- Nhân tố tác động tới quần thể loài:
Nhân tố chính trực tiếp tác động tới các loài thạch sùng mí là hoạt động săn bắt phục vụ nhu cầu buôn bán. Do có đặc điểm hình thái đẹp với màu sắc và hoa văn nổi bật, kích thước không quá lớn, nên nhiều loài thạch sùng mí thuộc giống Goniurosaurus là đối tượng ưa thích để buôn bán tại các nước Châu Âu nuôi làm cảnh. Đối với thị trường trong nước, để khảo sát tình hình buôn bán các loài Thạch sùng mí, nghiên cứu tiến hành tìm kiếm trên các trang mạng trực tuyến. Chúng tôi ghi nhận 2 loài Thạch sùng mí cát bà và Thạch sùng mí lichtenfer được rao bán trên các trang mạng trực tuyến như Facebook, Zalo online, Youtube của 3 cửa hàng vật nuôi và 2 người nuôi cá nhân ở thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai và tại thành phố Hồ Chí Minh (Hình 3.11.A). Theo phỏng vấn 2 chủ cửa hàng vật nuôi, họ thường xuyên tìm kiếm các thợ săn là người dân bản địa tại khu vực ghi nhận loài Thạch sùng mí thông qua các nhóm săn bắt và buôn bán động vật hoang dã. Tiền sẽ được chi trả cho các thợ săn tùy thuộc và số lượng cá thể bắt được và kích thước của cá thể. Thời gian săn bắt và thu mua các loài Thạch sùng mí trùng với khoảng thời gian hoạt động kiếm ăn của loài từ tháng 4 đế tháng 9. Số lượng loài sẽ được thu gom tại Hà Nội và vận chuyển theo đường tàu hỏa vào miền Nam. Mỗi cá thể thạch sùng mí được giao bán trong nước với mức giá từ 400.000 - 500.000 VNĐ. Tuy nhiên, phần lớn các cá thể thạch sùng mí được thu mua với mục đích xuất khẩu sang Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc rồi xuất sang các nước Châu Âu. Mỗi đơn hàng xuất ra thị trường quốc tế tối thiểu là 20 cá thể thạch sùng mí với giá thu mua giao
động từ 100 - 150 USD/cá thể. Hoạt động săn bắt trái phép phục vụ mục đích buôn bán thương mại đang là mối nguy hại chính dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng của loài, do kích cỡ quần thể loài nhỏ, và tỷ lệ sinh sản thấp (Ngo và cs, 2016, Nguyen và cs, 2016) [42], [46]. Ví dụ điển hình tại Trung Quốc, quần thể của loài Thạch sùng mí lui (G. lui) đã bị săn bắt cạn kiệt, nhiều quần thể loài đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên do săn bắt phục vụ nhu cầu buôn bán nội địa và quốc tế (Yang và cs, 2015) [65].
- Nhân tố tác động đến sinh cảnh sống của loài:
Các hoạt động du lịch phần nào ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của loài Thạch sùng mí. Đối với quần thể loài Thạch sùng mí cát bà tại Vịnh Hạ Long, do phân bố tại điểm du lịch rất nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch hàng năm nên những tác động tới quần thể loài là không thể tránh khỏi. Nghiên cứu ghi nhận tại các tuyến đường thăm quan các hang, đèn thắp sáng trong hang, rác thải và các hoạt động quấy nhiễu của khách du lịch đã làm suy thoái sinh cảnh sống (độ che phủ, nơi ở, vùng hoạt động) của loài Thạch sùng mí sống xung quanh. Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận một số hoạt động du lịch như tổ chức sinh nhật tại các hang động vào ban đêm, thắp nến, ăn uống và ca hát. Đáng chú ý, tại các điểm hang động trên chúng tôi không ghi nhận cá thể Thạch sùng mí cát bà (Hình 3.11.B, C, D). Trong khoảng thời gian tháng 8-2015, tại xã Việt Hải thuộc địa bàn VQG Cát Bà, nghiên cứu ghi nhận hiện tượng lũ lụt trên địa bàn toàn xã. Đáng chú ý, các điểm phân bố của loài có độ cao so với mực nước biển từ 4 - 132m, trong khi trung tâm xã có độ cao 36m so với mực nước biển. Đây có thể là nguyên nhân, không ghi nhận loài Thạch sùng mí nào trong đợt khảo sát trong năm 2016 (Ngo và cs, 2016) [42].
