Thư gởi hai vợ chồng ông X (hai lá thư)

Một phần của tài liệu ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN (Quyển Thượng) Phần 8 docx (Trang 26 - 29)

(đính kèm lá thư thứ hai của bà ta)

1) Nhận được thư khôn ngăn than thở cảm khái. Cớ sao bà mù quáng đơm đặt, nói Nhiên Đăng Cổ Phật217

giáng sanh trong nhà bà, chưa đầy năm đã chết non? Chư Phật sanh tử đã xong, quyết chẳng có lẽ nào thị hiện giáng sanh rồi lại chết yểu! Nếu vì độ chúng sanh, đức Phật bèn thừa nguyện thị hiện giáng sanh, quả thật có chuyện ấy, nhưng đã thị hiện giáng sanh, cũng chắc chắn chẳng nói ta là vị Phật nào đó, đến khi độ sanh xong xuôi, sắp thị hiện Niết Bàn, mới tỏ rõ gốc tích. Chắc chắn không có chuyện thị hiện giáng sanh, rồi chẳng làm Phật sự lớn lao đã chết yểu ngay! Thanh Văn Sơ Quả đã đoạn Kiến Hoặc, vẫn còn Tư Hoặc chưa đoạn nên phải bảy lần sanh lên trời, bảy lần sanh vào nhân gian mới đoạn được Tư Hoặc, chứng Tứ Quả. Nhị Quả thì một lần sanh lên trời, một lần sanh trở lại trong nhân gian rồi chứng Tứ Quả. (Bậc Sơ Quả, Nhị Quả sanh trong nhân gian tuổi thọ đều dài, ngắn bất định, hoặc mấy tháng, mấy năm, mấy chục năm, chính là theo nghiệp thọ sanh vậy). Tam Quả do đã đoạn sạch Tư Hoặc trong Dục Giới, vẫn phải ở trong Ngũ Bất Hoàn Thiên của Sắc Giới trải qua nhiều kiếp mới có thể đoạn sạch Tư Hoặc, chứng Tứ Quả. Tứ Quả đoạn sạch Kiến Hoặc và Tư Hoặc, trọn chẳng còn sanh duyên trong tam giới. Nếu phát hoằng thệ nguyện thị hiện giáng sanh thì có thể [giáng sanh trong tam giới], kẻ theo nghiệp thọ sanh chẳng thể sánh bằng [những vị này]!

Bà là nghiệp lực phàm phu bịa chuyện đồn đại này, vu báng cổ Phật, muốn được những kẻ mù mắt trong thế gian cho rằng bà là cha mẹ của Phật. Nếu nói với kẻ thông hiểu Phật pháp, nhất định họ sẽ quở bà là dùng lời lẽ tà quái lừa dối mọi người! Dẫu cho người trong cuộc không rảnh rang hỏi đến, há cũng chẳng sợ thiên lôi giết bà hay sao? Bà còn đến các nơi tìm người họa thơ của bà. Nếu chẳng phải là ngoại đạo không phân biệt được tà hay chánh và là kẻ si chẳng biết thơm hay thối,

217

Nhiên Đăng Phật (Dīpamkara): Đôi khi còn được dịch âm là Đề Hòa Kiệt La, hoặc Đề Hoàn Kiệt. Danh hiệu đức Phật này còn được dịch nghĩa thành Phổ Quang Phật, Định Quang Phật. Ngài là vị Phật trong quá khứ từng thọ ký cho đức Phật Thích Ca. Theo Tu Hành Bản Khởi Kinh, quyển thượng, thánh vương nước Đề Hòa Vệ (Dīpavatī) tên là Đăng Thạnh, lúc lâm chung truyền ngôi cho thái tử Định Quang. Thái Tử biết cõi đời vô thường bèn truyền ngôi cho em trai rồi xuất gia làm sa-môn, sau thành Phật Quả. Lúc ấy, có đứa hầu trai của một vị Phạm Chí gặp được đức Phật Nhiên Đăng đang đi du hóa, bèn mua hoa cúng Phật, Phật thọ ký cho đứa hầu trai sẽ thành Phật trong tương lai, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật.

ai chịu chấp nhận lời nói ấy của bà là đúng? Bà hãy nên thống thiết sửa đổi lỗi trước, phàm đã gởi thư cho những ai đều hãy nên gởi thư cho họ bày tỏ thẳng thắn cái tội ấy, buồn đau cầu sám hối, ngõ hầu chẳng đến nỗi đem phàm lạm thánh, vĩnh viễn đọa vào địa ngục A Tỳ, chịu các nỗi khổ cùng cực, vĩnh viễn không có ngày ra! Nếu chẳng coi lời Quang là đúng thì bà là quyến thuộc của ma, chứ không phải là đệ tử của tôi! Sao bà lại khổ sở mù quáng bịa chuyện, bị người sáng mắt thóa mạ, bị thiên địa quỷ thần tru diệt vậy? Do mong mỏi bà biết lỗi liền sửa đổi, hối lỗi; nếu không, khi khổ báo xảy đến, có hối cũng chẳng kịp; vì thế, tôi không thể trọn hết bổn phận, nói thẳng, quở trách gay gắt. Nếu bà chẳng nghe, chẳng liên can gì đến tôi nữa!

