc quản lý, giám sát vốn đầu tư của các nhà đầu tư phải thông qua một số người đại diện để điều hành công ty. Tâm lý ỷ lại sẽ gia tăng nếu như các nhà đầu tư nhận được một BCTC với các thông tin có nhiều hứa hẹn. Vì vậy, nếu các thông tin được báo cáo không chính xác với tình hình thực tế của công ty thì rủi ro cho các nhà cổ đông sẽ rất lớn.

Thông qua lý thuyết thông tin bất cân xứng, cho thấy bất cân xứng là hệ quả của các bên giao dịch trên thị trường chứng khoán có thông tin với mức độ khác nhau giữa một bên cung cấp thông tin và bên nhận thông tin. Trong thị trường chứng khoán, công ty cổ phần, các công ty cổ phần có ban điều hành là những người cung cấp thông tin, nhà đầu tư và các bên liên quan là những bên tiếp nhận thông tin. Phần lựa chọn bất lợi thuộc về các nhà đầu tư khi tiếp nhận thông tin ít hơn bên cung cấp thông tin là Ban điều hành. Để giảm tình trạng thông tin bất cân xứng, thông tin trên BCTC cần đảm bảo được là có thể kiểm chứng và có thể so sánh được để các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào BCTC.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của chất lượng thông tin báo cáo tài chính đến tính thanh khoản cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam​ (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)