Hình 3.11: Các mối đe doạ đến loài Thạch sùng mí, A. Buôn bán loài Thạch sùng mí lichtenfer; B. Lũ lụt tại xã Việt Hải, VQG Cát Bà; C. xả rác bừa bãi tại Vịnh Hạ Long; D. Tổ chức sinh nhật tại hang động của Vịnh Hạ Long 3.3.2 Các vấn đề bảo tồn
3.3.2.1. Bảo tồn quần thể
Trước hết để thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý và các chuyên gia bảo tồn, các nhà nghiên cứu cần xem xét, đánh giá đưa các loài Thạch sùng mí vào danh mục các loài quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN càng sớm càng tốt. Gần đây, nghiên cứu của Ngo và cs (2016) cung cấp dữ liệu về hiện trạng quần thể và một số nhân tố tác động tới loài Thạch sùng mí cát bà, là cơ sở để Nguyen và cs (2016) đưa loài và Danh lục đỏ thế giới IUCN xếp hạng Nguy cấp (EN). Nghiên cứu cũng phỏng đoán các loài Thạch sùng mí khác bao gồm cả loài thạch sùng mí lichtenfer có nguy cơ tuyệt chủng cao và cần xem xét điều tra để được xếp hạng trong danh lục các loài cần được bảo tồn. Trong trường
hợp có hiện tượng buôn bán xảy ra, có thể đưa loài này vào danh sách các loài động vật được bảo vệ trong các văn bản pháp luât. Thật vậy, hoạt động buôn bán loài Thạch sùng mí lichtenfer và cát bà được ghi nhận không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn buôn bán phổ biến trong nước từ năm 2014. Bởi vậy, nghiên cứu đề xuất chương trình bảo tồn cho 2 loài Thạch sùng mí nói riêng và cho các loài động vật tại Vịnh Hạ Long và VQG Bái Tử Long nói chung như: tăng cường tuần tra nhằm kiểm soát săn bắt động vật trái phép. Ngoài ra, hoạt động giám sát và kiểm tra các đối tượng săn bắt được một phần giao phó cho các ngư dân khai thác và nuôi trồng thủy sản tại địa phương gần các đảo. Hiện tại, quần thể loài Thạch sùng mí cát bà phân bố trong Vịnh Hạ Long, và loài Thạch sùng mí lichtenfer tại VQG Bái Tử Long nên vẫn được bảo vệ rất tốt.
Nghiên cứu nhân nuôi sinh sản loài Thạch sùng mí là hoạt động rất cần thiết, là cơ sở để cung cấp thông tin khoa học cho nhân nuôi sinh sản của loài thằn lằn khác. Trong trường hợp quần thể loài bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng, nhân nuôi sinh sản sẽ cung cấp nguồn giống dự phòng để thả lại tự nhiên khi cần thiết. Chúng tôi đã tiến hành nhân nuôi thử nghiệm loài này ở Trạm đa dạng sinh học Mê Linh thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, bước đầu đã nuôi giữ ổn định 1 cá thể đực và 2 cá thể cái của loài Thạch sùng mí lichtenfer tại VQG Bái Tử Long từ tháng 6 năm 2017 đến nay (Hình 3.12.A), và 2 cá thể đực và 2 cá thể cái của loài Thạch sùng mí cát bà thu tại Vịnh Hạ Long từ tháng 7 năm 2017 đến nay (Hình 3.12.B). Gần đây, chúng tôi ghi nhận hoạt động giao phối với giữa cá thể đực và cái của 2 loài Thạch sùng mí này trong tháng 3 năm 2018 trong điều kiện nuôi nhốt và trứng bên trong cá thể cái vẫn đang phát triển bình thường trong khoảng thời gian mùa sinh sản.
Hình 3.12: A. Cá thể Thạch sùng mí lichtenfer; B. Cá thể Thạch sùng mí cát bà nuôi nhốt tại Trạm Đa dạng Sinh học Mê Linh
3.3.2.2. Bảo vệ sinh cảnh
Ngo và cs (2016) ghi nhận hầu hết các cá thể Thạch sùng mí cát bà phân bố ở sinh cảnh có độ che phủ cao. Tương tự, sinh cảnh của loài Thạch sùng mí lichtenfer có độ che phủ thực vật tương đối cao. Do vậy bảo vệ sinh cảnh rừng là rất cần thiết nhằm bảo tồn các quần thể của loài. Cần hạn chế tác động của con người đến sinh cảnh sống, các vách đá và cửa hang nơi sinh sống của loài Thạch sùng mí cát bà và các tuyến suối của loại Thạch sùng mí lichtenfer tại VQG Bái Tử Long. Hạn chế tối đa việc khai thác gỗ, củi đun. Tiến hành tuần tra thường xuyên để kịp thời phát hiện các đối tượng chặt phá rừng, phá hoại sinh cảnh, và các yếu tố có thể gây nguy cơ cháy rừng.