Kính vâng lời dạy từ bi, được nhận lời quở trách nghiêm khắc, cung kính đọc đi đọc lại, cảm kích lẫn hổ thẹn chen lẫn. Đứa con yêu quý bị chết yểu, tâm chua xót muôn phần, nghiệp chướng sâu nặng, làm thơ nói động đến cổ Phật, khơi ra tội lỗi thật nhiều! Kiền thành sám hối, thống thiết sửa đổi lỗi trước. Phàm phu tục tử bẩm tánh ngu độn, lỗ mãng, hoàn toàn cậy vào ân sư khai thị, sáng tối suy nghĩ cặn kẽ, tiền trình nguy hiểm, thật đáng sợ quá! Do nghĩ đến điều này, kính dâng thư bày tỏ, cảm tạ, cúi mong ân sư rủ lòng xót thương như biển rộng. Nghiệp căn đã gieo từ trước, pháp duyên thiếu sót đã lâu, dốc lòng cầu xin thầy thường ban pháp hối (sự dạy dỗ về mặt pháp), ngõ hầu trong chốn lưới trần âm u, được nhờ đuốc huệ soi sáng thông suốt; trong biển khổ mịt mù, được nhờ thuyền từ phổ độ.

2) Hôm trước nhận được thư biết bà đã nhận lỗi, xót xa xin sám hối, vốn muốn trả lời ngay, nhưng không rảnh rỗi, nên chần chừ đến nay. Con người sống trong thế gian, phải giữ bổn phận. Y phục, đồ vật, danh xưng đều chẳng nên quá tôn quý, chớ vì [muốn] đẹp mặt mà xưng hô bừa bãi. Ví như thứ dân xưng bừa là đế vương, tội ắt diệt tộc, chẳng đáng sợ ư? Bà đem đứa con chưa đầy năm bị chết yểu, xưng bừa là Nhiên Đăng Cổ Phật thị hiện, muốn được cái mỹ danh là cha mẹ của Phật, chẳng biết cái tội khinh nhờn, miệt thị cổ Phật cho đến hết đời vị lai cũng chẳng có ngày thoát khỏi A Tỳ địa ngục!

Nếu Quang không nói toạc ra, bà vẫn cứ muốn đem bài thơ đã soạn gởi cho khắp mọi người trong nước, ngõ hầu kẻ vô tri cũng bắt chước dẫm theo vết chân của bà thì những kẻ gian tà “ngư ông đắc lợi” đều coi

đứa con chết yểu là Cổ Phật Thị Hiện. Thoạt đầu chỉ mong được kẻ vô tri khen ngợi, kế đến là dựng tháp, xây miếu, tom góp của cải để làm giàu. Kế đến là những kẻ gian tà cùng nhau tụ tập, bèn lập giáo môn, lừa dối, gạt gẫm kẻ ngu tục. Lâu ngày dấu vết xấu xa lộ ra khiến cho mọi người cùng chịu phép nước [trừng phạt], nhưng trong số những kẻ gian tà đương thời, có những kẻ ẩn nấp giấu mình chưa bị tru diệt, lâu ngày lại dấy lên, giống như bọn Bạch Liên Giáo218 cứ lây nhây không ngừng, là mối hại cho thế gian. Kể từ sau đó, bọn giáo đồ chỉ đổi danh xưng, chẳng đổi bản chất. Lũ ngoại đạo ấy đều chuộng bí mật, dẫu là cha con, chồng vợ vẫn đều chẳng bảo cho biết. Do điều bí mật ấy cố kết trong tâm kẻ ngu nên bất cứ vị thiện tri thức nào khai thị, chỉ dạy, họ đều chẳng chịu tin theo, như con chó coi phẩn là thơm, không ăn không được! Thường nói với người khác: Thầy ta là vị Phật nọ, vị Tổ Sư kia xuất thế, ta là vị Phật nọ, vị Tổ Sư kia xuất thế, mù quáng bịa chuyện để mong được danh văn, lợi dưỡng, chẳng tính đến chuyện Phật pháp bị hoại loạn,

218

Bạch Liên Giáo là một tà phái mạo danh Phật giáo trong lịch sử Trung Hoa. Vào năm Thiệu Hưng thứ ba (1133) đời Tống Cao Tông, Từ Chiếu Tử Nguyên (tức Mao Tử Nguyên) hâm mộ di phong của Sơ Tổ Huệ Viễn Tịnh Độ Tông bèn xướng suất dân chúng kết xã niệm Phật, tự xưng là Bạch Liên Tông. Nhưng rồi bị môn nhân là Tiểu Mao Xà Lê bóp méo giáo nghĩa, pha trộn các giáo thuyết của Minh Giáo (Bái Hỏa Giáo, tức Ma Ni Giáo, thường bị gọi miệt thị là Ma Giáo) và Di Lặc Giáo (thoạt đầu đây là một đoàn thể sùng bái Di Lặc Bồ Tát, nguyện vãng sanh Đâu Suất, nhưng rồi bị các phần tử có dã tâm lợi dụng, tạo thành một thứ hội kín nhằm tạo phản). Họ có tổ chức khá quy mô, dự trữ vũ khí, chiêu mộ vũ sĩ. Vào thời Nguyên, giáo phái này tuyên bố Minh Vương Xuất Thế, Di Lặc Phật Hạ Sanh, rất có thế lực tại Hà Nam, Giang Hoài, và các nơi khác thuộc lưu vực Trường Giang. Năm Chí Đại nguyên niên (1308), do bị Nguyên Vũ Tông hạ chiếu truy nã, Bạch Liên Giáo rút vào hoạt động bí mật. Đến năm Chí Chánh 11 (1351), dưới danh xưng Hồng Cân Quân (quân khăn hồng), Bạch Liên Giáo dấy loạn nhiều nơi. Ngay cả Châu Nguyên Chương cũng phải dựa dẫm vào thế lực của Bạch Liên Giáo, nhất là phe Hàn Sơn Đồng, để khởi nghĩa chống Mông Cổ. Do vậy, sau khi đánh đuổi xong quân Mông, Minh Thái Tổ (Châu Nguyên Chương) bèn lập kế hoạch truy diệt Bạch Liên Giáo, quy định “thủ lãnh bị xử giảo, tín đồ bị đánh một trăm trượng, đày đi ba ngàn dặm”. Tuy thế, Bạch Liên Giáo vẫn tồn tại trong vòng bí mật, đội lốt dưới các tên khác như Niết Bàn Giáo, Hồng Dương Giáo, Hồng Phong Giáo, Lão Tử Giáo, La Tổ Giáo, Nam Mô Giáo, Tịnh Không Giáo, Ngộ Minh Giáo, Đại Oai Vô Vi Giáo, Thiên Lý Giáo, Nhất Quán Đạo, Hồng Thương Hội… Đến đời Thanh, Bạch Liên Giáo vẫn còn tồn tại và chia thành nhiều phái nhỏ như Lão Quan Trai, Bát Quái Giáo, Đại Thừa Giáo, Cửu Tiên Hội, Đại Đao Hội, Tiểu Đao Hội, Thiên Môn Hội, Vô Cực Hội, Kim Đan Đạo, Khoái Đạo, Phiến Tử Hội, Thiên Hoàng Hội, Báo Đức Môn, Vô Cực Lão Mẫu Hội, Thập Tổ Môn, Kim Đan Hội, Tọa Công Hội, Hiền Thánh Giáo… Họ lại đề xướng phản Thanh phục Minh, nhằm lôi cuốn những người chống đối Thanh triều. Hai đợt bạo loạn lớn nhất của Bạch Liên Giáo là vào năm Càn Long 39 (1774) và cuộc biến loạn tôn giáo vùng Xuyên Sở (sử gọi là Xuyên Sở giáo loạn) thời Gia Khánh. Theo Lao Nãi Huyên, tác giả cuốn Nghĩa Hòa Quyền Giáo Môn Nguyên Lưu Khảo, đến cuối đời Thanh, Nghĩa Hòa Đoàn (Quyền Phỉ) chính là hậu thân của Bạch Liên Giáo, nhưng thuyết này bị nhiều học giả nghi ngờ, phản bác.

khiến cho chúng sanh bị nghi ngờ, lầm lạc, sống chịu phép nước, chết đọa ác đạo từ kiếp này sang kiếp khác, không có lúc thoát ra! Mối tệ ấy lưu truyền chẳng thể kể xiết được!

Hành vi của bà nếu chẳng thống thiết sửa đổi ắt sẽ giống như bọn chúng, chẳng đáng sợ ư? Hãy nên in một tờ thư sửa lỗi sám hối, phàm trước kia đã gởi bài thơ đó cho những ai, nay đều gởi [tờ thư ấy] ngõ hầu họ biết tường tận. Cái huy hiệu có ba chữ Niết Bàn Thất hãy đốt đi, những chuyện đã lầm lạc tính làm trước kia thảy đều dẹp hết. Dựa theo những điều đã nói trong Một Bức Thư Gởi Khắp, sanh tín, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Nếu thật sự chịu thật tâm bày tỏ sám hối, chắc chắn sẽ được nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận, phước tăng, cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, lợi ích ấy há diễn tả được chăng? Quang đã vì bà có thể nói là tột bực không gì hơn được nữa, tôi đã trọn hết trách nhiệm, bổn phận của tôi. Nếu bà đọc kỹ, nghĩ chín, ắt sẽ lâm vào tình cảnh lệ ứa đầm đìa không thể cầm được!

Một phần của tài liệu ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN (Quyển Thượng) Phần 8 docx (Trang 26 - 29)