Lăng Nghiêm có gì mà chẳng nên nghiên cứu, nhưng phải lấy Tịnh Độ làm chủ thì hết thảy kinh đều nêu tỏ được lợi ích của Tịnh Độ. Phần mở đầu của kinh Lăng Nghiêm gạn hỏi cái tâm khó khăn như thế ấy, cho nên biết chúng sanh đời Mạt vẫn muốn dùng Thiền để giải quyết đại sự sẽ tự lầm, lầm người lớn lắm! Huống chi hai mươi lăm pháp Viên Thông, xếp [pháp Viên Thông của] ngài Thế Chí trước [pháp Viên Thông của] đức Quán Âm, [ngụ ý] đề cao, lấy Tịnh Độ làm pháp chánh yếu lớn lao lắm! Trong phần giảng rõ về cảnh Ngũ Ấm Ma, [kinh dạy] người phá được hai ấm Sắc và Thọ vẫn còn có chuyện bị ma dựa. Đủ thấy dùng tự lực để liễu sanh tử khó khăn, nương Phật lực để liễu sanh tử dễ dàng. Nghiên cứu được như vậy thì lợi ích lớn lao.
Phàm khi nghiên cứu, ắt phải lắng lòng, bặt suy nghĩ, ngưng thần đọc kỹ như người vào đảo báu lớn, ắt sẽ có sở đắc. Nếu giống như đi đường vội vã chỉ mong cho lẹ, hận chẳng thể vừa coi là xong, thì chẳng những không hiểu được nghĩa kinh, mà đâm ra lâu ngày còn mắc bệnh,
thậm chí tổn khí, thổ huyết v.v… Kẻ khéo được lợi ích, không gì chẳng có ích. Kẻ cam chịu tổn hại, không gì chẳng tổn hại. Kinh Lăng Nghiêm quả thật là kinh điển mầu nhiệm để hoằng dương Tịnh tông, nhưng kẻ chưa biết pháp môn Tịnh Độ thường do Lăng Nghiêm mà ngược ngạo khinh miệt pháp môn Tịnh Độ! Đấy gọi là “người nhân thấy là nhân, kẻ trí thấy là trí”, do chính mình chưa đủ chánh nhãn, cứ dùng ý kiến của chính mình để hiểu kinh mà ra!