Ngoài ra việc giảm thiểu tác động tới sinh cảnh từ các hoạt động du lịch là việc làm rất cần thiết để bảo vệ loài Thạch sùng mí. Kiểm soát tác động tiêu cực của các hoạt động du lịch: thu gom rác thải, hạn chế tối đa đốt lửa, thắp hương, bật điện ở các hang động du lịch nơi có loài Thạch sùng mí sinh sống. Nghiêm cấm toàn bộ các hoạt động tổ chức sinh nhật, ca hát và ăn uống tại các hang động thuộc Vịnh Hạ Long. Các hoạt động trái phép trên, hiện tại đã được ban quản lý Vịnh Hạ Long phát hiện và xử lý kịp thời các công ty du lịch tổ chức chương trình du lịch trên. Hoạt động giám sát được một phần giao phó cho các ngư dân nuôi trồng hải sản tại các đảo, để kịp thời phát hiện và khai báo.
3.3.2.3. Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Có thể xem xét thiết kế áp phích và tư liệu giới thiệu chung về đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long và VQG Bái Tử Long trong đó có 2 loài Thạch sùng mí nghien cứu. Xây dựng biển báo và khuyến cáo bảo vệ môi trường (không xả rác, không đốt lửa, giảm thiểu tối đa hoạt động quấy nhiễu và tác động đến sinh cảnh sống của các loài động vật) dọc theo các tuyến du lịch sinh thái bên trong VQG. Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế poster giới thiệu về loài Thạch sùng mí cát bà tại Vịnh Hạ Long nhằm giới thiệu về loài và nâng cao nhận thức và bảo vệ loài Thạch sùng mí đặc hữu quý hiếm này.
Hình 3.13: Hình ảnh Poster giới thiệu về loài Thạch sùng mí cát bà tại Vịnh Hạ Long
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1. Kết luận
- Đặc điểm hình thái của loài Thạch sùng mí lichtenfer và Thạch sùng mí cát bà:
Bổ sung số liệu về đặc điểm hình thái của loài Thạch sùng mí lichtenfer và loài Thạch sùng mí cát bà. Kết quả nghiên cứu không ghi nhận sự sai khác có ý nghĩa về đặc điểm hình thái theo giới tính của loài Thạch sùng mí lichtenfer, cũng như không có sự sai khác có ý nghĩa nào theo cấu trúc giới tính và nhóm tuổi ở loài Thạch sùng mí cát bà tại Vịnh Hạ Long.
- Thành phần thức ăn của loài Thạch sùng mí lichtenfer và Thạch sùng mí cát bà:
Ghi nhận 148 mẫu thức ăn từ 75 dạ dày của 14 cá thể Thạch sùng mí lichtenfer và 61 cá thể Thạch sùng mí cát bà cho thấy: bộ Nhện (26,3%), bộ Mối (26,3%), bộ Cánh thẳng (11,7%), nhóm sâu bọ (10,7%) là 4 loại thức ăn ưa thích và quan trọng đối với loài Thạch sùng mí lichtenfer. Trong khi đó 4 loại thức ăn quan trọng của Thạch sùng mí Cát Bà tại Vịnh Hạ Long là bộ Mối (13,2%), bộ Cánh thẳng (9,67%), bộ chân đều (9,46%), nhóm sâu đá (Oniscomorpha) 6,58%. Không nhận thấy loài thạch sùng mí có xu hướng lựa chọn thức ăn dựa vào kích thước.
- So sánh về thành phần dinh dưỡng thức ăn giữa các quần thể loài Thạch sùng mí:
Quần thể loài Thạch sùng mí cát bà tại vịnh Hạ Long và tại VQG Cát Bà xu hướng sử dụng đồng đều giữa các thành phần thức ăn, trong khi đó quần thể Thạch sùng mí lichtenfer có chế độ ăn chuyên hoá. So sánh thành phần dinh dưỡng của 3 quần thể cho thấy mức độ chồng chéo thành phần thức ăn ở mức trung bình. Tuy nhiên, do các quần thể không cùng chung sinh cảnh sống và nơi phân bố nên không có sự cạnh tranh nào về thành phần thức ăn.
2.1. Đối với công tác nghiên cứu tiếp theo:
Cần đánh giá, xem xét đưa loài Thạch sùng mí lichtenfer vào danh mục các loài quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN.
Cần tổ chức mở rộng khu vực khảo sát bổ sung ở các đảo khác để đánh giá chính xác trên quy mô hiện trạng quần thể của loài bò sát đặc hữu này. Đồng thời, tiếp tục tiến hành giám sát để theo dõi sự biến đổi của quần thể Thạch sùng mí.
Nghiên cứu của chúng tôi mới chỉ tập trung ở hai khu vực Vịnh Hạ Long và VQG Bái Tử Long, cần mở rộng nghiên cứu thêm về loài tại các khu vực địa lý khác để đánh giá tổng thể hiện trạng quần thể các loài, đặc điểm sinh học, sinh thái và thành phần dinh dưỡng của loài trong tự nhiên nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn nhân nuôi và các quần thể ngoài tự nhiên.
2.2. Đối với công tác bảo tồn:
Bảo vệ sinh cảnh: Thường xuyên tuần tra để ngăn chặn các vi phạm có tác động đến sinh cảnh rừng, các vách đá và hang.
Giảm thiểu tác động du lịch: Tổ chức các nhóm nhỏ thăm quan du lịch ở những tuyến ưu tiên bảo tồn có sự hướng dẫn và giám sát của hướng dẫn viên. Kiểm soát các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch như xả rác và quấy nhiễu khác.
Hạn chế hoạt động tổ chức sinh nhật, ca hát và ăn uống trong hang động thuộc vịnh Hạ Long.
Nhân nuôi sinh sản: Tiếp tục theo dõi và triển khai hoạt động nghiên cứu nhân nuôi loài Thạch sùng mí lichtenfer, Thạch sùng mí cát bà ở trạm Đa dạng sinh học Mê Linh để chuẩn bị nguồn giống phục vụ công tác bảo tồn.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức: Thiết kế xây dựng các áp phích và tài liệu về bảo tồn động vật hoang dã của VQG Bái Tử Long, vịnh Hạ Long trong đó có loài Thạch sùng mí lichtenfer, Thạch sùng mí cát bà.
TÀI LIỆU THAM KHẢO TIẾNG VIỆT
1. Ông Vĩnh An, Hoàng Xuân Quang, Đăng Huy Huỳnh (2012), “Kết quả nghiên cứu dinh dưỡng của Rắn ráo trâu trưởng thành Ptyas mucosa (Linnaeus, 1758) trong điều kiện nuôi tại Nghệ An”, Hội thảo quốc gia về lưỡng cư bò sát Việt Nam lần thức hai.
2. Thái Trần Bái (2003), Động vật không xương sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
3. Ban Tuyên giáo Huyện Uỷ Cát Hải (2012), Tuyên truyền về quần đảo Cát Bà trên lộ trình đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới.
4. Ngô Đắc Chứng, Lê Anh Tuấn (2012), “Đặc điểm hình thái, dinh dưỡng và sinh dục của rắn nước Xenochrophis flavipunctatus (Hallowell, 1861) ở Thừa Thiên Huế”, Hội thảo quốc gia về lưỡng cư bò sát Việt Nam lần thứ hai.
5. Ngô Ngọc Hải, Nguyễn Huyền Trang, Nguyễn Quảng Trường (2016), “Thành phần thức ăn của loài Thạch sùng mí cát bà (Goniurosaurus catbaensis) ở Vườn Quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng”, Hội thảo khoa học quốc gia về lưỡng cư và bò sát lần thứ 3, tr. 181 - 186.
6. Trần Kiên, Hồ Thu Cúc, Nguyễn Văn Sáng, Phạm Thược (2007), Sách Đỏ Việt Nam, Nxb Khoa học và Công nghệ, Hà Nội, tr. 219 - 276.
7. Lê Văn Lanh, Phạm Tuấn Hùng, Ngô Văn định, Lê thị Thu hiền, Lê Thị Hồng Anh (2011), Vườn quốc gia Bái Tử Long, Nxb Thanh Niên, Hà Nội. 8. Trương Văn Lã, Trịnh Việt Cường, Đoàn Văn Kiên, Nguyễn Trường Sơn,
(2007), Bước đầu ghi nhận các loài động vật rừng quý hiếm ở Tam Tao, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, Báo cáo khoa học về sinh thái và tài nguyên sinh vật, Nxb Nông Nghiệp, tr. 392 - 397.
9. Hoàng Văn Ngọc, Lê Nguyên Ngật, Lê Thị Lý, Trần Thanh Tùng (2010), “Hiện trạng Lưỡng cư, Bò sát ở vùng Đông Bắc Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo Quốc gia lần thứ II - Môi trường và phát triển bền vững, Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nxb Nông nghiệp, tr. 113 - 124.
10. Nguyễn Văn Sáng, Hồ Thu Cúc, Nguyễn Quảng Trường, Lê Nguyên Ngật, Hoàng Xuân Quang, Ngô Đắc Chứng (2009), Nghiên cứu về ếch nhái và bò sát ở Việt Nam qua các thời kỳ.
11.Vũ Tiến Thịnh (2013), "Thành phần loài động vật quý hiếm tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, tỉnh Bắc Kạn", Báo cáo hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ 5 về sinh thái và tài nguyên sinh vật (Hà Nội 18/10/2013), NXB Nông nghiệp, tr. 735 - 740.
12. Trần Thanh Tùng, Lê Nguyên Ngật, Nguyễn Văn Sáng (2008), “Sự đa dạng và