3.1. Ý nghĩa của đề tài, sáng kiến, giải pháp:
Việc hình thành cho học sinh thế giới quan và niềm say mê khoa học, sáng tạo là một mục tiêu quan trọng của giáo dục hiện đại khi mà nền kinh tế tri thức đang dần dần chiếm ưu thế tại các quốc gia trên thế giới. Dạy học theo hướng hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một trong các phương pháp dạy học tích cực, thích
hợp cho việc giảng dạy các kiến thức khoa học tự nhiên đặc biệt là bộ môn hóa học. Bởi qua đó giúp người học quen dần với việc tiếp thu kiến thức và phát huy tính sáng tạo khoa học.
Sau một thời gian tiến hành thực hiện đề tài “Một số hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả dạy học hóa học lớp 11 trung học phổ thông”
Bản thân tôi đã thu được những kết quả sau:
- Nghiên cứu cơ sở lí luận và thực tiễn của mô hình dạy học trải nghiệm sáng tạo (DHTNST) và thực trạng vận dụng mô hình này trong dạy học hóa học ở trường phổ thông
- Nghiên cứu cơ sở khoa học của việc thiết kế các dự án trong chương trình hóa học lớp 11 THPT
- Thiết kế dự án
Trên cơ sở nghiên cứu lí luận về mô hình DHTNST và thực tiễn dạy học, tôi đã xây dựng tiến trình dạy học theo dự án và hồ sơ bài dạy cho 2 bài: Phân bón hóa học và ancol thuộc chương trình hóa học lớp 11 THPT. Hồ sơ bài dạy bao gồm: kế hoạch tổ chức thực hiện, kế hoạch đánh giá, những tư liệu hỗ trợ cho quá trình thực hiện đề tải trải nghiệm như: tình huống đề tài, bộ câu hỏi định hướng, phiếu học tập, kế hoạch phân công nhiệm vụ ...
-Tiến hành thực nghiệm
- Những khó khăn khi triển khai DHTNST trong dạy học hóa học ở trường THPT
Qua quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài, tôi nhận thấy có những khó khăn sau:
- Điều kiện cơ sở vật chất ở một số trường học còn thiếu thốn, chưa đủ đáp ứng nhu cầu của DHTNST. Những hoạt động tìm kiếm thông tin và xây dựng sản phẩm đều phải tiến hành ngoài giờ lên lớp bằng sự tự lực của các em, trong khi tỉ lệ HS khu vực nông thôn có máy tính ở nhà rất thấp (khoảng 1-2/20 HS).
- Nội dung học tập được tổ chức theo chương bài nên thời gian bị hạn chế, các kiến thức lại liên quan với nhau, rất khó triển khai dự án (thường từ 1-2 tuần các em mới hoàn thành trong khi nội dung bài học đôi khi chỉ được phân phối trong một tiết). Hóa học lại là môn khoa học tự nhiên, với nhiều kiến thức mà với đối tượng HS yếu cần sự hướng dẫn của GV rất chi tiết mới có thể nắm được và vận dụng, không thể tự mình tìm hiểu mà rút ra được.
- Kiểm tra - đánh giá hiện nay vẫn chưa chú trọng đến kĩ năng mềm, cũng như kiến thức thực tế của HS.
* Về phía HS, nhiều em không hứng thú với những hoạt động thực tiễn, vì chúng ảnh hưởng đến thời gian học tập của các em mà không đem lại điểm số. Không chỉ đánh giá HS thông qua điểm số những bài kiểm tra, việc đánh giá xếp loại GV cũng được dựa trên kết quả học tập do người đó giảng dạy. Với áp lực trên, làm sao HS không học để thi và GV không dạy để thi? Mục tiêu sâu xa là học để biết phải trái, học để hành, học để làm người đã bị bỏ qua.
- HS còn rất xa lạ và hầu như không có kĩ năng hoạt động nhóm, làm việc tập thể, báo cáo, thuyết trình…, cũng như các hoạt động lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, đánh giá. Phương pháp này chỉ áp dụng tốt khi HS đã có những kĩ năng cơ bản, có tinh thần trách nhiệm, tinh thần tập thể cũng như tính tự lực, tinh thần tự học.
