Rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình tài chính tại công ty du lịch lâm đồng (Trang 92 - 96)

a) Rủi ro kinh doanh:

Giai đoạn 2009-2011, EBIT của Dalattourist đạt được là khá tốt; tuy nhiên xét về góc độ cạnh tranh, Dalattourist là một doanh nghiệp nhà nước, nhưng lượng vốn chủ sở hữu không nhiều và trong quá trình hoạt động hầu như vốn chủ sở hữu không được nhà nước cấp bổ sung mà chỉ được doanh nghiệp bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh; do đó việc đầu tư tài sản cố định (như nâng cấp các khạch sạn, mở rộng các loại hình du lịch, vui chơi giải trí tại các khu du lịch, hoặc đầu tư khai thác mới các điểm du lịch,…) ít được doanh nghiệp quan tâm, từ đó sức cạnh tranh trong kinh doanh không cao và đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp cùng kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố Đà Lạt (như: Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Đà Lạt, công ty cổ phần Du lịch thanh niên,…) rất năng động trong điều hành và chiụ khó đầu tư nghiên cứu thị trường để đưa ra các loại hình du lịch mới phù hợp với sở thích của các loại khách du lịch khác nhau, vì vậy trong tương lai gần rủi ro kinh doanh là điều Dalatourist không thể tránh khỏi.

Sức mua của thị trường là nhân tố quyết định khả năng tiêu thụ hàng

hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và do đó nó cũng quyết định dòng tiền vào doanh nghiệp. Song, sức mua của thị trường lại phụ thuộc vào khả năng thanh toán. Khi lạm phát, giá cả hàng hóa trên thị trường tăng cao, thu nhập của người lao động và các tầng lớp dân cư không tăng hoặc tăng chậm hơn chỉ số lạm phát và tất yếu dẫn đến sức mua giảm. Quan trọng hơn nữa, cơ cấu tiêu dùng cũng thay đổi. Phần lớn khả năng thanh toán tập trung cho những nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, du lịch sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu cho số đông, vì thế sẽ tác động không nhỏ đến doanh thu của ngành du lịch nói chung và Dalattourist nói riêng. Khi đó, rủi ro về sức mua của thị trường đã xảy ra. Đối với lĩnh vực du lịch, nó thể hiện thông qua số lượng gường, phòng không được sử dụng hết công suất, các điểm vui chơi, du lịch ít khách, dẫn đến sụt giảm doanh thu và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận kinh doanh của Dalattourist.

b) Rủi ro tài chính:

Thông thường rủi ro tài chính có liên quan đến tình trạng lạm phát của nền kinh tế; trong giai đoạn hiện nay nước ta và các nước trên thế giới đang đứng trước tình trạng lạm phát tăng cao, chính vì vậy các doanh nghiệp nói chung và Dalattourist nói riêng sẽ gặp phải rủi ro tài chính như:

Rủi do về lãi suất tiền vay: Trong thời gian tới, Dalattourist phải tiến hành cổ phần hóa theo quy định, lúc đó Dalalttourist không còn là doanh nghiệp nhà nước và sẽ không còn được hưởng những chính sách ưu đãi về vốn vay với lãi suất thấp, mà phải vay với lãi suất thị trường như các doanh nghiệp khác. Lúc này, để phục vụ kinh doanh, đầu tư, cũng như tất cả các doanh nghiệp, Dalattourist sẽ phải sử dụng vốn vay. Do đó, lãi suất tiền vay - chi phí sử dụng vốn - trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong chi phí

sản xuất kinh doanh và đầu tư của Dalattourist. Khi lập kế hoạch kinh doanh và dự án đầu tư, lãi suất tiền vay đã được dự tính. Song, có rất nhiều nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp tác động đến lãi suất tiền vay. Thông thường khi lạm phát xảy ra, lãi suất tiền vay tăng đột biến. Do đó, những tính toán, dự kiến trong kế hoạch kinh doanh, đầu tư bị đảo lộn. Một rủi ro lớn đã xảy ra và ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh. Lượng tiền vay càng lớn, tác động tiêu cực của rủi ro này càng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tình trạng phá sản doanh nghiệp nếu nó tồn tại trong một thời kỳ dài.

Như đã phân tích ở trên, mặc dù trước mắt Dalatourist chưa gặp phải rủi ro tài chính, tuy nhiên trong điều kiện lạm phát, khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, người dân thắt chặt chi tiêu cho du lịch, thì việc kinh doanh của ngành du lịch nói chung và Dalatourist nói riêng là hết sức khó khăn.

Kết luận chương 2

Từ việc phân tích tình hình tài chính của Dalatourist giai đoạn 2009-2011 như đã nêu ở trên, với giá trị tài sản và vốn chủ sở hữu chưa đánh lại thì hiệu quả kinh doanh của Dalatourist rất khả quan và mang lại kết quả rất đáng khích lệ. Song là doanh nghiệp nhà nước nên Dalattourist được hưởng rất nhiều lợi thế như: lợi thế về mặt bằng kinh doanh (Dalattourist còn cho thuê mặt bằng để tăng doanh thu), nhiều tài sản đã hết thời gian tính khấu hao, nên chi phí tính vào giá vốn thấp; được vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư và Phát triển của tỉnh Lâm Đồng, do đó chi phí trả lãi thấp; mặt khác Dalattourist còn chiếm dụng vốn ngắn hạn từ nguồn thuế phải nộp cho nhà nước và các quỹ khen thưởng, phúc lợi,...

Trong kinh doanh đa số các doanh nghiệp phải đi vay nợ để bù đắp sự thiếu hụt nguồn vốn lưu động hoặc đầu tư tài sản cố định, đổi mới trang thiết

bị, thì ngược lại Dalattourist lại để lượng tiền và tương đương tiền tồn khá cao, vì thế Dalattourist đã đánh mất các cơ hội đầu tư kiếm lời. Điều này có thể xem xét việc kinh doanh của Dalattourist ở hai khía cạnh sau:

Thứ nhất: Dalattourist không muốn mạo hiểm trong kinh doanh mà chỉ muốn bảo toàn vốn điều này phần nào cũng thể hiện sức ỳ, tính kém năng động của một doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai: do từ năm 2010, Dalattourist được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chủ trương tiến hành cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ, nên Dalattourist đã không đầu tư để mở rộng kinh doanh và góp vốn liên kết ra bên ngoài.

Tuy nhiên, nếu xét trên góc độ thực tế, khi Nhà nước tiến hành cổ phần hóa nhằm chuyển đổi hình thức sở hữu, Dalattourist cần phải thay đổi chiến lược kinh doanh, giảm chi phí và tiếp tục nghiên cứu đưa các loại hình dịch vụ, du lịch mới vào kinh doanh để thu hút khách du lịch nhằm tăng doanh thu và đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

Chương 3

Định hướng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả tài chính tại Công ty Du lịch Lâm Đồng

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình tài chính tại công ty du lịch lâm đồng (Trang 92 - 96)