Đến Truyện Kiều, độc thoại nội tâm của nhân vật Thúy Kiều thể hiện những phương diện rộng lớn, bao quát trong cảm xúc của nhân vật, từ tiếng nói về tình yêu, nỗi nhớ gia đình tha thiết đến những suy ngẫm, triết lí về tương lai, số phận, cuộc đời. Độc thoại nội tâm trong tác phẩm xuất hiện dày đặc, đậm nét nhất là ở nhân vật Thúy Kiều, chiếm tổng số 238 câu thơ, tức là khoảng 7,3% dung lượng tác phẩm (Xem thêm Phụ lục 3, trang 98-106). Trong tiếng nói về tình yêu, Thúy Kiều độc thoại nội tâm khi nhớ về người yêu, từ Kim Trọng, Thúc Sinh đến Từ Hải nhưng sâu sắc nhất vẫn là những tình cảm nàng dành cho Kim Trọng. Suốt quãng đời lưu lạc mười lăm năm, chưa bao giờ Thúy Kiều thôi nhớ về gia đình, Kiều độc thoại nội tâm như nhắc nhở chính mình nhớ về công ơn cha mẹ mà nàng chưa thể báo hiếu cho trọn vẹn. Đồng thời, mười lăm năm chìm nổi với bao đắng cay, tủi nhục đã khiến Kiều không biết bao nhiêu lần thổn thức với những suy ngẫm nội tâm cay đắng về tương lai, số phận, cuộc đời.
Như vậy, sự ra đời của tác phẩm Hoa tiên kí đánh dấu bước khởi đầu của dòng truyện Nôm bác học. Trước Hoa tiên kí, trong văn học trung đại Việt Nam rất ít xuất hiện độc thoại nội tâm. Ở những truyện Nôm bác học như Hoa tiên kí và Sơ kính tân trang, độc thoại nội tâm đã bước đầu xuất hiện, nhưng phải đến Truyện Kiều, độc thoại nội tâm chiếm một phần quan trọng trong dung lượng tác phẩm và tạo nên những ấn tượng thực sự đậm nét.
* Tiểu kết chương 1
Trong chương 1, chúng tôi tiến hành tìm hiểu một số vấn đề làm cơ sở cho việc nghiên cứu đề tài.
Trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam, truyện Nôm là một thể loại có số lượng tác phẩm khá đồ sộ, được viết bằng ngôn ngữ dân tộc, hình thành từ khoảng thế kỉ XVI, XVII và phát triển nở rộ vào khoảng cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX.
Trong dòng truyện Nôm bác học, những tác phẩm tiêu biểu phải kể đến Hoa tiên kí
của Nguyễn Huy Tự, Sơ kính tân trang của Phạm Thái và Truyện Kiều của Nguyễn Du. Độc thoại nội tâm là một vấn đề phức tạp và xoay quanh nó còn những ý kiến chưa thống nhất. Qua việc tìm hiểu một số định nghĩa tiêu biểu, chúng tôi xác định các đặc trưng bản chất cũng như những hình thức biểu hiện cơ bản của độc thoại nội tâm, đồng thời đưa ra cách hiểu về độc thoại nội tâm để sử dụng trong khuôn khổ luận văn này.
Trong chương 1, chúng tôi cũng trình bày những nét khái quát nhất về tác giả, tác phẩm làm cơ sở cho việc nghiên cứu độc thoại nội tâm của các nhân vật nữ chính ở những chương sau. Đồng thời, chúng tôi tiến hành khảo sát, thống kê việc sử dụng độc thoại nội tâm của các nhân vật nữ chính: Dao Tiên trong Hoa tiên kí của Nguyễn Huy Tự; Trương Quỳnh Thư – Thụy Châu trong Sơ kính tân trang của Phạm Thái và Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (Xem thêm các Phụ lục 1, 2, 3).
Những tiền đề lí luận và thực tiễn như trên là cơ sở cho việc tìm hiểu độc thoại nội tâm của các nhân vật nữ chính trong một số truyện Nôm bác học từ phương diện nội dung và nghệ thuật mà chúng tôi sẽ trình bày ở những chương tiếp theo.
Chương 2
ĐỘC THOẠI NỘI TÂM CỦA CÁC NHÂN VẬT NỮ CHÍNH TRONG MỘT SỐ TRUYỆN NÔM BÁC HỌC NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG