VI. CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN TÌNH HÌNH THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ BHXH, BHYT, BHTN
3. Thực trạng xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN
3.3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN
BHXH, BHYT, BHTN
Theo Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, trong 5 năm qua (2012 - 2017), lực lượng Cảnh sát kinh tế cả nước đã phát hiện, điều tra, xử lý 70 vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; khởi tố điều tra 46 vụ với gần 130 đối tượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan tới trục lợi quỹ BHYT.
BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đã bổ sung quy định xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTN tại các điều: Điều 214 (Tội gian lận BHXH, BHTN), Điều 215 (Tội gian lận BHYT); Điều 216 (Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động). Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng và mạnh mẽ để xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm các chính sách BHXH, BHYT, BHTN đang gây bức xúc cho xã hội, đặc biệt là đối với công nhân lao động.
Mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự loại hành vi phạm tội này cũng nhằm trước hết là bảo vệ quỹ BHXH, BHYT, BHTN bảo vệ quyền lợi của người lao động. Do vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự vừa phải bảo đảm thu hồi được tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN và vừa tạo điều kiện cho bên có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ việc được xử lý theo các điều luật mới này còn quá ít và chưa kịp thời (một số ít địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước...
đã chuyển hồ sơ một số đơn vị trốn đóng sang cơ quan Công an để điều tra, xử lý theo quy định).
Để triển khai có hiệu quả các quy định của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động cũng như việc tuân thủ pháp luật của mọi cá nhân, tổ chức, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Cơ quan điều tra ở địa phương cung cấp hồ sơ đề nghị xử lý hình sự hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Sau 8 tháng thực hiện, đến nay đã có 12 BHXH tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN với tổng số 40 hồ sơ. Trong đó: 15 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 214, 01 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 215 và 24 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 216. Kết quả xử lý của Cơ quan điều tra như sau:
02 vụ việc đã bị khởi tố nhưng theo tội danh khác: “Giả mạo trong công tác” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” (Hưng Yên).
01 vụ việc chuyển sang xử lý VPHC do Cơ quan điều tra xác định chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm (Quảng Bình).
10 vụ việc Cơ quan điều tra không thụ lý với lý do hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm BLHS năm 2015 có hiệu lực (ngày 01/01/2018) (Đồng Nai, Đồng Tháp).
01 trường hợp doanh nghiệp đã tự nguyện trả hết nợ sau khi cơ quan BHXH chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra (Hà Tĩnh).
Các trường hợp còn lại Cơ quan điều tra đang xem xét, nghiên cứu hồ sơ.
Hồ sơ chuyển Cơ quan điều tra chủ yếu là các tài liệu liên quan đến hoạt động quản lý của cơ quan BHXH như: biên bản VPHC; quyết định xử phạt VPHC; thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN; biên bản và kết luận thanh tra; công văn báo cáo UBND tỉnh; hồ sơ thanh toán chế độ BHXH;
danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN...
Trước tình trạng lạm dụng chế độ, chính sách để trục lợi ngày càng phức tạp và số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tăng, khả năng thu hồi khó, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành nhằm thực hiện tốt công tác quản lý về BHXH, BHYT, BHTN, trong đó phối hợp với Bộ Công an thực hiện nghiêm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm có dấu hiện tội phạm được quy định tại các điều 214, 215 và 216 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, loại tội phạm về bảo hiểm ngày càng có dấu hiệu gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp, ngoài các hành vi né tránh nghĩa vụ trích nộp BHXH, BHYT, BHTN, nợ quỹ BHXH tái diễn, còn phát sinh nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật khác, như: Các doanh nghiệp di chuyển khỏi nơi trú đóng hoặc doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh nhưng không tồn tại đúng với địa chỉ trên giấy phép, tình trạng doanh nghiệp cho người lao động tăng lương đột biến, sau đó lợi dụng các kẽ hở của chính sách về BHXH để lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định... Do vậy, thời gian tới cần có các giải pháp hữu hiệu nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm đúng thời gian, trình tự, thủ tục, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi cho người lao động.