- HS phải học nhiều môn, kiểm tra thường xuyên và định kì, áp lực học tập rất lớn khiến các em khó sắp xếp được thời gian thảo luận nhóm, thời gian tự học, tự tìm hiểu trở nên rất hạn chế.
* Về phía GV, phần lớn vẫn chưa hiểu sâu về phương pháp DHTNST, chưa được đào tạo và hướng dẫn cụ thể để áp dụng có hiệu quả vào thực tế.
Tuy vậy, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học hóa học lớp 11 theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh THPT đã đem lại nhiều kết quả khả thi:
- Đề xuất nội dung và quy trình dạy học môn hóa học theo tiếp cận dạy học trải nghiệm cho học sinh THPT, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học môn hóa học cũng như phát triển năng lực của học sinh trường THPT
- Rèn luyện cho học sinh kĩ năng làm việc theo nhóm một cách có hiệu quả từ đó hình thành năng lực hợp tác trong học tập và trong công việc hàng ngày.
- Định hướng cho học sinh cách tìm tòi, khai thác các tài liệu liên quan đến vấn đề học tập và định hướng cách khai thác thông tin từ tài liệu thu thập được một cách có hiệu quả.
- Giúp học sinh tự tin giao tiếp trước đám đông và khả năng thuyết trình các sản phẩm do chính các em tìm tòi.
- Và hơn hết các em có thể tự hào về những sản phẩm do chính tay mình làm ra và sử dụng những sản phẩm đó với nhiều mục đích khác nhau hoặc sẽ định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường.
- Xây dựng nhiều chủ đề dạy học theo nội dung hoạt động trải nghiệm vào bài giảng hóa học 11 THPT để dạy tốt và học tốt môn hóa học.
DHTNST với những ưu điểm vượt trội của nó cùng với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại, việc vận dụng mô hình này cũng như những hình thức dạy học tích cực khác vào trường học là một việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, việc vận dụng DHTNST vào thực tế gặp không ít khó khăn. Làm thế nào để khắc phục những khó khăn này để đưa DHTNST vào dạy học THPT một cách thường xuyên và hiệu quả hơn? Tôi xin có một số kiến nghị nhằm triển khai một cách rộng rãi phương pháp DHTNST trong trường phổ thông:
* Với giáo viên
- Từng bước nâng cao sự hiểu biết của mình về lí luận phương pháp dạy học, kịp thời vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại theo hướng tích cực hóa học sinh, đặc biệt là phương pháp DHTNST.
- Luôn cập nhật những vấn đề thời sự để lồng ghép vào bài học nhằm gây hứng thú học tập và rèn luyện cho mình các kĩ năng vận dụng kiến thức bộ môn vào thực tiễn cuộc sống để từ đó có thể truyền thụ các kĩ năng ấy cho học sinh.
- Chủ động, tích cực trong việc học tập những PPDH hiện đại, tăng cường rèn luyện cho HS những kĩ năng sống.
* Với các trường THPT
- Thay đổi tiêu chí đánh giá giáo viên theo hướng dần khuyến khích giáo viên vận dụng phương pháp mới như phương pháp DHTNST.
- Nhà trường cần động viên, khích lệ và tạo mọi điều kiện cần thiết về trang thiết bị, có giáo viên chuyên trách, kịp thời hỗ trợ giáo viên khi họ cần vận dụng phương pháp DHTNST.
- Lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn bằng các buổi hội thảo về vận dụng phương pháp mới, các giáo viên trong tổ lần lượt thao giảng các tiết có ứng dụng phương pháp mới.
* Với sở Giáo dục và Đào tạo
- Tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về những phương pháp hiện đại, khuyến khích giáo viên vận dụng những mô hình dạy học mới, tích cực, trong đó có mô hình dạy học dự án.
- Kịp thời cung cấp các trang thiết bị cần thiết giúp giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, trong đó có phương pháp DHTNST.
Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp này vào thực tế gặp không ít khó khăn cả về khách quan lẫn chủ quan đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.
Trên đây là những kinh nghiệm mà bản thân thực hiện. Tôi rất mong có sự bổ sung, góp ý của Ban giám hiệu nhà trường, các đồng chí, đồng nghiệp trong tổ và trong đơn vị. Tôi xin chân thành cảm ơn.